Ngày 20/6 Thủ tướng Ấn Độ Modi, người mới có chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Mỹ, đã gặp nhà tài phiệt công nghệ Elon Musk ở New York và có buổi trò chuyện vui vẻ. Ngay sau đó, ông Musk đã xuất hiện phát biểu trong một video trên kênh YouTube của ông Modi. Có thể nói, tâm thái của Musk về Trung Quốc và về Ấn Độ cho thấy hoàn toàn trái ngược.

Elon Musk Modi
Ông Elon Musk gặp Thủ tướng Ấn Độ Modi. (Ảnh chụp màn hình video)

Trong phát biểu, ông Musk nói rằng Ấn Độ “có nhiều hy vọng hơn bất kỳ nước lớn nào trên thế giới”, ông “hứng thú đến khó tin” về tương lai của Ấn Độ; Musk tự gọi mình là fan hâm mộ Modi, “Ông ấy (Modi) thực sự muốn làm điều đúng đắn cho Ấn Độ”; Musk cũng nói có kế hoạch đến thăm Ấn Độ vào năm tới, “Tôi tin rằng Tesla sẽ vào Ấn Độ và sẽ vào sớm nhất có thể”.

Thật vậy, môi trường quốc tế ngày nay ở Ấn Độ thuận lợi chưa từng có, Ấn Độ cực kỳ hấp dẫn đối với các doanh nhân từ khắp nơi trên thế giới. Ví dụ, Foxconn, nhà sản xuất iPhone lớn nhất, đang mở rộng nhà máy ở Ấn Độ. Tháng 4 năm nay, CEO Cook của Apple đã đến thăm Ấn Độ, đích thân chủ trì lễ khai trương cửa hàng Apple đầu tiên ở Ấn Độ, đồng thời cũng gặp Thủ tướng Modi. Chiều ngược lại, Chính phủ Ấn Độ rất muốn hợp tác chặt chẽ với Apple. Thực tế Apple đã để mắt đến việc mở rộng ở Ấn Độ ít nhất là từ năm 2016, vào thời điểm đó Cook nói với truyền thông Ấn Độ: “Chúng tôi đang nỗ lực rất nhiều ở đây, chúng tôi sẽ không ở đây trong vài ba quý hoặc qua năm sau, chúng ta sẽ ở đây trong một nghìn năm”.

Hiển nhiên “thiên tài” kinh doanh như ông Musk cũng nhận ra các cơ hội kinh doanh ở Ấn Độ. Ông Modi cũng đầy thiện ý, vào đầu năm 2015 đã đến thăm nhà máy Fremont của Tesla ở California. Do đó có nhiều cơ sở tin rằng cuộc gặp giữa Modi và Musk lần này sẽ mở ra nhiều triển vọng hơn.

Nếu so sánh phát biểu của ông Elon Musk về Ấn Độ với về Trung Quốc thì cho thấy sự tương phản rất rõ: Đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là thái độ tương đối kín kẽ giữ ý.

Sau 3 năm “xa cách”, ngày 30/5 năm nay ông Musk đã đến thăm Trung Quốc. Trong chuyến thăm, ông đã lần lượt gặp các quan chức hàng đầu ĐCSTQ như Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương, Bộ trưởng Bộ Thương mại Vương Văn Đào, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Kim Tráng Long, có tin đồn rằng cả ông Phó Thủ tướng Đinh Tiết Tường cũng đã gặp riêng Musk. Các phương tiện truyền thông chỉ ra ĐCSTQ đã chiêu đãi Musk với tiêu chuẩn đặc biệt cao. Nhưng tôi không đồng ý, tôi nghĩ rằng Musk đã bị ĐCSTQ đối xử lạnh nhạt. Căn cứ là:

Thứ nhất, việc ông Thủ tướng ĐCSTQ Lý Cường không gặp Musk là điều rất bất thường. Về mức thân quen, khi ông Lý Cường còn là Bí thư Thành ủy Thượng Hải đã giới thiệu cho Tesla để xây dựng siêu nhà máy ở Thượng Hải; về tình hình hiện tại, ông Lý Cường trở thành thủ tướng và đang vắt óc suy nghĩ về kinh tế, cố gắng tìm mọi cách để mời Jack Ma (Mã Vân) trở lại Trung Quốc để thu hút đầu tư, vậy thì trong bối cảnh ông Musk đang là thượng khách của chính phủ nhiều nước thì có lý do gì để ông Lý Cường làm ngơ?

Thứ hai,lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình không gặp Musk. Trong khi ngày 16/6 ông Tập gặp ông Bill Gates, nói rằng ông Gates là “người bạn” người Mỹ đầu tiên mà ông gặp trong năm nay, còn gọi ông Gates là “bạn cũ”. Trong từ vựng chính trị của ĐCSTQ thì từ “bạn cũ” mang ý nghĩa đặc biệt, cho thấy ông Gates có quan hệ sâu sắc với ĐCSTQ. Tầm ảnh hưởng của ông Musk chưa hẳn đã nhỏ hơn ông Gates, Musk cũng nói một số lời lấy lòng ĐCSTQ nhưng vẫn chưa thể trở thành “bạn” của ông Tập Cận Bình. Qua đó có thể suy đoán rằng ông Musk không có “quan hệ sâu sắc” với ĐCSTQ bao nhiêu.

Thứ ba, ông Musk có tính cách khoa trương và hay nói đùa trên Twitter, nhưng ông ấy đã không đăng một dòng tweet nào trong thời gian ở Trung Quốc, sau chuyến thăm cũng có động thái khác thói quen thường thấy của Musk khi im lặng về “thành quả” của chuyến đi. Mãi đến ngày 5/6, Musk mới tiết lộ trên Twitter rằng ông đã nói với các quan chức ĐCSTQ về những rủi ro của AI và tầm quan trọng của quản lý AI, “Tôi hiểu về những cuộc trò chuyện này là Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ thúc đẩy quản lý AI ở Trung Quốc”.

Tất nhiên, mọi người cũng có thể cho rằng việc ông Musk im lặng sau chuyến thăm Trung Quốc không phải ngoại lệ. Ví dụ Reuters đưa tin, trong vài tháng qua nhiều CEO của các công ty đa quốc gia nổi tiếng đã đến Trung Quốc khi nước này mở cửa trở lại, họ có điểm chung đáng chú ý là hiếm khi nói về “thành quả” chuyến đi trước công luận, chỉ chủ yếu là nói với các quan chức và các đối tác kinh doanh; trong khi trước lúc nổ ra dịch COVID-19 có thể thấy họ rất tích cực thúc đẩy sự kiện truyền thông và sự kiện công cộng khác, nhưng thái độ bây giờ lại kín tiếng. Vấn đề này cần tinh ý để cảm nhận. Một mặt, tình hình chính trị và xu hướng chính sách của ĐCSTQ [sau đại dịch COVID-19] gây nhiều vấn đề nghi ngờ (chẳng hạn như việc mở rộng luật chống gián điệp, đàn áp các công ty tư vấn và công ty thẩm định); mặt khác, các công ty phải làm giữ thế cân bằng giữa hai bên đối địch là Trung Quốc và Mỹ, đây là việc khó khăn.

Nhưng sau chuyến thăm Trung Quốc của ông Musk, có hai điều đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông. Thứ nhất, Tesla sẽ đầu tư khoảng 5 tỷ USD để xây dựng “nhà máy sản xuất xe điện lớn nhất thế giới” tại Mexico (đây sẽ là siêu nhà máy thứ 3 của Tesla bên ngoài nước Mỹ); thứ hai, Tesla đang xem xét xây dựng một siêu nhà máy Gigafactory tại Tây Ban Nha. So với kế hoạch đế chế kinh doanh khổng lồ Tesla (năng lực sản xuất 20 triệu xe hàng năm vào năm 2030), hiện trạng tại Trung Quốc chỉ là tạm thời.

Ba điểm trên dường như cho thấy quan hệ giữa Elon Musk và ĐCSTQ không thân thiết như ĐCSTQ tuyên bố. Một số nhà bình luận tin rằng một trong những điểm chính trong chuyến đi của ông Musk là để thăm dò chính sách. Còn với ĐCSTQ, họ chỉ sử dụng danh tiếng của Musk để trang trí tạm cho bức tranh kinh tế Trung Quốc đang xiêu vẹo.

Ngoại giới dù rất khó biết rõ được cuối cùng thì ông Musk đàm phán với ĐCSTQ vấn đề gì, nhưng chỉ cần so sánh thái độ đầy niềm nở khi Musk gặp ông Modi và sự im lặng khi đến Trung Quốc là phần nào biết được xu hướng như thế nào.

Vương Hách
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của cá nhân tác giả, được đăng trên Epoch Times.)