‘Vành đai và Con đường’ sẽ đẩy Trung Quốc vào vết xe đổ Liên Xô?
- Tân Bình
- •
Nhà báo người Mỹ David Fickling mới đây đã có bài viết đăng trên Bloomberg nhận định “Sự sụp đổ của Liên Xô lặp lại trong Vành đai và Con đường của Trung Quốc”. Ông Fickling cho rằng việc đầu tư tràn lan không hiệu quả cuối cùng sẽ khiến chế độ Bắc Kinh có kết cục không tốt đẹp giống Liên Xô.
Điều gì đã khiến các đế chế sụp đổ? nhà báo David Fickling đặt câu hỏi như vậy và dẫn câu trả lời phổ biến cho rằng cuối cùng đó chính là do vấn đề đầu tư. Các cường quốc là những quốc gia khai thác tiềm năng kinh tế của họ tốt nhất để xây dựng sức mạnh quân sự. Khi họ phát triển vượt ngưỡng, việc chi tiêu tràn lan để duy trì lợi thế chiến lược sẽ khiến cho nhiều khu vực năng suất hiệu quả hơn trong nền kinh tế bị thiếu vốn, dẫn tới sự suy thoái là điều không thể tránh khỏi.
Tình huống nêu trên chính là viễn cảnh đáng lo ngại cho Trung Quốc. Chế độ Bắc Kinh hiện tại có thể được coi là siêu cường với GDP lớn thứ hai thế giới, tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều thập kỷ, nhưng cũng triển khai các hoạt động quân sự bành trướng phô trương sức mạnh và đầu tư tài chính tràn lan để gây ảnh hưởng trong khu vực và toàn cầu bằng sáng kiến “Vành đại và Con đường”.
Kinh tế Trung Quốc bắt đầu chững lại và năm 2018 sẽ là lần đầu tiên sau 5 thập kỷ, chế độ Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với sự sụt giảm trong lực lượng lao động.
Cũng giống như Liên Xô vào những năm 1970, Trung Quốc sẽ kết thúc giai đoạn bùng nổ lực lượng lao động thời gian dài và chế độ này hy vọng vào các khoản đầu tư tràn lan sẽ giúp giữ tốc độ tăng trưởng cao và củng cố ổn định các vùng biên giới. Thành công hay thất bại của các dự án trong sáng kiến “Vành đại và Con đường” sẽ đóng vai trò quyết định liệu chế độ Bắc Kinh có đạt được ước mơ thịnh vượng của mình hay sẽ lại ngã quỵ trước cùng đối thủ mà Liên Xô đã gặp phải trong thế kỷ XX.
Phát triển Siberia khiến Liên Xô suy thoái
Theo nhà báo David Fickling, những gì Liên Xô trải qua vào nửa cuối thế kỷ XX là khá giống với những gì Trung Quốc đã, đang và sẽ bước đi trong vài thập kỷ qua và thời gian tới.
Vào những năm 1950, Moscow cũng có được bước tiến thần kỳ về kinh tế kiểu Trung Quốc ngày nay khiến nhiều quốc gia phương Tây lo sợ rằng họ sẽ sớm bị qua mặt. Vào thời điểm đó, kinh tế Liên Xô tăng trưởng nhanh hơn bất kỳ quốc gia lớn nào khác trừ Nhật Bản.
Có nhiều lý do khiến tốc độ tăng trưởng của Liên Xô bắt đầu chững lại vào những năm 1970, trong đó có sự cứng nhắc của nền kinh tế kế hoạch, lực lượng lao động tập trung vào ngành công nghiệp và một khoản tiền khổng lồ dành cho chi tiêu quân sự thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, theo nhà báo David Fickling, yếu tố then chốt khiến năng suất của Liên Xô sụt giảm là do các dự án phát triển Siberia, tương đồng với sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc ngày nay.
Từ những năm 1960, khu vực Siberia đã hấp thụ khoảng 1/3 trang thiết bị xây dựng hạng nặng của Liên Xô cho dù vùng này chỉ chiếm một phần nhỏ dân số cả nước. Chế độ Moscow khi đó đã bơm vốn vào Siberia để phát triển các mỏ khí, mỏ than, nhà máy nhôm và xây dựng một tuyến đường sắt xuyên Siberia kéo dài hàng trăm cây số nối với miền bắc.
Hiệu quả sản xuất giảm trong ngành dầu mỏ, than đá và thép trong những năm 1970 và 1980 đã kéo theo giảm hiệu suất của toàn bộ nền kinh tế Liên Xô.
Nhà kinh tế học Robert C. Allen trong một bài luận viết năm 2001 đã nhận định rằng chính “Sự phát triển về nguồn tài nguyên thiên nhiên Siberia là thùng chứa lớn thu hút các khoản đầu tư” và khiến các dự án hấp dẫn hơn ở phía tây Ural thiếu vốn và cuối cùng làm suy yếu năng suất của toàn bộ nền kinh tế Liên Xô. “Nguồn tài nguyên ‘phong phú’ của Liên Xô đã trở thành một lời nguyền. Phát triển tài nguyên đã nuốt một lượng lớn vốn đầu tư nhưng đổi lại là tăng trưởng GDP thấp”, ông Allen viết.
Bỏ Đông, hướng Tây khiến kinh tế Trung Quốc mất động lực tăng trưởng
Nhà báo David Fickling nhận định rằng những gì xảy ra tại Trung Quốc hiện nay là khá tương đồng với Liên Xô trước đây. Moscow khi đó có mối lo ly khai tại vùng viễn đông, Trung Quốc giờ lo lắng về chủ nghĩa ly khai tại miền tây. Cả hai mối lo này đều kéo theo những khoản đầu tư cực lớn của chính quyền trung ương vào các hoạt động quản lý, giảm sát tại các khu vực này.
Khu vực phía đông Trung Quốc vốn có hiệu suất kinh tế cao trong một thập kỷ qua đã bị giảm nguồn vốn đầu tư.
Theo các dữ liệu kinh tế chính thức của nhà nước Trung Quốc, năm 2016, khu vực miền tây Trung Quốc chiếm tới 19,5% tổng vốn đầu tư của cả nước, trong khi các thành phố Cấp 1 phát triển năng động và tỉnh Quảng Đông chiếm 15,4% tổng vốn đầu tư. Những khu vực phát triển kém hơn ở miền trung, miền bắc và miền tây Trung Quốc đã thu hút phần lớn vốn đầu tư cố định từ năm 2007.
Tiến trình luân chuyển dòng vốn nêu trên cũng là phù hợp với dấu hiệu về việc Trung Quốc trong một thập kỷ qua đã không còn giữ được tốc độ tăng trưởng thần kỳ như các thập niên trước đó. Chi phí nhân công đã tăng nhanh hơn tăng trưởng năng suất kể từ năm 2008, có nghĩa là nền kinh tế đang phát triển ít hơn và ít cạnh tranh hơn theo thời gian, theo một báo cáo mới đây của một nhóm nghiên cứu kinh tế độc lập.
“Vành đai và Con đường” là đỉnh của tảng băng trôi
Nhà báo David Fickling cho rằng các dự án “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc từ Châu Á, Trung Đông, Châu Phi đều như đỉnh của tảng băng trôi.
Ông Fickling nhận định các khoản đầu tư khổng lồ của Trung Quốc vào các dự án cơ sở hạ tầng ở nhiều nước gây ra vấn đề cho cả nhà đầu tư và bên vay nợ. Trong khi các ‘con nợ’ có nguy cơ mất chủ quyền, thì những dự án không hiệu quả cũng sẽ khiến ‘chủ nợ’ Trung Quốc gặp rủi ro trong việc giữ tăng trưởng kinh tế, điều mấu chốt để duy trì chế độ độc đảng cộng sản tại đất nước đông dân nhất thế giới.
Theo ông Fickling, các khoản tiền đầu tư khổng lồ của Trung Quốc vào các dự án như cảng Hambantota, Sri Lanka (1,6 tỷ USD), cảng Kyaukpyu, Myanmar (9,6 tỷ USD) và đường ống dẫn khí từ Côn Minh tới Kyaukpyu (2,5 tỷ USD) v.v… đều đang có nguy cơ không sinh lời.
Trung Quốc tính toán rằng họ sẽ xây dựng đường sắt, đường ống dẫn khí qua hành lang phía tây, qua Trung Á nối tới Ấn Độ Dương để giao thương với phương Tây, giúp họ không bị phụ thuộc hoàn toàn vào tuyến hàng hải truyền thống mà Trung Quốc kết nối với Tây Âu và Trung Đông qua eo biển Singapore và Malacca.
Nhưng nhà báo Fickling đánh giá rằng kế hoạch đó của chế độ Trung Quốc đã xuất phát từ việc hiểu sai cả lịch sử và kinh tế học cơ bản về giao thương đông-tây. Phần lớn thương mại đông-tây luôn phụ thuộc nhiều vào vận tải đường biển qua Đông Nam Á, Ấn Độ và Bán đảo Ả Rập hơn là ‘Con đường Tơ lụa’ trên đất liền băng qua thảo nguyên Âu-Á.
Các đường ống dẫn khí nhìn chung phải cần sử dụng ít nhất 50% công suất để hòa vốn. Nhưng đường ống dẫn khí Kyaukpyu (Trung Quốc – Myanmar) hiếm khi chạy tải 1/3 năng lực kể từ khi khai trương vào năm 2013.
Một nhà máy lọc dầu công suất 260.000 thùng/ngày được xây tại Côn Minh, Trung Quốc có quy mô bằng với nhà máy lọc dầu lớn nhất Anh Quốc sẽ rơi vào tình cảnh hoạt động không hết công suất nếu lượng dầu khí chuyển qua đường ống Kyaukpyu không tăng lên.
Trong khi đó, tuyến đường sắt kết nối Châu Âu với một thành phố tại tỉnh Chiết Giang, gần Thượng Hải, 4 tháng đầu năm 2018 này giá trị vận chuyển chỉ đạt 330 triệu USD, theo số liệu của Công ty Vận tải Đường sắt Trung Quốc. Giá trị vận chuyển này bằng khoảng 1/3 số hàng hóa trên duy nhất một chiếc tàu biển lớn. Hiện nay, có hàng trăm tàu biển cỡ nhỏ hơn kết nối đông-tây qua eo biển Singapore và Malacca hàng ngày. Một trong bốn cảng biển lớn nhất Trung Quốc mỗi ba giờ đồng hồ sẽ tiếp nhận số hàng hóa bằng giá trị vận tải của tuyến đường sắt Chiết Giang – Châu Âu trong 4 tháng.
Việc đầu tư vào “Con đương Tơ lụa mới” và các dự án phía tây khiến Trung Quốc rời xa động lực tăng trưởng chính của họ trong nửa thế kỷ qua. “Đó là đang gieo hạt giống của sự suy tàn”, nhà báo David Fickling kết luận.
Tân Bình
Xem thêm:
Từ khóa kinh tế Trung quốc Liên Xô sáng kiến 'Vành đai và Con đường'