Người đứng đầu WHO khu vực Châu Âu đã tỏ ra bi quan về khả năng của vắc-xin trong việc chấm dứt đại dịch COVID-19, khi các biến thể mới dường như dập tắt hy vọng đạt được khả năng miễn dịch bầy đàn.

Đối mặt với khả năng virus có thể tồn tại trong nhiều năm, các quan chức y tế hiện phải “dự đoán cách thích ứng dần với chiến lược tiêm chủng”, đặc biệt là về câu hỏi liên quan đến mũi tiêm tăng cường, giám đốc Châu Âu của WHO Hans Kluge nói với các phóng viên.

Vào tháng 5, ông Kluge đã nói rằng “đại dịch sẽ chấm dứt khi chúng ta đạt được mức tiêm chủng bao phủ tối thiểu 70%”.

Khi được AFP hỏi liệu con số đó có còn là mục tiêu hay không hay liệu có nhiều người hơn cần được tiêm chủng hay không, ông Kluge thừa nhận rằng tình hình đã thay đổi do các biến thể mới có khả năng lây truyền cao hơn, chẳng hạn như Delta.

Ông nhận định mục đích của việc tiêm chủng, đầu tiên và quan trọng nhất, là để ngăn ngừa bệnh trở nên nghiêm trọng hơn và giúp giảm thiểu tử vong. Tuy vậy, nếu các biến thể COVID-19 tiếp tục xuất hiện và “ở lại với chúng ta giống như bệnh cúm, thì chúng ta nên dự đoán cách điều chỉnh dần chiến lược tiêm chủng của mình để phù hợp với bệnh dịch tiếp tục lây truyền, đồng thời thu thập kiến ​​thức về tác động của các mũi tiêm bổ sung”, ông nói thêm.

Các nhà dịch tễ học hiện nay cho rằng khả năng miễn dịch bầy đàn có thể tạo ra được với chỉ với việc tiêm vắc-xin là không khả thi, mặc dù chúng [vắc-xin] vẫn là yếu tố quan trọng để ngăn chặn đại dịch.

Tỷ lệ tiêm chủng cao cũng cần thiết để “giải tỏa áp lực từ các hệ thống chăm sóc sức khỏe” vốn rất cần điều trị các bệnh khác, ông Kluge nói.

Biến thể Delta được coi là có khả năng lây truyền cao hơn 60% so với biến thể Alpha trước đó và khả năng lây lan gấp đôi so với virus gốc.

Xuân Lan (theo AFP)

Xem thêm: