Úc tiếp tục cố gắng thuyết phục Mỹ chấm dứt việc truy tố ông Julian Assange, người sáng lập WikiLeaks. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, 10 năm trước người đàn ông Úc này đã xuất bản một kho tài liệu mật của Mỹ, bị cáo buộc có “hành vi phạm tội hình sự vô cùng nghiêm trọng”.

Julian Assange
Julian Assange (Ảnh: Youtube)

Hãng tin AP cho biết, Chính phủ Đảng Lao động trung dung của Úc đã lập luận kể từ khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm ngoái rằng Mỹ nên hủy bỏ các cáo buộc chống lại ông Assange. Assange đã trải qua 4 năm trong một nhà tù ở Anh để phản đối việc dẫn độ sang Mỹ. Sự tự do của ông được nhiều người coi là phép thử ảnh hưởng của Chính phủ Úc đối với chính quyền Biden của Mỹ.

Ông Blinken xác nhận hôm thứ Bảy (29/7) rằng vấn đề về ông Assange đã được thảo luận trong cuộc họp thường niên của ông với Ngoại trưởng Úc Penny Wong.

Ông Blinken nói: “Tôi hiểu mối quan tâm và cách nhìn nhận vấn đề của Úc. Tôi nghĩ rằng điều rất quan trọng là bạn bè của chúng tôi ở đây hiểu sự lo lắng của chúng tôi về vấn đề này.”

Ông nói thêm: “Ông Assange đang bị truy tố tại Mỹ vì tội hình sự rất nghiêm trọng, ông ấy liên quan đến một trong những vụ rò rỉ thông tin mật tồi tệ nhất trong lịch sử nước ta.”

Bà Penny Wong nói rằng việc truy tố ông Assange đã kéo dài quá lâu và Úc hy vọng rằng Mỹ sẽ rút lại các cáo buộc.

Tuy nhiên, Úc tiếp tục do dự về việc liệu Mỹ có nên hủy bỏ việc truy tố ông Assange hay đạt được một thỏa thuận hòa giải với ông ấy hay không, báo cáo cho biết.

Các công tố viên Mỹ đã cáo buộc ông Assange giúp nhà phân tích tình báo lục quân Mỹ Chelsea Manning đánh cắp các tài liệu mật.

Chelsea Manning bị bắt vì cáo buộc làm rò rỉ một số lượng lớn tài liệu mật của Chính phủ Mỹ cho WikiLeaks vào năm 2010, và bị kết án 35 năm tù vào năm 2013.

Sau khi vào tù, Chelsea Manning tuyên bố sẽ trở thành phụ nữ và đổi tên từ Bradley Manning thành Chelsea Manning. Manning đã trải qua ca phẫu thuật chuyển đổi giới tính vào năm 2016 sau một thời gian dài đấu tranh và hai lần tự sát.

Vào tháng 1/2017, Tổng thống Obama đã giảm án cho Manning trước khi rời nhiệm sở, giảm bản án còn lại từ 28 năm xuống còn 4 tháng, đưa ngày trả tự do của Manning từ năm 2045 sang tháng 5 năm đó.

Úc lập luận rằng Mỹ “không nhất quán” trong cách đối xử với ông Assange và Manning.

Tờ The Guardian của Anh đưa tin, việc ông Blinken bảo vệ các cáo buộc của Mỹ đối với Assange sẽ được coi là một đòn giáng mạnh vào nỗ lực giải cứu ông ta của cộng đồng quốc tế.

Ông Assange sinh ra ở Úc, đã thành lập trang web “WikiLeaks” vào năm 2006 và vào năm 2010 đã công bố hàng trăm ngàn tài liệu quân sự và ngoại giao bí mật của Chính phủ Mỹ do Manning đánh cắp. Vào năm 2019, Bộ Tư pháp Mỹ đã buộc Assange 17 tội danh gián điệp và 1 tội danh sử dụng máy tính không thỏa đáng, đồng thời đưa yêu cầu dẫn độ sang Vương quốc Anh.

Kể từ khi Assange bị Chính phủ Anh bắt giữ từ Đại sứ quán Ecuador ở London vào tháng 4/2019, ông đã bị giam giữ trong nhà tù Belmarsh ở phía nam London và được canh gác nghiêm ngặt. Nếu bị dẫn độ sang Mỹ và bị kết tội, ông sẽ phải đối mặt với án tù cao nhất lên đến 175 năm.

Vào ngày 4/1/2021, thẩm phán Anh Vanessa Baraitser bác bỏ yêu cầu của Mỹ về việc dẫn độ Assange, bà nói rằng với những lo ngại về sức khỏe tâm thần và nguy cơ tự tử của ông, làm như vậy sẽ “mang tính áp bức”.

Vào ngày 6/1/2021, ông Assange bị Hoa Kỳ từ chối bảo lãnh tại ngoại chờ kháng cáo. Vào ngày 10/12/2021, Tòa án Tối cao Vương quốc Anh ra phán quyết rằng ông Assange có thể bị dẫn độ đến Mỹ để đối mặt với cáo buộc. Vào tháng 3/2022, Tòa án Tối cao Vương quốc Anh đã bác bỏ đơn kháng cáo của ông Assange. Việc dẫn độ đã được Bộ trưởng Nội vụ Vương quốc Anh Priti Patel phê chuẩn ngày 17/6/2022. Vào ngày 1/7/2022, ông Assange tuyên bố chính thức kháng cáo lệnh dẫn độ của Vương quốc Anh.

Theo VOA