Úc cần phải chi nhiều tiền hơn cho quốc phòng, tự chế tạo vũ khí và phát triển khả năng tấn công các mục tiêu tầm xa hơn trong bối cảnh hoạt động xây dựng quân sự của Trung Quốc thách thức an ninh khu vực, theo một bản đánh giá do chính phủ ủy quyền công bố hôm thứ Hai (24/4).

Embed from Getty Images

Đánh giá Chiến lược Quốc phòng ủng hộ quan hệ đối tác AUKUS giữa Úc, Hoa Kỳ và Anh. Liên minh này hồi tháng 3 đã công bố thỏa thuận thành lập một hạm đội gồm tám tàu ngầm của Úc chạy bằng công nghệ hạt nhân của Hoa Kỳ.

Thủ tướng Anthony Albanese cho hay, chính phủ của ông đã ủy thác việc xem xét để đánh giá liệu Úc có khả năng phòng thủ cần thiết, năng lực và sẵn sàng để tự bảo vệ mình trong môi trường chiến lược hiện tại hay không.

Ông Albanese nhấn mạnh trong một tuyên bố: “Chúng tôi ủng hộ định hướng chiến lược và những phát hiện quan trọng được đưa ra trong bản đánh giá, điều này sẽ củng cố an ninh quốc gia của chúng tôi và đảm bảo chúng tôi sẵn sàng đối phó với những thách thức trong tương lai.”

Phiên bản công khai của bản đánh giá khuyến nghị chính phủ Úc chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng so với mức hiện tại là 2% tổng sản phẩm quốc nội, cải thiện khả năng của Lực lượng Quốc phòng Úc trong việc tấn công chính xác các mục tiêu ở tầm xa hơn và chế tạo đạn dược trong nước.

Các khuyến nghị khác bao gồm cải thiện khả năng hoạt động của lực lượng từ các căn cứ phía bắc của Úc, đồng thời tăng cường quan hệ quốc phòng với các đối tác quan trọng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bao gồm Ấn Độ và Nhật Bản.

Bản đánh giá cho biết, hoạt động xây dựng quân sự của Trung Quốc “hiện là lớn nhất và tham vọng nhất so với bất kỳ quốc gia nào” kể từ khi kết thúc Thế chiến II. Và nó “đang diễn ra mà không có sự minh bạch hoặc đảm bảo nào đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương về ý định chiến lược của Trung Quốc”. 

Các tình huống chiến lược trong quá trình đánh giá hiện tại “hoàn toàn khác” so với những tình huống trong quá khứ, cựu Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng Úc Angus Houston và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Stephen Smith nhận định.

Hoa Kỳ, đối tác hiệp ước quốc phòng quan trọng nhất của Úc, “không còn là nhà lãnh đạo đơn cực của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, một khu vực đã chứng kiến sự trở lại của cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc.

“Kết quả là, lần đầu tiên sau 80 năm, chúng ta phải quay trở lại các nguyên tắc cơ bản, áp dụng cách tiếp cận theo nguyên tắc đầu tiên về cách chúng ta quản lý và tìm cách tránh rủi ro chiến lược ở mức cao nhất mà chúng ta hiện đang phải đối mặt với tư cách là một quốc gia: triển vọng xung đột lớn trong khu vực đe dọa trực tiếp đến lợi ích quốc gia của chúng ta,” bản đánh giá nêu rõ.

Trong 5 thập kỷ qua, chính sách quốc phòng của Úc vẫn luôn nhằm mục đích ngăn chặn và ứng phó với các mối đe dọa tiềm ẩn ở mức độ thấp từ các nước láng giềng nhỏ hoặc trung bình.

Đánh giá nhận xét: “Cách tiếp cận này không còn phù hợp với mục đích hiện nay.”

Hiện tại lục quân, không quân và hải quân Úc cần tập trung vào việc “xây dựng năng lực phù hợp và kịp thời” và từ bỏ “việc theo đuổi giải pháp hoặc quy trình hoàn hảo” trong các hoạt động chi tiêu của mình.

Minh Ngọc (Theo AP)