Ngày 9/2, hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ đã tập trận chung ở biển Đông. Chỉ huy Nhóm tác chiến tàu sân bay của Hải quân Mỹ tuyên bố, hoạt động này nhằm tăng cường bảo vệ các quyền và lợi ích quốc tế tại vùng biển này, trước tình trạng gần đây Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tăng cường triển khai tàu chiến và máy bay chiến đấu ở Biển Đông.

1087px USS Nimitz in Victoria Canada 036
Tàu sân bay USS Nimitz (CVN-68), (Ảnh: Hải quân Hoa Kỳ/ Wikipedia)

Trong một cuộc họp báo, Thiếu tướng Doug Verissimo nói với các phóng viên rằng tàu USS Roosevelt và tàu USS Nimitz đã tiến hành một cuộc tập trận chung vào tuần trước với mục đích tăng cường sức mạnh của các đồng minh trong khu vực và đảm bảo rằng kênh biển chiến lược này luôn là vùng biển chung của quốc tế “tự do và rộng mở đối với tất cả mọi người”.

Đồng thời, ông nói thêm rằng những năm gần đây việc triển khai lực lượng hải quân và không quân của ĐCSTQ đã gia tăng đáng kể. Chỉ huy Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Roosevelt cho biết, “Chúng tôi thấy nhiều máy bay của ĐCSTQ, tàu chiến càng nhiều hơn, đang diễn tập hàng ngày.”

Ông chỉ ra đây là lần thứ ba kể từ năm 2017 Nhóm tác chiến tàu sân bay kép được tập hợp trên biển, “Lực lượng mà chúng tôi tập hợp đã được tăng cường đáng kể về mọi mặt”.

Ngày 9/2, hai tàu sân bay và tàu chiến đi cùng gồm 10.000 thủy thủ và lính thủy đánh bộ đã tiến hành một cuộc tập trận quy mô lớn trong khu vực nhằm biểu dương quy mô lực lượng. Tại vùng Biển Đông, Hải quân ĐCSTQ thường xuyên đối đầu với tàu chiến Mỹ và yêu cầu tàu chiến Mỹ rời khỏi vùng biển này. Còn phía Hải quân Mỹ phớt lờ cảnh báo của Hải quân ĐCSTQ, phản bác rằng vùng biển này là vung biển quốc tế.

 

ĐCSTQ đã triển khai quân ở Biển Đông như thế nào?

Theo Epoch Times, năm 2012 sau khi ĐCSTQ chiếm bãi cạn Scarborough mà Philippines tuyên bố chủ quyền, họ bắt đầu xây dựng các cơ sở quân sự ở đó với quy mô đáng kể. Chính quyền Mỹ thời Obama khi đó đã phớt lờ yêu cầu hỗ trợ của Chính phủ Philippines theo Hiệp ước Phòng thủ lẫn nhau, chính điều đó đã kích hoạt kế hoạch xây dựng đảo quy mô lớn của ĐCSTQ, dẫn đến việc trong vòng 5 năm, ĐCSTQ đã xây dựng một hòn đảo mới rộng khoảng 3.200 mẫu Anh ở đó.

Theo báo cáo thường niên mới nhất của Lầu Năm Góc về quân sự ĐCSTQ, Bắc Kinh đã triển khai tên lửa chống hạm YJ-12B trên một số tiền đồn ở Biển Đông. Ngoài ra ĐCSTQ cũng đang triển khai thêm tàu ​​chiến tại hai căn cứ ở Biển Đông, bao gồm nhiều tàu chống hạm Type 056 và tàu tên lửa kiểu 022 (Type 22 missile boat) được trang bị tên lửa dẫn đường.

Tháng 8/2020, ĐCSTQ đã thử nghiệm đưa vào Biển Đông hai tên lửa đạn đạo chống hạm là Dongfeng 21D và Dongfeng 26. ĐCSTQ cũng đang lắp đặt hệ thống giám sát đáy biển để cải thiện độ chính xác của tên lửa.

Epoch Times dẫn lời Thiếu tướng James Kirk, chỉ huy Nhóm tàu sân bay tác chiến Nimitz cho biết hạm đội của ông nhận thức được mối nguy hiểm tiềm tàng mà tên lửa đạn đạo chống hạm gây ra cho tàu sân bay Mỹ. Ông nói: “Cách tiếp cận của chúng tôi trong hoạt động tập trận có tính đến những mối đe dọa này từ Hải quân ĐCSTQ. Nếu chúng tôi quyết định cần có hành động quân sự như vậy, điều đó cho thấy chúng tôi có khả năng bảo vệ hạm đội của mình.”

Ngoài ra, ĐCSTQ còn điều động hàng chục tàu chở một số dân quân vũ trang. Epoch Times dẫn báo cáo của Lầu Năm Góc cho biết:

“Ở Biển Đông, lực lượng dân quân vũ trang (PAFMM) của ĐCSTQ đóng vai trò then chốt trong chiến lược đạt được các mục tiêu chính trị mà không gây chiến, chiến lược này là một phần trong các mục tiêu quân sự tổng thể. ĐCSTQ cho rằng đối đầu không có chiến tranh là phương tiện hữu hiệu để đạt được các mục tiêu chính trị.”

“Việc xây dựng một sân bay mới và nhà kho máy bay trên tiền đồn ở Biển Đông đã mở rộng khu vực tác chiến trên không của quân đội ĐCSTQ.”

Liên quan các cơ sở quân sự này của ĐCSTQ, Thiếu tướng Verissimo nhận định: “Điều này cho thấy các hoạt động của họ (quân đội ĐCSTQ) đã tăng lên đáng kể… và đang tăng đều đặn theo thời gian.”

Những nguồn tin cũng chỉ ra lực lượng dân quân vũ trang của ĐCSTQ còn tham gia vào các vụ việc khác, bao gồm vụ quấy rối các tàu trinh sát của hải quân vào năm 2009 và vụ đối đầu tại bãi đá ngầm Scarborough năm 2012.

 

Thể hiện quyết tâm hỗ trợ an ninh Biển Đông

Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ ngày 9/2 tuyên bố rằng các nhóm tấn công hàng không mẫu hạm Roosevelt và Nimitz đã tiến hành một số cuộc tập trận ở Biển Đông vào ngày hôm đó, nhằm cải thiện sự phối hợp hoạt động và khả năng chỉ huy và kiểm soát giữa các nguồn lực hải quân Mỹ.

Thiếu tướng Kirk cho rằng nhóm tác chiến tàu sân bay kép thể hiện quyết tâm hỗ trợ an ninh cho khu vực và cũng thể hiện quyết tâm của Mỹ. Cả hai nhóm tác chiến tàu sân bay đều thuộc Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ. “Mỹ luôn ủng hộ quyền tự do hàng hải trên các vùng biển cả quốc tế, điều này cũng đảm bảo sự an toàn của tất cả các nước trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương,” Thiếu tướng Kirk nói.

Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ cho biết các tàu và máy bay của hai nhóm tác chiến phối hợp hoạt động trong khu vực có giao thông đông đúc, nhằm thể hiện khả năng hoạt động của Hải quân Mỹ trong môi trường đầy thử thách.

Trong diễn biến liên quan, tối ngày 8/2 Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly chia sẻ trên Twitter rằng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Pháp SNA Emeraude cùng với tàu hỗ trợ BSAM Seine đang đi qua khu vực Biển Đông, ông cũng đính kèm hình ảnh hai con tàu trên.

Lâm Nghiên, Epoch Times

Xem thêm: