Theo Bộ Quốc phòng Đan Mạch, Ukraine sẽ phải đợi thêm nửa năm nữa trước khi nhận được các máy bay chiến đấu F-16 mà Vương quốc Đan Mạch đã hứa cung cấp trước đó.

GettyImages 1611188077
Ông Zelensky và bà Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen hôm 20/8. (Ảnh cắt từ video đăng trên mạng xã hội của AFP)

Tổng thống Volodymyr Zelensky, cần phải đợi lâu hơn cho đến khi những chiếc máy bay phản lực đầu tiên được bàn giao.

Đan Mạch trở thành cường quốc đầu tiên vào tháng 8 năm 2023 công bố ý định tặng một số máy bay chiến đấu tiên tiến, hứa hẹn với Kyiv rằng sẽ cung cấp 19 chiếc F-16 để giúp Ukraine trong cuộc chiến với Nga.

Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen nói vào hồi tháng Tám rằng đợt giao hàng đầu tiên, khoảng sáu chiếc F-16 dự kiến sẽ đến Ukraine “vào khoảng năm mới”, với những chiếc máy bay còn lại sẽ được giao trong suốt năm 2024 và 2025.

Tuy nhiên, mốc thời gian này dường như quá lạc quan khi các quan chức Bộ Quốc phòng Đan Mạch nói với báo Berlingske rằng đợt chuyển giao ban đầu sẽ bị trì hoãn.

Mặc dù chưa tiết lộ chính xác lý do tại sao lại xảy ra sự chậm trễ, nhưng có thể hiểu rằng việc đào tạo phi công vận hành máy bay F-16 là một quá trình lâu dài và tốn nhiều công sức, và do đó việc đào tạo phi công Ukraine có thể là một yếu tố gây ra sự chậm trễ.

Nhà phân tích quân sự Anders Puck Nielsen của Học viện Quốc phòng Na Uy nói với đài truyền hình Đan Mạch TV2: “Huấn luyện phi công lái máy bay F-16 là một chuyện… một chuyện khác là phi công cũng phải được huấn luyện cách sử dụng vũ khí, đồng thời tất cả các kỹ thuật viên trên mặt đất phải được đào tạo về cách bảo trì máy bay. Chỉ đào tạo về động cơ thôi đã là một nhiệm vụ lớn”.

Ông Nielsen cho biết, việc chuyển đổi Không quân Ukraine thành một hạm đội hiện đại có thể sẽ là một dự án kéo dài “vài năm” và dù cho những yêu cầu liên tục từ Tổng thống Zelensky, Kyiv rất có thể được giao máy bay chiến đấu chậm hơn dự kiến.

Ông Nielsen cho rằng, sau khi được giao, các máy bay F-16 có thể tạo ra sự khác biệt đáng kể, bao gồm việc mang lại cho Ukraine khả năng bắn hạ máy bay Nga và tên lửa hành trình đang được Moscow sử dụng để nhắm vào các thành phố của Ukraine khi điều kiện mùa đông khiến các cuộc giao tranh trên bộ trở nên khốc liệt hơn.

“Nó sẽ mang lại cho binh lính Ukraine sự an toàn hơn khi họ đang ở trong không phận Ukraine và nó sẽ khiến người Nga không đến quá gần các thành phố của Ukraine”, ông Nielsen nói về F-16.

Vì vậy, sự chậm trễ sẽ là một đòn giáng mạnh đối với ông Zelensky. Ông đã cam kết với công chúng Ukraine trong bài phát biểu đầu năm mới rằng Nga sẽ sớm cảm nhận được “cơn thịnh nộ” của các máy bay chiến đấu F-16 do phương Tây tài trợ. Ngoài Đan Mạch, Bỉ, Hà Lan và Na Uy đều đã cam kết cung cấp một số máy bay F-16 của họ, tuy nhiên, hiện chưa có mốc thời gian rõ ràng về thời điểm các quốc gia này sẽ giao hàng.

Việc Đan Mạch chuyển giao máy bay F-16 bị trì hoãn được thông báo cùng lúc khi Đức tiết lộ rằng chỉ có một “số lượng rất nhỏ” xe tăng chiến đấu Leopard 2 hiện đại mà nước này cung cấp cho Ukraine vẫn còn hoạt động. Nghị sĩ Đảng Xanh của Đức, Sebastian Schafer, cho biết việc thiếu phụ tùng thay thế và quân đội Ukraine không có khả năng sửa chữa là lý do khiến các xe tăng tiên tiến bị vô hiệu hóa trên chiến trường.