Thủ tướng Úc Scott Morrison muốn thiết lập cơ chế “đối thoại kinh tế chiến lược” mới với Mỹ để ứng phó với chính sách “cưỡng bức kinh tế” của Trung Quốc. Quan điểm này của ông Morrison nhận được sự ủng hộ của các chính trị gia và các chuyên gia Úc, Mỹ. 

Embed from Getty Images

Cựu Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull, trong bài phát biểu tại hội nghị Đối thoại Lãnh đạo Úc Mỹ, đã nói rằng: “Không giống như thời Chiến tranh Lạnh, cạnh tranh địa chiến lược trong những thập kỷ sắp tới sẽ liên quan đến lĩnh vực kinh tế. Trải nghiệm của chúng tôi gần đây về sự cưỡng bức kinh tế [từ Trung Quốc] cho thấy rõ điều đó. Đó là lý do tại sao tôi tin rằng mối quan hệ hợp tác chiến lược song phương của chúng ta phải mở rộng sang các vấn đề kinh tế”.

Đó là thông điệp chào mừng dành cho những kẻ diều hâu Trung Quốc khắp Ấn Độ – Thái Bình Dương ở thời điểm mà Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng như các quan chức tại Nhật Bản đang cố gắng thành lập một liên minh nhằm ngăn chặn Bắc Kinh bắt ép khu vực này phải tuân theo ý chí của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Ông Turnbull đã ghép đề xuất hợp tác kinh tế đó với nỗ lực phát triển năng lực sản xuất của Úc nhằm biến nước này thành “nguồn an toàn thứ hai” cho loại tên lửa tấn công chính xác của Mỹ. Ý tưởng kép này đã đang làm chuyển dịch đáng kể tầm nhìn chính sách ngoại giao của Úc trong những năm gần đây.

Ông Alexander Gray, thành viên cao cấp của Hội đồng Chính sách Đối ngoại Mỹ, quan chức hàng đầu của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng chuyên trách Úc, New Zealand và các Quần đảo Thái Bình Dương, cho biết: “Trung Quốc đã đang thành công trong việc đẩy Úc ra rất xa nơi họ đã có vị thế trong hai hoặc ba năm trước đây đến nỗi mà không ai trước đó có thể hình dung ra”.

Ý tưởng của Úc về việc đẩy mạnh hợp tác với Mỹ và các đồng minh là tin tốt cho Nhật Bản vốn là nước đề xướng khái niệm “Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở” trong nỗ lực ứng phó với khả năng Trung Quốc có thể chiếm lĩnh vị thế hàng đầu tại khu vực này.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi, trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Sydney Morning Herald xuất bản hôm thứ Tư (11/8), đã nói rằng: “Đông Nam Á là khu vực mà chúng tôi có mối bận tâm đặc biệt. Úc có ảnh hưởng khá lớn trong khu vực Đông Nam Á, cũng như các Quần đảo Thái Bình Dương. Vậy nên, tôi mong muốn thấy Úc thể hiện vai trò lãnh đạo trong nỗ lực thúc đẩy tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cở mở”.

Trung Quốc đã đang cố tranh thủ xây dựng cảng biển và sân bay tại các Quần đảo Thái Bình Dương, cả ở trên các đảo đã diễn ra các trận đánh quan trọng thời Thế chiến II. Trung Quốc muốn nắm giữ các đảo có tầm quan trọng chiến lược lịch sử này bởi vì sự tiếp cận quân sự của Trung Quốc trong tương lai tại các hòn đảo này có thể phá vỡ mối liên kết giữa Úc và Nhật bản và giữa Hawaii và căn cứu quân sự quan trọng của Mỹ tại Guam.

Ông Alexander Gray nói: “Vậy nên, điều quan trọng là chúng ta cần có khả năng duy trì các tuyến đường vận chuyển và các tuyến đường dây liên lạc quanh các đảo này. Các tuyến đường vận chuyển và các đường dây liên lạc ở trung tâm Thái Bình Dương là quan trọng với Mỹ và những thứ đó ở tây nam Thái Bình Dương là quan trọng với Úc”.

Giới chức Mỹ và các nước đồng minh cũng lo ngại Trung Quốc sẽ nỗ lực giành quyền kiểm soát Đài Loan trong vài năm tới. Chiếm được Đài Loan sẽ mang đến cho chế độ Trung Quốc cộng sản một căn cứ hải đảo mới trên Thái Bình Dương nằm ở phía nam Nhật Bản và phía bắc của các quốc gia dân chủ đồng minh khác của Mỹ.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi nhận định: “Bảo vệ sự ổn định của Đài Loan là rất quan trọng, không chỉ cho an ninh của Nhật Bản, mà cũng là cho sự ổn định của thế giới”.

Thủ tướng Úc Morrison muốn nâng cấp khả năng tên lửa của Úc để củng cố vững chắc vị thế của liên minh các quốc gia dân chủ trên Thái Bình Dương. Để thực hiện được điều đó, chính phủ Morrison đang phân bổ 70 triệu USD chi cho phát triển các tên lửa tấn công chính xác do Mỹ sản xuất. Ông Morrison cũng muốn Úc có thể tự sản xuất một số tên lửa này.

Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu phòng vệ của chúng ta mà còn có ý nghĩa quan trọng rằng Úc có thể trở thành nguồn cung ứng an toàn thứ hai cho đồng minh Mỹ của chúng ta. Điều này chắc chắn sẽ đưa sự hợp tác công nghệ quốc phòng của chúng ta lên mức độ mới, thúc đẩy được sự tích hợp sâu rộng hơn về sự hợp tác của chúng ta trong lĩnh vực khoa học liên quan đến an ninh, công nghệ, chuỗi cung ứng và các cơ sở hạ tầng công nghiệp”, ông Morrison nói.

Trong một cuộc khủng khoảng (nếu có), những tên lửa nêu trên sẽ không có tầm bắn cần thiết để nhắm mục tiêu vào tất cả lực lượng Trung Quốc đang nỗ lực hoạt động trên các Quần đảo Thái Bình Dương. Nhưng, việc Mỹ đã rút khỏi hiệp ước hạn chế vũ khí với Nga được ký từ thời Chiến tranh Lạnh đã đang mở ra cho Washington khả năng nâng cấp tầm bắn của các tên lửa này.

Ông Alexander Gray nhận định: “Tôi nghĩ qua những bài học chúng ta có được trong vài năm qua, chúng ta không muốn ở vào vị thế không có được các hệ thống có thể phát triển tương xứng với [sự thay đổi của] môi trường an ninh. Úc có được khả năng [sản xuất tên lửa] là điều thực sự quan trọng bởi vì chúng ta không biết được 5 năm tiếp theo từ bây giờ môi trường chiến lược tại khu vực xung quanh nước Úc sẽ thay đổi như thế nào”.

Đức Thiện (Theo Washington Examiner)

Xem thêm: