Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Hai (1/8) nói rằng không bên nào có thể chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân và không bao giờ nên khơi mào một cuộc chiến tranh như vậy.

Embed from Getty Images

Ông Putin đưa ra bình luận nêu trên trong một lá thư gửi tới những người tham gia hội thảo về hiệp định không phổ biến hạt nhân và cũng vào thời điểm cuộc chiến tranh tại Ukraine do Nga phát động đã kéo dài hơn 5 tháng.

Chúng ta thấy thực tế rằng không thể có bên chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân và cuộc chiến đó không bao giờ nên bị bùng nổ, và chúng tôi ủng hộ an ninh bình đẳng và bất khả phân cho tất cả thành viên trong cộng đồng thế giới”, ông chủ Điện Kremlin nói.

Phát ngôn mới nhất của ông Putin dường như nhằm mục đích trấn an cộng đồng quốc tế và vẽ chân dung Nga là một siêu cường hạt nhân có trách nhiệm.

Những lời lẽ đó tương phản với các tuyên bố của chính ông Putin và các quan chức Nga khác vào thời điểm Moscow bắt đầu phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine hồi cuối tháng Hai.

Trong bài phát biểu hôm 24/2, thời điểm Nga phát động chiến tranh xâm lược Ukraine, ông Putin thẳng thắn đề cập tới kho vũ khí hạt nhân của Nga và cảnh báo các cường quốc bên ngoài rằng bất kỳ nỗ lực can thiệp nào vào Ukraine sẽ “khiến quý vị gặp những hậu quả mà quý vị chưa bao giờ từng gặp phải trong lịch sử”.

Vài ngày sau đó, ông Putin đã ra lệnh đặt lực lượng hạt nhân Nga lên mức cảnh giác cao.

Trong cuộc chiến tranh tại Ukraine, các chính trị gia của cả Nga và Mỹ đều công khai nói về rủi ro Thế chiến III. Điều này đã làm gia tăng căng thẳng địa chính trị tới mức độ chưa từng thấy kể từ cuộc Khủng hoảng Tên lửa Cuba năm 1962.

Giám đốc CIA Mỹ William Burns hồi tháng Tư đã nói rằng với những tổn thất mà Nga gây ra tại Ukraine, “không ai trong chúng ta có thể coi nhẹ mối đe dọa đặt ra bởi khả năng [Nga] sẽ lựa chọn [sử dụng] các vũ khí hạt nhân chiến thuật”.

Trong khi đó, Nga đã cáo buộc Mỹ và phương Tây tiến hành “chiến tranh ủy nhiệm” chống lại Moscow thông qua trang bị vũ khí cho Ukraine và áp đặt chế tài lên Nga. Học thuyết quân sự của Nga cho phép nước này được sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp có mối đẹ dọa hiện hữu đối với nhà nước Nga.

Hồi tháng Tư, Nga cũng đã tiến hành thử lần đầu tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat. Loại tên lửa này có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân và có tầm bắn tới lục địa Mỹ. Nga nói rằng họ có kế hoạch triển khai tên lửa Sarmat vào mùa thu năm nay.

Như Ngọc (Theo Reuters)