Gầy đây, bang Kerala thuộc miền nam Ấn Độ đã đưa ra các biện pháp khẩn cấp để đối phó với dịch bệnh hô hấp bắt nguồn từ virus Nipah ở dơi. Đây là đợt bùng phát thứ 4 tại Kerala kể từ năm 2018. Lần này, tiểu bang đã ngăn chặn được virus trong vòng vài ngày và giới hạn số ca tử vong xuống còn 2. Kerala cũng là tiểu bang sở hữu một trong những hệ thống chăm sóc y tế tốt nhất Ấn Độ.

Bênh lây nhiễm từ virus Nipah (NiV), còn gọi là viêm não virus Nipah, được đặt theo tên ngôi làng Kampung Sungai Nipah của Malaysia, nơi loại virus này được phát hiện lần đầu tiên. Đây là một căn bệnh lây truyền từ động vật sang người. Một đợt bùng phát virus ở Malaysia vào năm 1998 và 1999 bắt đầu từ những con lợn bị nhiễm bệnh, sau đó lây sang 265 người và khiến 108 người tử vong. Theo nguồn tin của cơ quan y tế Kerala, lợn là vật chủ trung gian truyền virus từ dơi sang người. Chủng virus này sau đó lan sang Singapore vào năm 1999, dẫn đến 11 ca nhiễm bệnh và 1 ca tử vong.

Tại Bangladesh, loại virus này đã lây nhiễm cho 237 người kể từ năm 2001; đến trước năm 2011, có 150 ca tử vong được ghi nhận, sau đó số ca nhiễm đã giảm xuống 0 vào năm 2016. Trong năm nay, Bangladesh đã ghi nhận 11 ca nhiễm, trong đó có 8 ca tử vong. Tại Ấn Độ, đợt bùng phát Nipah đầu tiên được báo cáo tại thành phố Siliguri ở Tây Bengal vào năm 2001, nơi có 66 ca nhiễm bệnh và 45 ca tử vong.

Ca nhiễm đầu tiên tại Kerala được cho là xuất phát từ quận Kozhikode ở phía bắc tiểu bang vào tháng 5/2018. Đợt bùng phát đó đã ghi nhận 21 ca tử vong. Kerala cũng phải đối mặt với các đợt bùng phát tại quận Kozhikode vào năm 2019 và quận Ernakulam vào năm 2021, trước khi các ca bệnh mới xuất hiện trở lại trong năm nay tại quận Kozhikode.

Virus truyền đi như thế nào?

Tại Kerala, virus Nipah được cho là lây lan qua việc tiêu thụ trái cây bị nhiễm virus từ dơi. Dơi ăn quả (fruit bats) thuộc họ Pteropodidae và sống chủ yếu nhờ vào việc xác định vị trí trái cây bằng khứu giác hoặc bằng cách tìm ra nguồn tiếng vang âm thanh của chính chúng.

Ông C Abdul Latheef, nhân viên tại Cục Lâm nghiệp và Động vật hoang dã Kerala ở Kozhikode nói với tờ RT: “Thói quen của chúng là bay tầm xa để tìm trái cây. Chúng thậm chí còn bay trong bán kính 30km chỉ trong một ngày để tìm kiếm trái cây.”

Tiến sĩ M Muraleedharan, thuộc Ủy ban Kháng thuốc Kháng sinh của Hiệp hội Y tế Ấn Độ, cho biết dơi mang khoảng 4.000 loại virus, bao gồm cả Nipah.

“Virus này sẽ sống trong cơ thể dơi, đồng thời gây tử vong cho các loài động vật khác. (Nipah) không có mặt ở tất cả các loài dơi, chỉ 3% trong số chúng. Virus này sẽ sinh sôi trong cơ thể của mỗi [con dơi] trong số 3% đó và sẽ lây sang những sinh vật khác”, trích lời ông Muraleedharan.

Ông nói thêm: “Virus này sinh sôi dựa trên các yếu tố như khan hiếm thức ăn và nước uống; khi dơi sợ hãi; khí hậu thay đổi; và khi dơi cái mang thai. Mối liên hệ với biến đổi khí hậu là một giả định cần phải được nghiên cứu.”

Trong đợt bùng phát mới nhất, những con dơi nhiễm virus có thể đã bay đến khu đất nông nghiệp thuộc sở hữu của một trong những nạn nhân của chúng.

Vào ngày 11/9, ông Haris, 40 tuổi, bị sốt nặng, nhức đầu và mệt mỏi, lảo đảo đi về phía nhà của bác sĩ P Jyothikumar, một bác sĩ đa khoa tại thành phố Vadakara, thuộc quận Kozhikode của bang Kerala. Dù đã được điều trị tại phòng khám tư nhân và tại Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe Ban đầu nhưng các triệu chứng vẫn không thuyên giảm. Ông Haris đã qua đời trong ngày hôm đó tại Viện Khoa học Y tế Aster Malabar (MIMS), một bệnh viện tư nhân.

Một bệnh nhân khác là ông E Mohamedali, 47 tuổi, đến từ làng Maruthonkara gần thị trấn Kuttiadi ở Kozhikode, cũng tử vong. Nguyên nhân ban đầu được cho là do viêm phổi. Tuy nhiên, hai người con của ông Mohamedali, chú của họ và một người anh bà con đã được đưa đến Viện Aster vào ngày 10/9 trong tình trạng sốt, ho và khó thở.

Một nhóm bác sĩ đã liên hệ với bệnh viện nơi ông Mohamedali qua đời và được biết rằng ông từng là người chăm sóc bệnh nhân tại cùng cơ sở nơi ông Haris nhập viện. Bộ trưởng Y tế Mansukh Mandaviya xác nhận cả 2 đều đã chết vì virus Nipah. Chính quyền địa phương cũng phát hiện một lượng lớn dơi tại khu đất nông nghiệp của ông Mohamedali.

Đây là đợt bùng phát thứ 4 ở Kerala. Mặc dù virus Nipah đã được ngăn chặn với 6 ca nhiễm bệnh và 2 ca tử vong, Sở y tế địa phương hôm thứ Ba (26/9) tuyên bố sẽ tiếp tục lệnh hạn chế tại các khu vực ngăn cách ở Kozhikode.

Các bác sĩ xác định virus Nipah như thế nào?

Bác sĩ Jyothikumar thuộc Bệnh viện Hợp tác ở Vadakara kể lại rằng ông Haris đã xét nghiệm âm tính với các bệnh nhiễm virus khác, điều này dẫn đến nghi ngờ rằng “ông ấy đang gặp phải một loại virus bất thường”.

Bác sĩ Jyothikumar cho biết: “Triệu chứng của bệnh nhân không giảm bớt dù đã được điều trị sơ bộ. Các tế bào bạch cầu và tiểu cầu đều thấp, giống như sốt dengue, nhưng ông ấy xét nghiệm âm tính với sốt dengue. Leptospirosis (sốt do chuột cắn) cũng bị nghi ngờ. Nhưng ông ấy cũng có kết quả xét nghiệm âm tính với Leptospirosis .”

Mẫu máu của ông Haris đã được gửi đi xét nghiệm ELISA (xét nghiệm miễn dịch hấp thụ liên kết với Enzyme) – xét nghiệm phát hiện một số loại kháng thể, kháng nguyên và các chất khác trong máu, nước tiểu hoặc chất dịch cơ thể khác – vì xét nghiệm Leptospirosis có thể cho kết quả âm tính giả. Năm giờ sau, kết quả lại âm tính.

“Một khả năng khác là viêm gan siêu vi, xét nghiệm được thực hiện ngay tại bệnh viện. Lần này cũng cho kết quả âm tính. Việc chụp X-quang để xác định bệnh viêm phổi do virus đã được thực hiện nhưng không cho thấy đặc điểm nào của bệnh. Sau đó tôi nghi ngờ về một căn bệnh bất thường. Chúng tôi chuyển các ca bệnh khẩn cấp đến Đại học Y (Đại học Y Chính phủ, Kozhikode) hoặc tới Viện Aster MIMS. Ông Haris thích bệnh viện tư nhân hơn và do đó đã chuyển sang MIMS”, Tiến sĩ Jyothikumar kể lại.

Tiến sĩ Jyothikumar ngay lập tức gọi cho bác sĩ Anoop Kumar, chuyên gia chăm sóc tích cực tại Viện Aster MIMS, người đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện virus Nipah vào năm 2018, và biết rằng những bệnh nhân có triệu chứng tương tự đã có kết quả xét nghiệm âm tính với các bệnh nhiễm virus khác. Các bác sĩ đã gióng lên cảnh báo.

Chính phủ ngăn chặn sự lây lan

Người đứng đầu Kerala, ông Pinarayi Vijayan, nói với giới truyền thông hôm thứ Ba (26/9) rằng toàn bộ cơ sở hạ tầng y tế của tiểu bang đã phục vụ cho việc ngăn chặn virus Nipah.

“Một kế hoạch hành động [đối phó với virus] Nipah đã được chuẩn bị và một ủy ban nòng cốt đã được thành lập với 19 đội ngũ. Các chuyên gia y tế cho rằng khả năng xảy ra làn sóng thứ hai là không rõ ràng, tuy nhiên không thể loại bỏ hoàn toàn điều đó. Trong lúc giải trình tự virus (có thể góp phần trong việc theo dõi dịch bệnh) do ICMR (Hội đồng Nghiên cứu Y tế Ấn Độ) thực hiện, những điều tương tự (về đợt bùng phát) đã được tìm thấy vào khoảng năm 2018 và 2019”, trích lời ông Vijayan.

Bộ trưởng Y tế bang Kerala, bà Veena George, đã phối hợp ngăn chặn virus Nipah sau khi chính phủ được thông báo về ca nhiễm đáng ngờ vào ngày 11/9.

Bà George cho hay: “Một vụ tử vong do sốt bất thường đã xảy ra… bệnh nhân có nhiều bệnh lý đi kèm. Nhưng Nipah bị nghi ngờ vì người thân của ông ấy có triệu chứng. Mẫu máu của bệnh nhân được xét nghiệm tại Đại học Y Kozhikode trong cùng ngày cho kết quả dương tính. Tuy nhiên cơ quan tuyên bố đợt bùng phát Nipah là Viện Virus học Quốc gia (NIV) Pune, ở Maharashtra. Các mẫu đã được gửi đến NIV và virus Nipah đã được xác nhận.”

Bộ Y tế đã bắt đầu giám sát thực địa trong khu vực, và theo Bộ trưởng, hàng nghìn mẫu đã được xét nghiệm tại Bệnh viện Đại học Y Kozhikode.

“Một mạng lưới chẩn đoán đã được NIV Pune thành lập và một hội thảo cấp nhà nước đã được tiến hành với sự tham gia của các chuyên gia y tế và Cục Chăn nuôi và Lâm nghiệp”.

Chính phủ Liên minh đã cử 3 đội: một đội để giám sát dơi, đội thứ hai là đơn vị xét nghiệm di động để tránh bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc gửi mẫu đến NIV Pune và đội thứ ba để đánh giá dịch tễ học.

Tại sao lại là Kozhikode?

Tiến sĩ Muraleedharan cho rằng sự khan hiếm nước và thức ăn đã buộc các loài động vật phải rời khỏi rừng, điều này xảy ra rất phổ biến ở các quận Kozhikode và Wayanad phía bắc Kerala. Do đó, đây có thể là nguyên nhân gia tăng sự hiện diện của các loài dơi.

Ông Muraleedharan nói: “Chúng tôi coi dơi là điềm xấu và sẽ khiến chúng sợ hãi, và điều đó kích hoạt virus trong cơ thể chúng.”

Ông Latheef, nhân viên tại Cục Lâm nghiệp và Động vật hoang dã Kerala ở Kozhikode, cho biết hầu như không thể làm được gì: “Dơi bay cao. Đương nhiên là không thể hạn chế việc di chuyển của chúng.” Theo ông, lựa chọn duy nhất là duy trì cảnh giác khi dơi tập trung vào một khu vực cụ thể để lấy trái cây. “Việc hạn chế sự di chuyển tự nhiên của động vật là không thực tế.”

Ông Sreehari Raman tại Khoa Khoa học Động vật hoang dã của Đại học Nông nghiệp Kerala, trả lời tờ RT rằng: “Điều này không giống như việc hạn chế sự xâm nhập của voi hoang dã vào thành phố bằng cách xây hàng rào”.

Các quốc gia khác đã xử lý Nipah như thế nào?

Năm 1999, Malaysia đã tiến hành tiêu hủy lợn trên quy mô lớn sau khi tỷ lệ tử vong do bệnh truyền nhiễm vượt quá 60. Vào năm 2020, Indonesia đã tiêu hủy hàng trăm con dơi được tìm thấy ở một khu chợ địa phương, coi đây là một nỗ lực nhằm hạn chế sự lây lan của virus Nipah.

Ngược lại, Kerala chưa bao giờ áp dụng các biện pháp tương tự, và vào năm 2018, chính phủ đã cảnh báo không nên tiêu hủy dơi.

Một nguồn tin giấu tên của Bộ y tế tiểu bang tiết lộ: “Cảnh báo chống lại việc làm xáo động những con dơi cũng đã được đưa ra trong năm nay. Điều đó sẽ chỉ khiến chúng sợ hãi và dẫn đến ‘sự bài tiết virus’. Chiến lược của tiểu bang là ngăn chặn sự lây truyền thông qua việc theo dõi liên lạc. Tiểu bang chỉ loại bỏ động vật nuôi vì mục đích thương mai, không tiêu hủy động vật tự nhiên.”

Vy An (Theo RT)