Tại một tu viện ở Kyiv giữ vai trò quan trọng về lịch sử của cả Ukraine và Nga, hàng trăm tu sỹ Kitô bị buộc tội trung thành với Moscow, nhưng họ đang quyết tâm ở lại bất chấp lệnh trục xuất của chính quyền, tường trình từ phóng viên tại chỗ của AFP ngày 25/3.

shutterstock 2048347706
Nhà thờ Refectory thuộc tổ hợp Tu viện Kyiv Pechersk Lavra. (Nguồn: Havoc / Shutterstock)

Chính phủ cho biết họ phải rời tổ hợp tu viện Kyiv Pechersk Lavra trước ngày Thứ Tư nhưng các tu sỹ nói rằng lệnh này không có cơ sở, và họ dự định ở lại “càng lâu càng tốt”.

“Không có cơ sở pháp lý” cho việc trục xuất, Đức Tổng Giám mục Kliment, phát ngôn viên của nhà thờ, nói với AFP trong tu viện.

Các tu sỹ là thành viên của Giáo hội Chính thống Ukraine UOC, vốn thuộc tòa thượng phụ Moscow, Giáo hội Chính thống Nga ROC.

Sau khi Nga tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine vào năm ngoái, giáo hội UOC đã cắt đứt quan hệ với Thượng phụ Nga Kirill, người ủng hộ Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Nhưng Chính phủ Ukraine tin rằng trên thực tế họ vẫn phụ thuộc vào Moscow.

Tu viện Các hang động (pechersk = hang động) nhìn ra sông Dnipro, được thành lập vào thế kỷ 11, và là Di sản Thế giới được UNESCO công nhận.

“Giáo hội của chúng tôi là tổ chức tôn giáo đầu tiên của Ukraine lên tiếng phản đối cuộc chiến của [ông] Putin đối với Ukraine,” ông Kliment nói.

“Giáo hội đã [làm lễ] ban phước lành cho quân đội Ukraine để bảo vệ tổ quốc,” ông nói.

Nhưng Chính phủ đầu tháng này cho biết họ đang trục xuất UOC khỏi tu viện, với lý do “vi phạm” các quy tắc về tài sản của nhà nước.

Người phát ngôn cho biết hiện có mối đe dọa “buộc phải trục xuất” và cắt điện, nước, và internet.

“Chúng tôi sẽ ở lại Lavra càng lâu càng tốt,” ông nói với AFP.

“Không có quan hệ” với Moscow

Trong một thông điệp video hôm 22/3, Metropolitan Pavel, tu viện trưởng của Lavra, đã kêu gọi các tín hữu “cùng chúng tôi bảo vệ thánh địa này.”

Ông Kliment cho biết có hơn 200 tu sỹ và 300 học sinh tôn giáo sống tại địa điểm này, với những nhà thờ mái vòm vàng và mái xanh, có diện tích hơn 20 ha (gần 50 mẫu Anh).

Trước một trong những tòa nhà vào Thứ Sáu, các phóng viên AFP đã nhìn thấy một chiếc xe tải chở đồ đạc, trong đó những người đàn ông trẻ tuổi đang đặt những chiếc hộp đầy sách và những đồ đạc nhỏ.

Tại lối vào chính, cảnh sát đang kiểm tra ô tô, thậm chí yêu cầu tài xế mở cả giày và ủng.

Vào cuối năm ngoái, chính quyền Ukraine đã đột kích vào một số tòa nhà của Giáo hội bao gồm cả tu viện Lavra này và trừng phạt các giáo sỹ bị cáo buộc có lập trường ủng hộ Moscow.

Người phát ngôn của Giáo hội cho biết ông đã “nhận được thông tin rằng cảnh sát có lệnh dừng tất cả các xe chở tín đồ vào Lavra và kiểm tra mọi người trước khi cho họ vào” vào ngày trục xuất.

Arina Lazurenko, 37 tuổi, đặc biệt đến từ vùng Sumy ở đông bắc Ukraine để thăm tu viện, cho biết bà ủng hộ “tất cả những ai muốn bảo vệ Lavra và quyền của các tín đồ.”

“Tôi hy vọng mọi thứ sẽ diễn ra tốt đẹp,” bà nói.

Anna, 46 tuổi, rưng rưng nước mắt nói rằng “không có quan hệ nào giữa Giáo hội này và Moscow.”

“Đó là một lời nói dối,” bà không tin vào tuyên truyền của Chính phủ, và nói thêm rằng bà sẽ “làm hết sức mình” để đến và cầu nguyện vào Thứ Tư để bảo vệ Giáo hội.

230323 lavra 01
Nhà thờ Refectory trong khuôn viên tu viện, so sánh với tình trạng thảm hại của nó thời Xô Viết (ảnh cắt ghép từ video và Wikipedia).

Hãng tin AFP của Pháp là một trong số ít các hãng tin phương Tây hiện có bài tường thuật của phóng viên tại chỗ về đàn áp tôn giáo ở Ukraine. Trí thức VN đã truyền đạt nguyên nội dung báo cáo của AFP như trên.

Chính quyền Zelensky đã dùng các hình ảnh chuyên chở đồ đạc rời khỏi tu viện để tuyên truyền rằng các tu sỹ đang tuân theo lệnh trục xuất và rời đi. Tuy nhiên các tu sỹ phản hồi rằng họ sẽ ở lại. Họ chỉ đưa một bộ phận ra ở bên ngoài vào thời khắc khó khăn:

“Chúng tôi hiện đang thực hiện một số sắp xếp trong trường hợp các tu sỹ không thể ở lại Lavra. Họ hiện đang mang đồ đạc cá nhân ra ngoài,” ông Klyment nói. Đồng thời, ông nhấn mạnh rằng “khi tu viện Lavra trở lại, họ sẽ quay về.”

Video: Trên truyền hình Ukraine, chính quyền Ukraine cho biết việc kêu gọi các tu sỹ chuyển sang giáo hội mới chính là cơ hội đàm phán dành cho các tu sỹ của tu viện rồi, và sau khi cơ hội đó qua đi, thì chính quyền sẽ có biện pháp. Họ gọi các tu sỹ ở đó là tu sỹ Nga.

Nhật Tân