Tổng thống Zelensky khiến Ukraine hủy lễ Chiến thắng 9/5 khi ban hành quyết định đổi ngày lễ này vào đúng hôm 8/5. Nga gọi đó là sự “phản bội” lại tổ tiên của mình.

230510 zelensky 01
Volodymyr Zelensky trong “Ngày Châu Âu” 9/5 mới được ông tạo ra, tiếp đón bà Ursula von der Leyen, nhân vật hậu thuẫn hàng đầu cho ông trong chiến tranh, tại Nhà thờ chính tòa Thánh Sophia, nơi chính quyền Kyiv không bao giờ trả lại cho các tu sỹ Giáo hội Chính thống như đã hứa. (Ảnh cắt từ video)

Lễ Chiến thắng đã không diễn ra năm nay ở Ukraine

Lễ Chiến thắng 9/5 —ngày kỷ niệm đánh bại Phát xít Đức năm 1945, được coi trọng đặc biệt ở những nơi từng bị phát xít tấn công và chiếm đóng, trong đó gồm cả vùng đất mà nay là Ukraine— đã bị hủy một cách xảo diệu trong năm nay bởi thủ đoạn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, bất chấp nhân dân Ukraine cũng là nạn nhân của Đại Thế chiến II.

Ngày 8/5, ông Zelensky tuyên bố trên kênh mạng xã hội của mình, “hôm nay tôi đã gửi một dự luật cho quốc hội Verkhovna Rada của Ukraine” đề nghị đổi ngày lễ Chiến thắng ở Ukraine từ ngày 9/5 thành 8/5, đồng thời biến ngày 9/5 trở thành ngày “Châu Âu”.

Quốc hội Ukraine lần này hoạt động nhanh chóng một cách đặc biệt, và ngay trong thông báo đó, ông Zelensky viết tiếp “tôi đã ký đạo luật tương ứng, để các năm từ nay trở đi, ngày mai 9/5” sẽ là ngày kỷ niệm mang tính lịch sự “thống nhất của toàn người dân Châu Âu”.

Như vậy lễ Chiến thắng năm nay ở Ukraine không thể diễn ra, vì một đạo luật đưa ra vào đúng cái ngày mà được quy định sẽ dành cho nó và trước 1 ngày mà trước đây nó dự kiến sẽ diễn ra.

“Chúng tôi sẽ không bao giờ quên sự đóng góp của nhân dân Ukraine vào chiến thắng chủ nghĩa phát xít. Và chúng tôi sẽ không cho phép những lời nói dối như thể chiến thắng trong cuộc chiến đó có thể diễn ra mà không có sự tham gia của bất kỳ quốc gia hay dân tộc nào,” ông Zelensky viết tiếp.

Lời lẽ có vẻ như ông Zelensky đang bày tỏ sự kính trọng và biết ơn đến những người dân Ukraine đã hy sinh cho chiến tranh năm đó, dường như đã được ông sử dụng để che đậy đi tiểu xảo của việc ông xóa bỏ hoạt động này ở Ukraine năm nay, một hành động đang đi ngược lại lời mà chính ông đang nói.

Theo RT đưa tin, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova, gọi thủ đoạn này của ông Zelensky là hành động của “kẻ phản bội”, miêu tả ông là “vĩnh viễn phản bội lại tổ tiên của mình” những người đã chiến đấu chống phát xít, và so sánh phong cách của ông Zelensky với Judas khi ví von ông là “hiện thân của Judas ở thế kỷ 21” và là “kẻ 80 năm sau [vẫn còn] hợp tác với phát xít.”

Judas là kẻ phản Chúa Kitô trong khi về danh nghĩa đang là đệ tử của Ngài. Theo truyền thông Nga, thì chế độ Kyiv bây giờ nằm trong tay những người tôn thờ Stepan Bandera, người Ukraine đã từng lãnh đạo một nhóm ngả sang phe phát xít vào những năm Đại Thế chiến II.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, ông tin tưởng rằng ngày 9/5 sẽ vẫn là một ngày thiêng liêng đối với nhiều người dân Ukraine, bất chấp thủ đoạn của ông Zelensky và chính quyền Kyiv.

Phi Nga hóa, và EU hóa

Phong trào chống Nga (hay bài Nga), do chính quyền Kyiv dẫn đầu, không chỉ dừng lại ở việc chống chế độ Moskva hay quân đội Nga, mà chống lại cả văn hóa, lịch sử, v.v. mà có dính dáng tới Nga, cũng không chỉ giới hạn nội trong Ukraine, mà còn lan ra các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia từng là một phần trước đây của Liên Xô cũ.

Việc đổi ngày lễ Chiến thắng sang 8/5, theo lý luận của ông Zelensky, là để cho giống với Châu Âu. Năm 1949, thời điểm chế độ phát xít sụp đổ là ngày 8/5 theo giờ Đức, nhưng là ngày 9/5 theo giờ Liên Xô (mà Ukraine bấy giờ cũng nằm trong đó). Ông Zelensky đã dùng lý do này cho quyết định vào đúng ngày 8/5 năm nay.

Trong một thông báo ngày 9/5 trên mạng xã hội về cuộc gặp của ông cùng ngày với Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen, nhân vật hậu thuẫn hàng đầu cho ông trong chiến tranh, tại Nhà thờ chính tòa Thánh Sophia, ông Zelensky viết “Kể từ bây giờ, ngày 9/5 sẽ là Ngày Châu Âu – ở Liên minh Châu Âu và cả ở Ukraine.”

Việc Ukraine gia nhập EU và gia nhập NATO vẫn còn đang trong quá trình ‘đàm phán’ và có thể rất khó xảy ra trước khi chiến tranh Ukraine kết thúc.

Nhà thờ chính tòa Thánh Sophia, công trình có từ thế kỷ thứ 11 và được UNESCO xếp hạng di sản thế giới, đã được chính quyền Kyiv tiếp quản từ Liên Xô, chế độ đã cướp từ Giáo hội Chính thống để biến nó thành một viện bảo tàng. Tuy nhiên, mặc dù đã hứa trả lại cho Giáo hội Chính thống UOC, nhưng điều đó đã không bao giờ được thực hiện.

Nhật Tân