Sau vụ ám sát cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào thứ Sáu (8/7) đã khiến không ít người boăn khoăn: Làm thế nào chuyện như vậy lại xảy ra ở Nhật Bản, nơi có an ninh trật tự rất tốt và súng được kiểm soát chặt chẽ?

Embed from Getty Images

Ngày 8/7/2022 người dân Nhật Bản đã đến địa điểm cựu Thủ tướng Abe bị ám sát để viếng ông (Nguồn: Yuichi Yamazaki / Getty).

Nhật Bản là một trong những nước có tỷ lệ tội phạm súng thấp nhất thế giới, nhiều nhà bình luận cho rằng vụ ám sát cựu Thủ tướng Abe sẽ tác động lớn đến xã hội Nhật Bản với nhiều biến động lâu dài về mặt tổ chức xã hội.

Vụ việc đã khiến đông đảo người dân Nhật Bản xót xa thương tiếc, từ Thủ tướng Fumio Kishida đến những người bình thường trên mạng xã hội. Reuters đưa tin, bà Thống đốc Koike Yuriko của Tokyo đã không kìm được nước mắt và khóc nức nở tại một cuộc họp báo: “Tôi rất sốc”, “Vì bất cứ lý do gì, hành động tàn ác này là hoàn toàn không thể tha thứ. Đó là một hành động xúc phạm nền dân chủ”.

Một nhân viên CNTT 26 tuổi ở trung tâm Tokyo tên Koki Tanaka cũng bày tỏ cảm xúc tương tự: “Tôi quá ngạc nhiên là điều này xảy ra ở Nhật Bản”; còn người dùng Twitter Nonochi viết, “Tôi không thể ngừng run rẩy”.

Theo CNN, Giám đốc Hội đồng Công nghiệp An ninh Quốc tế Nhật Bản là Nancy Snow cho biết vụ xả súng sẽ thay đổi Nhật Bản mãi mãi. Snow nói với CNN: “Nó không chỉ hiếm, mà còn khó hiểu về mặt văn hóa. Người Nhật không thể tưởng tượng nổi thứ văn hóa súng như Mỹ”.

Sở hữu một khẩu súng ở Nhật Bản là vô cùng khó khăn, đòi hỏi phải có lý lịch trong sạch, đào tạo bắt buộc, đánh giá tâm lý và kiểm tra đặc biệt, thậm chí bao gồm cả việc kiểm tra của cảnh sát đối với những hàng xóm. Hàng năm cảnh sát Nhật đều kiểm tra súng, cứ cách 3 năm là chủ sở hữu súng phải tham gia các khóa học lại và làm bài kiểm tra để gia hạn giấy phép.

Những hạn chế khiến số lượng chủ sở hữu súng tư nhân ở Nhật Bản rất thấp. Năm 2017, tại Nhật Bản 125 triệu dân này ước tính chỉ có khoảng 377.000 khẩu súng do dân thường nắm giữ, theo Dự án Khảo sát Vũ khí Nhỏ của Viện Quốc tế và Phát triển ở Geneva thì con số đó tương đương với 0,25 khẩu súng trên 100 người, quá khác biệt so với Mỹ khi khoảng 120 khẩu súng trên 100 người.

Nhật Bản có một băng nhóm tội phạm bạo lực tên Yakuza, nhưng hầu hết mọi người không bao giờ tiếp xúc với chúng. Thậm chí băng nhóm này còn né tránh súng vì hình phạt mang theo quá lớn, không đáng để mạo hiểm.

Do đó tội phạm sử dụng súng hầu như không tồn tại ở Nhật Bản. Trung bình mỗi năm ở Nhật có ít hơn 10 trường hợp tử vong liên quan đến súng. Số người chết vì súng đạn tại Nhật Bản vào năm 2017 có 3 người, năm 2018 có 9 người, năm 2021 chỉ có 1 người so với 39.740 người ở Mỹ trong năm đó.

Đã có những vụ giết người hàng loạt ở Nhật Bản, nhưng thường không phải bằng súng. Khẩu súng mà nghi phạm sử dụng để ám sát ông Abe trông giống như một vũ khí tự chế: hai ống thép được dán với nhau bằng băng dính điện màu đen và loại cò thủ công đơn giản.

Câu hỏi đặt ra: Đây là một cuộc tấn công chính trị có chủ ý? Chỉ là hành động ngông cuồng? Kẻ xả súng muốn nổi tiếng? Đến nay tất cả vẫn chỉ là suy đoán.

Tất nhiên, Nhật Bản cũng đã trải qua những vụ ám sát chính trị, nhưng chỉ có một số ít trường hợp xảy ra trong nửa thế kỷ qua. Cần chú ý nữa là việc kiểm soát súng tại Nhật Bản càng thắt chặt hơn từ năm 2007 khi Thị trưởng Nagasaki bị bọn côn đồ bắn chết.

Gia tăng tội phạm thay thế: Đàn ông cô đơn mang tâm lý hận thù

Theo phóng viên BBC tại Nhật Bản là Rupert Wingfield-Hayes cho biết, những năm gần đây, một loại tội phạm trở nên phổ biến hơn ở Nhật Bản với thủ phạm là những người đàn ông trầm lặng, cô đơn, có mối hận thù với ai đó hoặc điều gì đó.

Vào năm 2019, một người đàn ông đã phóng hỏa tòa nhà của một xưởng phim hoạt hình nổi tiếng ở Kyoto khiến 36 người thiệt mạng. Người đàn ông này nói với cảnh sát rằng anh ta có ác cảm với hãng phim vì “ăn cắp tác phẩm của anh ta”.

Trong một trường hợp khác vào năm 2008, một thanh niên bất mãn đã lái xe tải lao vào một đám đông mua sắm ở quận Akihabara – Tokyo, sau đó còn xuống xe và đâm những người xem xung quanh, vụ án khiến 7 người đã thiệt mạng. Trước khi phát động cuộc tấn công, anh ta đã đăng trên mạng, “Tôi sẽ giết người ở Akihabara” và “Tôi không có bạn, tôi bị khinh thường vì dung mạo xấu xí. Mọi người xem tôi không bằng rác rưởi”.

Rupert Wingfield-Hayes nói rằng chắc chắn vụ ám sát cựu Thủ tướng Abe sẽ làm thay đổi sâu sắc xã hội Nhật Bản. Ông nói rằng an ninh của Nhật Bản rất lỏng lẻo; suốt chiến dịch tranh cử, các chính trị gia đứng ở các góc phố phát biểu và bắt tay những người mua sắm cũng như người qua đường. Điều này chắc chắn sẽ thay đổi sau vụ ám sát cựu Thủ tướng Abe.