Vị tướng hàng đầu của Hoa Kỳ về Châu Phi đang cảnh báo rằng mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc có thể không chỉ từ vùng biển Thái Bình Dương mà còn đến cả từ Đại Tây Dương. 

Embed from Getty Images

(Ảnh: Tướng Stephen Townsend)

Trong một cuộc phỏng vấn với Associated Press, vị tướng Hoa Kỳ Stephen Townsend cho biết Bắc Kinh đang tìm cách thiết lập một quân cảng lớn có khả năng tiếp nhận tàu ngầm hoặc tàu sân bay trên bờ biển phía tây của châu Phi. Tướng Townsend nói rằng Trung Quốc đã tiếp cận các nước trải dài từ Mauritania đến phía nam Namibia, với ý định thiết lập một căn cứ hải quân. Nếu thành hiện thực, triển vọng đó sẽ cho phép Trung Quốc đưa tàu chiến của lực lượng Hải quân đang lớn mạnh của họ đến đóng ở Đại Tây Dương cũng như Thái Bình Dương.

“Họ đang tìm kiếm một nơi có thể tái trang bị và sửa chữa tàu chiến. Điều này có thể hữu ích về mặt quân sự một khi xảy ra xung đột,” Tướng Townsend, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Châu Phi của Hoa Kỳ cho biết. “Họ còn cả một chặng đường dài để thiết lập điều đó ở Djibouti. Giờ đây, họ đang hướng tầm nhìn về bờ biển Đại Tây Dương và đang thèm muốn có được tại đó một căn cứ như vậy.” 

Cảnh báo của tướng Townsend được đưa ra khi Lầu Năm Góc chuyển trọng tâm từ các cuộc chiến chống khủng bố trong hai thập kỷ qua sang khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương và các mối đe dọa từ các cường quốc đối thủ như Trung Quốc và Nga. Chính quyền Biden coi việc mở rộng nhanh chóng ảnh hưởng kinh tế và sức mạnh quân sự của Trung Quốc là thách thức an ninh dài hạn chính đối với Mỹ.

Các chỉ huy quân đội Hoa Kỳ trên toàn cầu đã cảnh báo rằng sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc không chỉ đơn giản chỉ diễn ra ở châu Á. Họ cho rằng Bắc Kinh đang ráo riết khẳng định ảnh hưởng kinh tế đối với các quốc gia ở châu Phi, Nam Mỹ và Trung Đông, đồng thời tìm cách lập ra các căn cứ và vị thế ở đó.

Tướng Townsend nói: “Người Trung Quốc đang vượt trội Mỹ tại một số quốc gia trọng điểm ở châu Phi. “Các dự án cảng, nỗ lực đầu tư kinh tế, cơ sở hạ tầng, các thỏa thuận và hợp đồng sẽ làm họ nâng cao khả năng tiếp cận trong tương lai. Họ đang mạo hiểm và đặt cược lớn vào châu Phi”.

Căn cứ hải quân ở nước ngoài đầu tiên của Trung Quốc được xây dựng cách đây nhiều năm tại Djibouti thuộc vùng Sừng châu Phi và hiện căn cứ này vẫn đang được nâng cao năng lực. Tướng Townsend cho biết có khoảng 2.000 quân nhân đang ở căn cứ này, bao gồm hàng trăm lính thủy đánh bộ đảm bảo an ninh ở đó.

“Chắc chắn là họ có vũ khí và đạn dược. Họ cũng có các xe bọc thép. Chúng tôi nghĩ rằng họ sẽ sớm bố trí trực thăng, có khả năng bao gồm cả trực thăng tấn công,” tướng Townsend nói.

Từ lâu, nhiều người đã nghĩ rằng Trung Quốc đang xúc tiến thiết lập một căn cứ Hải quân ở Tanzania, một quốc gia trên bờ biển phía đông của châu Phi, nước có mối quan hệ quân sự lâu dài và bền chặt với Bắc Kinh. Nhưng tướng Townsend cho biết dường như vẫn chưa có một quyết định như vậy.

Ông nói rằng mặc dù Trung Quốc đã rất cố gắng để có được một căn cứ ở Tanzania, nhưng đó không phải là địa điểm mà ông quan tâm nhất.

“Nó ở phía Ấn Độ Dương,” ông nói. “Tôi muốn nó ở Tanzania thay vì ở bờ biển Đại Tây Dương. Bờ biển Đại Tây Dương khiến tôi hết sức lo ngại,” ông nói, chỉ vào khoảng cách tương đối ngắn hơn từ bờ biển phía tây của Châu Phi đến Hoa Kỳ. Tính theo hải lý, một căn cứ trên bờ biển phía bắc Đại Tây Dương của châu Phi có thể gần Hoa Kỳ đáng kể hơn so với các căn cứ quân sự ở Trung Quốc tới bờ biển phía tây của Mỹ.

Cụ thể hơn, các quan chức khác của Hoa Kỳ nói rằng Trung Quốc đang để mắt đến các vị trí để xây dựng một cảng ở Vịnh Guinea.

Báo cáo năm 2020 của Bộ Quốc phòng về sức mạnh quân sự của Trung Quốc cho biết Trung Quốc có khả năng đã xem xét bổ sung các cơ sở quân sự để hỗ trợ lực lượng hải quân, không quân và mặt đất của họ ở Angola, cùng các địa điểm khác. Cũng cần lưu ý rằng Trung Quốc phải nhập một lượng lớn dầu mỏ và khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ châu Phi và Trung Đông, khiến những khu vực này trở thành ưu tiên hàng đầu của họ trong 15 năm tới.

Henry Tugendhat, nhà phân tích chính sách cấp cao của Viện Hòa bình Hoa Kỳ, cho biết Trung Quốc có rất nhiều lợi ích kinh tế trên bờ biển phía tây của châu Phi, bao gồm cả đánh bắt cá và dầu mỏ. Trung Quốc cũng đã hỗ trợ tài chính và xây dựng một cảng thương mại lớn ở Cameroon.

Ông nói rằng bất kỳ nỗ lực nào của Bắc Kinh để có được một quân cảng trên bờ biển Đại Tây Dương sẽ là sự mở rộng sự hiện diện quân sự của Trung Quốc. Tuy vậy, ông nhận định mong muốn tiếp cận đại dương có thể trước hết là vì lợi ích kinh tế hơn là khả năng quân sự.

Tướng Townsend và các chỉ huy quân sự khu vực đã bày tỏ quan ngại về Trung Quốc trong các cuộc điều trần gần đây của Quốc hội. Ông cùng với đô đốc Craig Faller, người đứng đầu Bộ chỉ huy miền Nam Hoa Kỳ và Tướng Frank McKenzie, người đứng đầu Bộ chỉ huy trung tâm Hoa Kỳ, đang đấu tranh để giữ lại lực lượng quân sự, máy bay và tài sản giám sát của họ khi Lầu Năm Góc tiếp tục xem xét sự chuyển dịch cạnh tranh quyền lực.

Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đang tiến hành đánh giá vị thế toàn cầu để xác định xem quân đội Mỹ có thể được bố trí ở vị trí cần thiết nào và số lượng bao nhiêu đủ để duy trì tốt nhất sự kiểm soát trên thế giới. Việc xem xét đó dự kiến sẽ được hoàn thành vào cuối mùa hè này.

Tiến Minh (dịch từ Epoch Times)

Xem thêm: