Tổng thống Donald Trump hôm thứ Sáu (14/8) đã ra lệnh công ty ByteDance Trung Quốc phải chuyển đổi chủ hữu các hoạt động của TikTok tại Mỹ trong vòng 90 ngày.

Embed from Getty Images

Có bằng chứng đáng tin cậy khiến tôi tin rằng ByteDance… có thể hành động đe dọa làm tổn hại tới an ninh quốc gia Mỹ”, ông Trump tuyên bố trong sắc lệnh hành pháp.

Động thái nêu trên làm tăng thêm áp lực buộc ByteDance phải nhanh chóng xúc tiến chuyển đổi chủ sở hữu TikTok, và củng cố về mặt pháp lý cho hành động trấn áp mạng xã hội Trung Quốc này của chính quyền Trump.

TikTok gần đây cũng đã bị các nhà lập pháp Mỹ chỉ trích mạnh mẽ vì đặt ra đe dọa tới an ninh quốc gia thông qua việc ứng dụng chia sẻ video ngắn này thu thập dữ liệu người dùng.

Tuần trước, Tổng thống Trump đã ký lệnh hành pháp cấm các giao dịch của Mỹ với ByteDance và với Tencent – chủ sở hữu WeChat trong vòng 45 ngày, leo thang đối đầu với Bắc Kinh về tương lai của ngành công nghệ toàn cầu.

>>Tổng thống Trump ký sắc lệnh cấm TikTok và WeChat

Ông Trump đã từng nói ông sẽ ủng hộ nỗ lực của Microsoft trong việc mua lại các hoạt động tại Mỹ của TikTok nếu chính phủ Mỹ nhận được “phần lớn cổ phần” trong tiến trình này và ông cũng nói có một số bên tiềm năng khác cũng quan tâm đến việc mua TikTok.

Chính quyền Trump thời gian qua đã đẩy mạnh nỗ lực trừ sạch những ứng dụng Trung Quốc “không đáng tin cậy” khỏi mạng kỹ thuật số Mỹ.

Trả lời báo giới hôm thứ Sáu (14/8) về việc liệu các lệnh cấm sâu rộng các giao dịch với WeChat có thể cản trở Apple bán điện thoại iPhone tại Trung Quốc, ông Trump cho biết ông không lo lắng về điều đó. “Tôi làm những gì là tốt về mặt an ninh quốc gia chúng ta”, ông Trump nói.

Chiến lược loại bỏ các ứng dụng “không đáng tin cậy” đã được chính quyền Trump hiện thực hóa bằng chương trình “Mạng Sạch” (Clean Network) do bộ Ngoại giao Mỹ phát động trên quy mô toàn cầu.

Theo trang web chính thức của Bộ Ngoại giao Mỹ, chương trình Mạng Sạch (Clean Network) là một phương án tiếp cận toàn diện của chính quyền Trump để bảo vệ quyền riêng tư của người dân và những thông tin nhạy cảm nhất của công ty khỏi các hành động xâm phạm bởi các nhân tố xấu, chẳng hạn Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Ngoại trưởng Mike Pompeo cho hay chương trình này của Mỹ có cơ sở là các tiêu chuẩn tín nhiệm số được chấp nhận toàn cầu và xây dựng dựa trên sáng kiến Lộ trình 5G Sạch được thông báo vào ngày 29/4/2020, dùng để đảm bảo dữ liệu mạng 5G di chuyển tới các cơ sở ngoại giao của Mỹ ở trong và ngoài nước.

Sáng kiến Clean Network là một nỗ lực toàn diện nhằm giải quyết các mối đe dọa trong dài hạn của các nhân tố xấu độc tài như ĐCSTQ gây ra đối với dữ liệu cá nhân, an ninh, nhân quyền của thế giới tự do”, ông Pompeo nói.

Clean Network được tuyên bố là “xây dựng trên một liên minh của các đối tác đáng tin cậy”.

6 nỗ lực trong sáng kiến Mạng Sạch đang được triển khai gồm có: 5G Clean Path (Lộ trình 5G sạch), Clean Carrier (Nhà mạng sạch), Clean Store (Kho ứng dụng sạch), Clean Apps (Ứng dụng sạch), Clean Cloud (Đám mây sạch), và Clean Cable (cáp truyền dữ liệu sạch). Trong mỗi nỗ lực, ĐCSTQ và các công ty Trung Quốc đều được nhắc tên nhiều lần như những nhân tố xấu cần chống lại để bảo vệ người dùng và an ninh quốc gia.

Bộ Ngoại giao Mỹ nói động lực của Clean Network đang gia tăng. Và “Hoa Kỳ kêu gọi tất cả đồng minh và đối tác của chúng tôi trong chính phủ và các ngành trên toàn thế giới cùng tham gia vào cơn thủy triều đang dâng cao này để bảo vệ dữ liệu của chúng ta khỏi nhà nước giám sát của ĐCSTQ và các thực thể xấu xa khác. Xây dựng một pháo đài Sạch xung quanh dữ liệu công dân của chúng ta sẽ đảm bảo an ninh quốc gia cho tất cả quốc gia chúng ta”, thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ ghi.

Đáng chú ý, trong 30 nước được Mỹ thông báo đã tham gia vào sáng kiến Mạng Sạch có tên Việt Nam. Việt Nam được Bộ Ngoại giao Mỹ nhắc đến là “đang từ chối làm ăn với các công cụ giám sát của nhà nước ĐCSTQ như Huawei”.

Như Ngọc

Xem thêm: