Ngày 26/12, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho hay, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Narendra Modi mới đây, ông đã hy vọng sẽ có được sự giúp đỡ của Ấn Độ trong việc triển khai “công thức hòa bình”.

Embed from Getty Images

Cuộc điện đàm diễn ra vào thời điểm Ấn Độ đang tìm cách tăng cường quan hệ thương mại với Moscow, trong khi các quốc gia phương Tây áp đặt thêm biện pháp mới nhằm hạn chế các khoản ngân sách cho chiến tranh của Nga.

Tổng thống Zelensky viết trên Twitter: “Tôi đã có một cuộc điện đàm với Thủ tướng Narendra Modi và chúc ông ấy đảm nhiệm thành công vai trò chủ tịch G20. Cũng thông qua diễn đàn này tôi đã đưa ra công thức hòa bình và giờ tôi kỳ vọng vào vai trò của Ấn Độ trong việc triển khai nó.”

Tháng trước, ông Zelensky đã yêu cầu Nhóm G20 thông qua ‘công thức hòa bình’ với 10 luận điểm của Ukraine để chấm dứt chiến tranh.

Trong một tuyên bố đưa ra cuối ngày 26/12, Chính phủ Ấn Độ cho biết hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về các cơ hội tăng cường hợp tác song phương.

“Thủ tướng giải thích những ưu tiên chính trong nhiệm kỳ chủ tịch G20 của Ấn Độ, bao gồm cả việc đưa ra tiếng nói về những quan ngại của các nước đang phát triển về vấn đề như an ninh lương thực và năng lượng,” tuyên bố nêu rõ.

Thủ tướng Modi cũng một lần nữa nhắc lại lời kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch ở Ukraine, đồng thời khẳng định quan điểm của Ấn độ về việc ủng hộ bất kỳ nỗ lực hòa bình nào.

Trên thực tế, Ấn Độ vẫn luôn không rõ ràng về lập trường lên án cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Quốc gia này còn là khách hàng mua dầu lớn nhất của Nga sau Trung Quốc. Trong tháng này, họ đã mua các thùng dầu thô Urals ở mức giá thấp hơn nhiều so với mức trần 60 USD mà các quốc gia phương Tây chấp thuận.

Ngoại trưởng Ấn Độ khẳng định, là nước tiêu thụ dầu mỏ và khí đốt nhiều thứ ba thế giới, trong khi mức thu nhập không cao, Ấn Độ phải lo cho lợi ích của mình và gọi Nga là “một đối tác ổn định, đã qua thời gian thử thách”.

Theo Reuters, gần đây Nga đã chuyển cho Ấn Độ danh sách hơn 500 sản phẩm có khả năng giao hàng, bao gồm linh kiện ô-tô, máy bay và tàu hỏa, trong bối cảnh các lệnh trừng phạt ngày càng siết chặt khả năng duy trì hoạt động các ngành công nghiệp quan trọng của Nga.

Đáp lại, Ấn Độ cũng gửi cho Nga một danh sách các sản phẩm của mình để tiếp cận thị trường Nga, khi nước này tìm cách cân bằng thương mại song phương hiện đang nghiêng về phía Nga.

Minh Ngọc (Theo Reuters)