Lãnh đạo của Ủy ban Đặc biệt Hạ viện Mỹ về Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang tiến hành các cuộc điều tra về một số công ty Hoa Kỳ mà họ cáo buộc là đang tài trợ cho chương trình phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) và hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc.

Embed from Getty Images

Phát biểu với tờ The Epoch Times, một nguồn tin thân cận với Ủy ban Đặc biệt này tiết lộ, Dân biểu Đảng Cộng hòa Mike Gallagher, chủ tịch ủy ban, và Dân biểu Đảng Dân chủ Raja Krishnamoorthi, thành viên cấp cao trong ủy ban, đã gửi thư cho các lãnh đạo của bốn công ty đầu tư mạo hiểm Mỹ yêu cầu thông báo về mức độ giao dịch của họ với ĐCSTQ.

Các dân biểu Gallagher và Krishnamoorthi cáo buộc rằng các quỹ đầu tư mạo hiểm GGV, GSR, Walden International, và Qualcomm Venture đang đầu tư vào các công ty bán dẫn và AI của Trung Quốc mà các dân biểu này cho rằng chính quyền cộng sản Trung Quốc đang sử dụng để mở rộng các hành vi vi phạm nhân quyền và hiện đại hóa quân đội của mình.

Một trong các bức thư lưu ý: “Trung Quốc đang tích cực tìm kiếm và sử dụng các tiến bộ trong AI để thực hiện các hành vi vi phạm nhân quyền và tăng cường năng lực quân sự của mình. Tương tự, họ đang sử dụng các tiến bộ trong điện toán lượng tử và việc sản xuất chất bán dẫn để hỗ trợ Quân đội Giải phóng Nhân dân [Trung Quốc] (PLA).”

Các bức thư của Ủy ban Đặc biệt cũng yêu cầu ban lãnh đạo của từng quỹ mạo hiểm trả lời một loạt câu hỏi liên quan đến các khoản đầu tư của họ vào các công ty Trung Quốc, bao gồm:

  • Họ đang đầu tư vào những công ty nào
  • Số tiền của từng khoản đầu tư
  • Chính sách của họ liên quan đến các khoản đầu tư vào các công ty đó
  • Các quỹ mạo hiểm sẽ thực hiện hành động nào nếu các công ty mà họ đầu tư vào bị chính phủ Hoa Kỳ trừng phạt

Các công ty Hoa Kỳ hỗ trợ ĐCSTQ hiện đại hóa quân đội 

Đầu tư của các công ty Mỹ vào Trung Quốc cộng sản không có gì mới. Các công ty đầu tư mạo hiểm và các công ty công nghệ lớn nhất của Hoa Kỳ đã và đang đầu tư thúc đẩy sự phát triển công nghệ của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ.

Bất chấp các cảnh báo như vậy, chiến lược bao quát của Hoa Kỳ về ưu tiên quan hệ kinh tế với Trung Quốc gần như không thay đổi trong nhiều thập kỷ. Mặc dù hơn 400 thực thể của Trung Quốc đã bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen thương mại, nhưng chiến lược của ĐCSTQ trong việc nhanh chóng tạo hình lại, đổi tên, và thay thế các thực thể này đang làm rối tung hiệu quả của các biện pháp trừng phạt đó, đồng thời làm tăng mức độ phức tạp của mối quan hệ ràng buộc giữa quân đội Trung Quốc với cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Các bức thư của Ủy ban Đặc biệt yêu cầu ban lãnh đạo công ty Mỹ trả lời về các khoản đầu tư cụ thể vào các công ty Trung Quốc có liên quan trực tiếp đến chương trình hiện đại hóa quân đội và các hành vi vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ.

Các bức thư lưỡng đảng cáo buộc quỹ mạo hiểm GGV đầu tư vào Megvii, một công ty Trung Quốc mà Ủy ban Đặc biệt cho rằng đang tích cực hỗ trợ ĐCSTQ giảm sát nhóm dân tộc thiểu số người Duy Ngô Nhĩ chủ yếu theo đạo Hồi.

Tương tự, các bức thư cũng chỉ trích việc quỹ mạo hiểm GSR đã hợp tác với công ty Trung Quốc iFlytek trong việc đầu tư vào AI. Đáng chú ý, iFlytek đã bị chính quyền Biden đưa vào danh sách đen vì vai trò hỗ trợ chính quyền Trung Quốc tiến hành nạn diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ vốn vẫn đang diễn ra.

Theo các bức thư của ủy ban, các quỹ mạo hiểm Walden International và Qualcomm Ventures đã thực hiện nhiều khoản đầu tư vào các công ty Trung Quốc, điều này trực tiếp tạo điều kiện cho ĐCSTQ thực hiện các hành vi vi phạm nhân quyền hoặc hỗ trợ ĐCSTQ hiện đại hóa quân đội. Các công ty Trung Quốc này bao gồm cả các công ty công khai tuyên bố rằng mục tiêu của họ là thúc đẩy “chương trình phát triển hợp nhất quân sự – dân sự”.

Bởi vì vấn đề Hoa Kỳ đầu tư vào các công ty có liên kết với ĐCSTQ đã trở nên phổ biến, nên việc ngăn chặn dòng chảy công nghệ và tiền của Hoa Kỳ rơi vào tay quân đội Trung Quốc không phải là một nhiệm vụ đơn giản.

Nhiều luật của Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ từ các công ty đang làm ăn tại Trung Quốc, bất kể công ty đó có phải là bên muốn chuyển giao hay không.

ĐCSTQ cũng thực thi các yêu cầu nghiêm ngặt đối với các liên doanh hoặc các doanh nghiệp nước ngoài thành lập các cơ sở sản xuất/kinh doanh ở đại lục. Theo luật an ninh quốc gia, tình báo, an ninh mạng, và xuất dữ liệu của Trung Quốc, nhiều yêu cầu trong số đó được thiết kế để tạo điều kiện cho các công ty này chuyển giao công nghệ hoặc khuyến khích họ chuyển giao công nghệ như một tác động phụ.

Chiến lược hợp nhất quân sự – dân sự

Cuối cùng, bức thư của Ủy ban Đặc biệt về ĐCSTQ trực tiếp lên án chiến lược “hợp nhất quân sự – dân sự” (MCF) của Bắc Kinh cũng như vai trò rõ ràng của các công ty Mỹ này trong việc hỗ trợ ĐCSTQ.

Theo chiến lược MCF, toàn bộ xã hội Trung Quốc được huy động để tham gia vào “cuộc phục hưng vĩ đại” của đất nước Trung Hoa bằng cách hiện đại hóa cánh quân sự của ĐCSTQ, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).

Trích dẫn một bản tóm tắt của Bộ Ngoại giao Mỹ về chiến lược MCF, các bức thư của Ủy ban Đặc biệt chỉ rõ cách chính quyền cộng sản Trung Quốc sử dụng các đồng đô la đầu tư mạo hiểm của Mỹ để trực tiếp cải thiện năng lực của họ nhằm gây tổn hại cho Hoa Kỳ và các đồng minh của Hoa Kỳ.

Bức thư nhấn mạnh: “Chính sách hợp nhất quân sự – dân sự của Trung Quốc, chính sách ‘loại bỏ các rào cản giữa lĩnh vực nghiên cứu và thương mại dân sự [của Trung Quốc] với các lĩnh vực quân sự và công nghiệp quốc phòng của nước này’, đảm bảo rằng không có công ty công nghệ nào ở Trung Quốc thực sự là một công ty tư nhân.”

“Việc đầu tư mạo hiểm và các khoản đầu tư của quỹ đầu tư tư nhân của Mỹ vào các công ty AI, lượng tử, và chất bán dẫn [của Trung Quốc] trực tiếp góp phần vào các hành vi vi phạm nhân quyền, chương trình hiện đại quân đội, mở rộng chủ nghĩa độc tài trên toàn cầu [của Trung Quốc] cũng như nỗ lực bao quát [của Trung Quốc] nhằm thay thế vị trí lãnh đạo công nghệ của Hoa Kỳ.”

Gia Huy (Theo  The Epoch Times)