Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto hôm thứ Bảy (2/4) đã tuyên bố rằng việc đông đảo người dân ủng hộ Phần Lan trở thành thành viên NATO trong các cuộc thăm dò gần đây có thể mở đường cho quốc gia Bắc Âu gia nhập khối quân sự do Mỹ lãnh đạo mà không cần phải tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý.

Embed from Getty Images

Trao đổi với đài phát thanh công cộng Yle hôm 2/4, Tổng thống Sauli Niinisto nói rằng hiện đã rất rõ ràng rằng đa số người dân Phần Lan ủng hộ đất nước gia nhập liên minh quân sự NATO.

Ông Sauli Niinisto nói thêm rằng với những cuộc thăm dò gần đây, Phần Lan sẽ không cần tổ chức trưng cầu dân ý để gia nhập NATO, nếu nhận được sự tán thành của đại đa số thành viên quốc hội.

Theo một cuộc khảo sát của Yle trong tháng này, sự ủng hộ của người dân về việc Phần Lan trở thành thành viên NATO đã đạt mức cao kỷ lục, 62%. Một cuộc khảo sát khác do Helsingin Sanomat tiến hành và công bố trong tuần này cũng chỉ ra rằng có tới 61% người dân Phần Lan ủng hộ đất nước gia nhập liên minh quân sự do Mỹ lãnh đạo.

Những cuộc khảo sát đó cho thấy quan điểm của người dân Phần Lan đã đảo chiều sau khi Nga phát động cuộc tấn công xâm lược Ukraine từ ngày 24/2. Các cuộc khảo sát trước đây đều cho thấy người dân Phần Lan phản đối đất nước trở thành thành viên NATO.

Tổng thống Sauli Niinisto nói rằng chính bản thân ông vào cuối năm ngoái đã có quan điểm khác về vấn đề này, nhưng bây giờ ông đã thay đổi lập trường.

Tuy nhiên, ông Niinisto nhấn mạnh rằng điều quan trọng là Phần Lan phải bàn thảo với Thụy Điển về vấn đề gia nhập NATO và hai nước sẽ cùng đưa ra kết luận chung. Ông Niinisto cũng nói ông đã thảo luận với Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson nhiều lần về vấn đề này và các cuộc thảo luận tiếp theo đang được sắp xếp.

>>Chiến tranh Ukraine khiến Thụy Điển, Phần Lan tiến gần hơn với NATO

Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin hôm thứ Bảy (2/4) cũng nói rằng những hành động quân sự gần đây của Nga tại Ukraine đã ép Helsinki phải đánh giá lại chính sách an ninh và một quyết định về việc có gia nhập NATO hay không phải sớm được đưa ra trong mùa xuân này. “Nga đã không còn là nước láng giềng như chúng tôi đã nghĩ về họ trước đây”, bà Sanna Marin nói.

Phần Lan và Thụy Điển hiện chưa phải là thành viên của NATO, nhưng họ có mối quan hệ đối tác gần gũi với khối liên minh quân sự này.

Phần Lan là quốc gia châu Âu có đường biên giới dài nhất với Nga. Hai nước Phần Lan – Nga có 1.300 km đường biên giới chung.

Như Ngọc (Theo Daily Sabah và RT)