WHO khuyến nghị Ukraine tiêu hủy mầm bệnh nguy cơ cao trong cơ sở nghiên cứu
- Trí Đạt
- •
Vì lý do sức khỏe cộng đồng, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị Ukraine tiêu hủy các mầm bệnh có nguy cơ cao trong các phòng thí nghiệm sức khỏe cộng đồng ở Ukraine, để ngăn chặn sự cố tràn ra ngoài.
WHO đặc biệt khuyến nghị Ukraine tiêu hủy mầm bệnh có nguy cơ cao
Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông vào ngày 10/3, các chuyên gia an ninh y tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, xuất phát từ những cân nhắc về sức khỏe cộng đồng do cuộc chiến với Nga – Ukraine mang lại, WHO đã khuyến cáo Ukraine nên tiêu hủy các mầm bệnh có tính đe dọa cao trong các phòng thí nghiệm y tế cộng đồng trên lãnh thổ của mình, để ngăn chặn bất kỳ sự kiện lây lan mầm bệnh nào có thể xảy ra và sự lây lan của virus. Trong quá trình quân đội Nga ném bom vào các thành phố của Ukraine, khả năng lây lan các mầm bệnh có nguy cơ cao sẽ tăng lên nếu có bất kỳ cơ sở vật chất liên quan nào bị hư hại trong chiến tranh.
Các chuyên gia an ninh y tế của WHO cho biết: “Nằm trong kế hoạch này, WHO đã khuyến cáo mạnh mẽ Bộ Y tế Ukraine và các cơ quan chuyên môn khác tiêu hủy các mầm bệnh có nguy cơ cao để ngăn chặn bất kỳ sự kiện lây lan nào.”
Trước những câu hỏi về kế hoạch hợp tác với Ukraine trước khi chiến tranh Nga – Ukraine bùng nổ và hiện nay, WHO trả lời rằng tổ chức này đã làm việc với các phòng thí nghiệm y tế công đồng của Ukraine trong vài năm để thúc đẩy các biện pháp có lợi cho ngăn chặn sự kiện “vô tình hoặc cố ý phá hoại giải phóng mầm bệnh”.
Giống như nhiều quốc gia khác, Ukraine đã thành lập các phòng thí nghiệm y tế cộng đồng để nghiên cứu cách giảm thiểu mối đe dọa từ các bệnh nguy hiểm ảnh hưởng đến động vật và con người, bao gồm cả sự bùng phát toàn cầu của COVID-19, báo cáo cho biết. Phòng thí nghiệm y tế cộng đồng Ukraina được hỗ trợ và giúp đỡ bởi Mỹ, Liên minh Châu Âu và WHO.
WHO không cho biết thời điểm khuyến nghị được đưa ra đối với Ukraine, cũng như không cung cấp chi tiết về các loại mầm bệnh hoặc chất độc được lưu trữ trong các phòng thí nghiệm y tế cộng đồng của Ukraine, và cũng không trả lời liệu các quan chức Ukraine có tuân theo khuyến nghị hay không.
Các quan chức Chính phủ Ukraine ở thủ đô Kyiv và Đại sứ quán Ukraine tại Washington đều không trả lời yêu cầu bình luận.
Kể từ khi chiến tranh Nga – Ukraine bùng nổ vào ngày 24/2, phòng thí nghiệm sức khỏe cộng đồng Ukraine đã là một trong những trọng tâm của cuộc chiến thông tin căng thẳng.
Mỹ bác bỏ cáo buộc chiến tranh sinh học của Nga
Ngày 9/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhắc lại cáo buộc lâu nay rằng Mỹ duy trì một phòng thí nghiệm chiến tranh sinh học ở Ukraine. Cáo buộc này đã bị Mỹ và Ukraine bác bỏ. Bà Zakharova cho biết, các tài liệu do quân đội Nga tìm thấy ở Ukraine cho thấy nỗ lực khẩn cấp xóa bằng chứng về các chương trình sinh học quân sự bằng cách phá hủy các mẫu thí nghiệm.
Reuters đưa tin, không cách nào chứng thực được tuyên bố của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Zakharova.
Một phát ngôn viên của Tổng thống Ukraine đã bác bỏ mọi cáo buộc như vậy của Nga. Phát ngôn viên của Chính phủ Mỹ đã mạnh mẽ bác bỏ cáo buộc của Nga, cho rằng Nga có thể đã sử dụng chúng làm lý do cho việc triển khai vũ khí sinh học và hóa học.
Báo cáo cũng cho biết, tuyên bố của WHO không đề cập đến chiến tranh sinh học ở Ukraine, mà chỉ đưa ra lời khuyên và hỗ trợ kỹ thuật để xử lý an toàn tất cả các mầm bệnh ở Ukraine.
Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ Avril Haines nói với Ủy ban Tình báo Thượng viện hôm thứ Năm rằng có sự khác biệt giữa “cơ sở nghiên cứu sinh học” và “cơ sở nghiên cứu vũ khí sinh học“. Bà cho biết giới tình báo Mỹ không tin rằng có bất kỳ chương trình nghiên cứu vũ khí sinh học nào ở Ukraine và những tuyên bố đó là tuyên truyền sai lệch thông tin của Nga.
“Chúng tôi không cho rằng Ukraine đang tìm kiếm vũ khí sinh học hoặc hạt nhân, về cơ bản đó là một phần trong tuyên truyền của Chính phủ Nga”, bà Haines nói trong một phiên điều trần của Ủy ban Tình báo Thượng viện về các mối đe dọa toàn cầu. “Thành thật mà nói, chúng tôi không thấy bất kỳ bằng chứng nào (để hỗ trợ cho tuyên bố của Nga) rằng hoạt động tuyên truyền ảnh hưởng này hoàn toàn phù hợp với những cáo buộc lâu nay của Nga rằng Mỹ đã tài trợ cho chương trình vũ khí sinh học của Liên Xô cũ.”
Trong tình huống chính quyền Moscow không đưa ra được bằng chứng về cáo buộc của mình, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã họp vào ngày 11/3 theo yêu cầu của Nga để thảo luận về các thí nghiệm chiến tranh sinh học của Mỹ ở Ukraine.
Từ khóa Dòng sự kiện Chiến tranh Nga - Ukraine WHO Vũ khí sinh học