Ngày 5/10, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr cho biết, quốc gia của ông có thể cần phải quay sang Nga để đáp ứng các nhu cầu nhiên liệu của mình trong bối cảnh giá năng lượng toàn cầu tăng cao. Động thái này được cho là chống lại sức ép từ các đồng minh phương Tây muốn các nước xa lánh Nga.

Embed from Getty Images

Phát biểu tại Câu lạc bộ Báo chí Hải ngoại Manila, Tổng thống Marcos, cũng là bộ trưởng nông nghiệp, tiết lộ , Philippines cũng có thể giao dịch với Nga về việc cung cấp phân bón.

Tổng thống Marcos lưu ý: “Chúng tôi cho rằng chúng tôi có một quan điểm rất công bằng bởi vì sự thật của vấn đề là, chúng tôi có thể phải giao dịch với Nga về nhiên liệu, về phân bón.”

Philippines giống như nhiều quốc gia khác đang gặp nhiều khó khăn với lạm phát tăng cao, do nguồn cung bị ảnh hưởng bởi cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Philippines, một đồng minh quốc phòng của Hoa Kỳ, đã không áp đặt bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với Nga.

Tổng thống Marcos là con trai của nhà lãnh đạo quá cố bị lật đổ, người đã cầm quyền Philippines trong hai thập kỷ. Tổng thống Philippines cho hay, ông muốn muốn đất nước của mình đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hòa bình trong khu vực, trong bối cảnh các vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên và mối quan hệ căng thẳng Trung Quốc – Đài Loan đang gây ra những thách thức trong khu vực.

Ông bày tỏ: “Chúng tôi hy vọng sẽ là một trong những người dẫn đầu, những người đang dẫn đầu nỗ lực vì hòa bình.”

Ông tuyên bố, ông sẽ đề xuất cách tiếp cận mới đối với cuộc khủng hoảng ở Myanmar tại cuộc họp sắp tới của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào tháng 11. Đề xuất này có thể liên quan đến việc cho phép chính phủ quân sự Myanmar tham gia trực tiếp vào các cuộc họp của ASEAN.

Chính quyền quân sự cầm quyền của Myanmar đã bị cấm tham gia các hội nghị thượng đỉnh khu vực do họ không thực hiện thỏa thuận hòa bình 5 điểm mà họ đã nhất trí với ASEAN vào tháng 4 năm ngoái, sau khi tình trạng hỗn loạn bạo lực bùng phát ở nước này sau cuộc đảo chính quân sự của quân đội.

Các tướng lĩnh Myanmar đã tỏ ra tức giận trước quan điểm cứng rắn bất thường của ASEAN. Họ tuyên bố, họ có ý định tuân thủ thỏa thuận đã nhất trí với ASEAN, nhưng sẽ không đồng ý với lời kêu gọi tổ chức đối thoại với phong trào phản kháng ủng hộ dân chủ mà họ gọi  là “những kẻ khủng bố”.

Tổng thống Marcos kêu gọi: “Đã đến lúc cùng nhau tập hợp lại, để đưa ra một số đề xuất cụ thể về những gì chúng ta có thể làm, để ít nhất cũng đưa các đại diện của chính quyền quân sự [Myanmar] đến bàn đàm phán, từ đó chúng ta có thể bắt đầu thảo luận về những điều này.”

Hôm thứ Tư (5/10), Campuchia – chủ tịch ASEAN hiện tại, xác nhận với Reuters rằng ASEAN đã gửi một yêu cầu đến Hội đồng Hành chính Nhà nước (SAC – tên gọi của chính quyền quân sự Myanmar), về việc đề cử một nhân vật phi chính trị đại diện cho Myanmar tham gia hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo sắp tới của ASEAN.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Campuchia Chum Sounry than phiền: “Một lần nữa, SAC đã từ chối cử bất kỳ ai tham dự hội nghị thượng đỉnh.”

Gia Huy (Theo Reuters)