Các vụ xâm nhập giúp huấn luyện phi công và duy trì sức ép lên hòn đảo, nhưng các nhà quan sát cho rằng chúng cũng giúp thu thập thông tin về Mỹ và các nước khác. Bắc Kinh chưa bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực để đưa Đài Loan trở lại với “gia đình lớn,” và các cuộc xuất kích quy mô lớn giúp PLA chuẩn bị cho một cuộc xâm lược có thể xảy ra.

Embed from Getty Images

Theo các nhà quan sát quân sự, những cuộc đột nhập thường xuyên của máy bay chiến đấu Trung Quốc vào vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Đài Loan có nhiều mục đích.

Bên cạnh việc giúp huấn luyện phi công và hăm dọa Đài Loan, đồng thời làm suy yếu lực lượng không quân của họ, các chuyến bay còn nhằm thu thập thông tin tình báo của Mỹ và các nước khác đang hoạt động giữa eo biển Ba Sĩ và biển Đông. Nó cũng giúp Quân đội Giải phóng Nhân dân quen dần với khu vực. 

Dữ liệu do Bộ Quốc phòng Đài Loan công bố cho thấy từ cuối năm ngoái, hơn 650 máy bay chiến đấu của PLA đã xâm phạm vùng nhận diện phòng quân phía tây nam Đài Loan trên con đường tới Eo biển Ba Sĩ – cửa ngõ đi vào phía tây Thái Bình Dương và vùng biển Đông đang tranh chấp.

Phần lớn các vụ đột nhập thường chỉ có ít máy bay, nhưng cũng có những vụ quy mô lớn. Ví dụ, ngày 12/4 có tới 25 máy bay chiến đấu của PLA tham gia. Đây được cho là con số lớn nhất từ khi Đài Loan bắt đầu công khai kiểm đếm những lần xuất kích của Trung Quốc từ tháng Chín năm ngoái.

Phản ứng trước mỗi lần đột nhập  là điều rất tốn kém và gây mệt mỏi cho lực lượng không quân nhỏ của Đài Loan khi họ phải cất cánh hai hoặc thậm chí bốn lần với nhiều máy bay để cảnh báo các đối thủ PLA.

Năm ngoái, lực lượng không quân Đài Loan đã tốn gần 30 tỷ đài tệ (1 tỷ đôla Mỹ) và tăng 20% lần thời gian bay trước mỗi động thái như vậy của Trung Quốc. Tháng trước, quân đội Đài Loan cho biết họ sẽ dừng các chuyến bay theo dõi từng vụ đột nhập và sẽ sử dụng các máy bay tốc độ chậm hơn và radar mặt đất để theo dõi một số vụ xâm nhập.

Các nhà quan sát cho rằng vùng trời và vùng biển tây nam Đài Loan, nơi Mỹ cũng tăng cường hoạt động quân sự, đã trở thành tuyến đường chủ yếu cho máy bay và tàu chiến PLA trong những năm gần đây.

“PLA có những kế hoạch quân sự cho riêng khu vực này, không chỉ huấn luyện lực lượng không quân để chuẩn bị cho cuộc xâm lược Đài Loan có thể xảy ra, mà còn kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu của các phi công và máy bay chiến đấu của họ,” Chieh Chung, giáo sư nghiên cứu quan hệ và chiến lược quốc tế tại Đại học Tamkang của Đài Loan, cho biết.

Ông nói việc dùng các phi đội bay lớn với nhiều loại máy bay khác nhau cho thấy PLA còn muốn thử nghiệm tính hiệu quả và hiệu suất chiến đấu của các lực lượng phòng không của họ.

Vụ xâm nhập quy mô lớn ngày 12/4 của PLA bao gồm 14 máy bay chiến đấu J-16, 4 máy bay chiến đấu J-10 và 4 máy bay ném bom H-6, cũng như 2 máy bay chống tàu ngầm Y-8 và một máy bay không vận kiểm soát và cảnh báo sớm, theo Bộ Quốc phòng Đài Loan.

Ông Chieh cho biết một số máy bay đã được điều động từ những quân khu khác nhau trong lục địa, gồm các khu vực trong đất liền, cho phép các phi công làm quen với các tuyến bay, các khu vực chiến sự tiềm năng và dễ dàng kết nối với các máy bay khác khi xảy ra chiến tranh.

“Điều PLA muốn nhất là tăng cường điều khiển và kiểm soát tại Eo biển Ba Sĩ, được thể hiện rõ ràng bằng cách thi hành những mánh khóe chiến tranh trong vùng lân cận và đưa các máy bay trinh sát và máy bay săn tàu ngầm tới khu vực để thu thập thông tin tình báo, gồm các hoạt động của tàu ngầm, vẽ địa hình vùng biển và các đặc điểm thuỷ học trong khu vực,” ông Chieh nói.

Ông cũng cho rằng những hành động của PLA tại khu vực Eo biển Ba Sĩ – địa điểm đủ sâu để che giấu hoạt động của tàu ngầm – chủ yếu nhằm vào Mỹ.

Dù Washington đã chuyển sang công nhận Bắc Kinh về ngoại giao năm 1979, Mỹ vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ khăng khít với Đài Loan và cam kết hỗ trợ vũ khí để giúp đảo quốc tự bảo vệ.

Tuy vậy, mặc dù các vụ đột nhập của PLA đã xảy ra thường xuyên hơn; thậm chí cựu Tư lệnh Khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương Philip Davidson cũng đã nói hồi tháng trước rằng ông tin Bắc Kinh có thể cố gắng chiếm hòn đảo trong vòng sáu năm, phần lớn người Đài Loan không nghĩ rằng sẽ xảy ra một cuộc tấn công.

Theo một cuộc thăm dò dư luận ngày 20/3 của Hội Nghiên cứu chiến lược Quốc tế Đài Loan, 63% người được hỏi không tin PLA sẽ tấn công hòn đảo trong sáu năm và chỉ 29,1% tin vào điều  này.

“Người Đài Loan tự mâu thuẫn. Một mặt, họ ủng hộ chính sách chống Trung Quốc của Tổng thống [Đài Loan] Thái Anh Văn, nhưng mặt khác, họ tin Đại lục sẽ không sử dụng đến vũ lực để thống nhất Đài Loan,” Wang Kung-yi, người đứng đầu Hội Nghiên cứu chiến lược Quốc tế bình luận.

Nhật Minh (theo SCMP)

Xem thêm: