Hôm 24/7 vừa qua, Ban tổ chức Thế vận hội Olympic Tokyo đã không hiển thị biểu tượng quốc kỳ Đài Loan ở bài đăng trên tài khoản Twitter chính thức, trong đó thông báo những vận động viên đoạt huy chương môn Judo.

quốc kỳ
(Ảnh minh họa: Lewis Tse Pui Lung/Shutterstock)

Vận động viên Đài Loan Yang Yung-Wei mới đây đã giành được huy chương Bạc ở nội dung Judo nam hạng cân 60kg, sau khi để thua Takato Naoshia của Nhật Bản ở trận đấu cuối cùng.

Tuy nhiên, biểu tượng quốc kỳ Đài Loan đã không xuất hiện trong bài đăng trên Twitter ngay cạnh tên của vận động viên cho Đài Loan Yang Yung-Wei. Tất cả các vận động viên đoạt huy chương khác đều hiển thị biểu tượng quốc kỳ ngay bên cạnh tên của họ, ngoại trừ Đài Loan.

Nguyên nhân dẫn đến sự việc trên được cho là nằm ở yếu tố kỹ thuật. Khi đăng bài trên Twitter, nền tảng này không hỗ trợ phần biểu tượng quốc kỳ Đài Loan sử dụng trong thời điểm thi đấu ở Olympic (khác với biểu tượng quốc kỳ Đài Loan thông thường mà chúng ta vẫn thường biết đến), vậy nên cũng dễ hiểu khi trang Twitter của Ban tổ chức Thế vận hội Olympic Tokyo đã không thể nhập liệu và hiển thị được nội dung này.

Quoc ky Dai Loan scaled
Quốc kỳ Đài Loan dùng khi thi đấu ở Olympic (trái) và lúc thông thường (phải). (Ảnh ghép từ Wiki)

Trước đó, tên chính thức của Đài Loan tại Thế vận hội đã trở thành đề tài được tranh luận sôi nổi vào khi đài truyền hình quốc gia Nhật Bản đã không giới thiệu các vận động viên Đài Loan đến từ “Đài Bắc Trung Hoa” trong lễ khai mạc hôm 23/7 vừa qua. Thay vào đó, người dẫn chương trình của NHK gọi thẳng tên đội tuyển là “Đài Loan” – một từ cấm kỵ mà Trung Quốc đã đưa ra như một thỏa thuận lâu dài với nhiều bên về quy ước đặt tên cho hòn đảo tự trị trong các sự kiện quốc tế như vậy.

Các nhà bình luận ở Đài Loan, bao gồm cả Tổng thống Thái Anh Văn, ngay lập tức đã nhân cơ hội này cảm ơn Nhật Bản. 

Bà Thái cảm ơn Nhật Bản vì đã trở thành một “láng giềng tốt”, trong đó nhấn mạnh mối quan hệ đang ấm dần lên giữa hòn đảo và Tokyo.

Tuy không đề cập trực tiếp đến sự việc, bà Thái viết trên Facebook sau lễ khai mạc: “Không có thách thức nào đủ lớn có thể làm mất đi sức mạnh của thể thao và giá trị của Thế vận hội Olympics. Xin cảm ơn nước chủ nhà Nhật Bản vì đã làm mọi thứ có thể để sự kiện được diễn ra”.

“Dù thách thức lớn đến đâu, nó sẽ không ngăn cản Đài Loan trở thành một thành viên của thế giới. Khoảnh khắc khi người cầm cờ [vận động viên quần vợt] Lu Yen-hsun và [vận động viên cử tạ] Kuo Hsing-chun bước vào sân thi đấu là lúc Đài Loan đứng trên vũ đài thế giới. Tất cả chúng tôi đều cảm thấy tự hào”.

Bài đăng của bà đã thu hút hơn 140.000 lượt thích và 5.000 bình luận.

Nhà lập pháp Đài Loan Claire Wang Wanyu đã mô tả trên Facebook rằng đó là một khoảnh khắc cảm động. “Tôi hy vọng sẽ có một ngày chúng tôi có thể bước vào sân vận động với tư cách là Đài Loan”, cô viết.

Ngoài ra, thứ tự mà phái đoàn Đài Loan diễu hành vào Sân vận động Olympic, được gọi là Cuộc diễu hành của các quốc gia, cũng đã gây tranh luận sôi nổi. Thay vì thứ tự diễu hành bằng chữ “chi” (Chinese Taipei – Đài Bắc Trung Hoa), nước chủ nhà Nhật Bản lại xếp Đài Loan diễu hành ở vần “ta” (Taiwan) ngay trước Tajikistan. 

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: