WSJ: Những thủ đoạn chính của TQ để ép chuyển giao công nghệ
- Huệ Anh
- •
Theo Wall Street Journal tiết lộ, thông qua các cuộc điều tra chi tiết đã cho thấy nội tình chuyện Chính phủ Trung Quốc ép chuyển giao công nghệ đối với doanh nghiệp Mỹ. Thế nhưng mới đây đảng Cộng sản Trung Quốc đã công bố Sách Trắng và tiếp tục phủ nhận vấn đề này.
Ảnh minh họa từ Getty Images
Những thủ đoạn ép chuyển giao công nghệ
Sau khi phỏng vấn hàng chục quan chức chính phủ và giới doanh nghiệp Trung – Mỹ cùng việc tham khảo các tài liệu liên quan, ngày 26/9, Nhật báo Wall Street Journal (WSJ) của Mỹ đã công bố 4 thủ đoạn chính mà TQ cưỡng ép chuyển giao công nghệ. Bao gồm: thứ nhất, gây sức ép với đối tác Mỹ trong công ty liên doanh Trung – Mỹ từ bỏ công nghệ của họ; thứ hai, sử dụng tòa án tuyên bố bằng sáng chế của công ty Mỹ không hợp lệ; thứ ba, dùng danh nghĩa điều tra chống độc quyền và qua đó tịch thu các tài liệu công nghệ của công ty Mỹ; thứ tư, yêu cầu công ty Mỹ cung cấp chi tiết các công thức hoặc quy trình sản xuất cho các chuyên gia TQ để xem xét, nhưng những công nghệ này nhanh chóng rơi vào tay các công ty TQ.
Theo Hạ Nghiệp Lương (Xia Yeliang), một nhà kinh tế học ở Mỹ: chính sách định hướng buộc chuyển giao công nghệ này đã tồn tại từ lâu. Nếu công nghệ không được chuyển giao một cách hiệu quả, các công ty nước ngoài sẽ gặp khó khăn trong triển khai các hoạt động thương mại khác ở Trung Quốc.
Còn theo ông Tạ Điền (Xie Tian), giáo sư Trường Kinh doanh Aiken thuộc Đại học Nam Carolina, Mỹ: Sau khi TQ lấy được những công nghệ cao này sẽ đầu tư sản xuất sản phẩm, và dùng chính sản phẩm này để cạnh tranh với các công ty Mỹ trên thị trường quốc tế hoặc thị trường Mỹ. Nói cách khác, người Mỹ đã mang chính công nghệ và sáng chế của riêng họ đào tạo cho đối thủ cạnh tranh với họ.
Một cuộc khảo sát hồi đầu năm nay cho thấy, trong Phòng Thương mại Mỹ ở Thượng Hải, có 44% số công ty hàng không và 41% số công ty hóa chất đã phải “chịu áp lực đáng kể” trong vấn đề buộc chuyển giao công nghệ.
Tuy nhiên, ngày 24/9, chính quyền TQ đã công bố Sách Trắng cho biết rằng việc chuyển giao công nghệ là “doanh nghiệp tự nguyện”, không phải do “Chính phủ cưỡng ép”, và rằng Chính phủ Mỹ bóp méo vấn đề.
Hạ Nghiệp Lương cho rằng, TQ không công nhận chính quyền trung ương có quy định trực tiếp, có thể trong các tài liệu công khai họ không đề cập vấn đề này, nhưng họ âm thầm đề nghị chính quyền các địa phương và các doanh nghiệp nhà nước cùng rất nhiều tổ chức có quan hệ với các nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện quan điểm từ chính quyền trung ương. Đây là vấn đề không thể phủ nhận.
TQ không thừa nhận việc chuyển giao công nghệ này là bắt buộc, do đó cũng từ chối thảo luận với Mỹ về vấn đề ngừng bắt buộc chuyển giao công nghệ, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cả bốn vòng đàm phán kinh tế và thương mại giữa hai bên rơi vào bế tắc.
Ngày 19/07, Cố vấn kinh tế trưởng Nhà Trắng Kudlow cho biết: “Họ không trả lời gì cả, ngay cả chỉ 0,01% cũng không đáp ứng yêu cầu của chúng tôi trong vấn đề thay đổi hành vi trộm cắp quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ.”
TQ có dấu hiệu nhượng bộ, nhưng còn xa mục tiêu chính
Tuy nhiên, gần đây TQ đã có tuyên bố hiếm thấy khi đã thông qua cựu thống đốc ngân hàng trung ương Chu Tiểu Xuyên (Zhou Xiaochuan) cho biết, quả thực cũng có hiện tượng buộc chuyển giao công nghệ ở cấp chính quyền địa phương. Một số nhà bình luận cho rằng đây là một dấu hiệu cho thấy sự nhượng bộ của Bắc Kinh, dưới áp lực của cuộc chiến thương mại có thể TQ sẽ phải từ bỏ thủ đoạn buộc chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, ông Hạ Nghiệp Lương cho rằng điều này còn cách khá xa mục tiêu chính của cuộc chiến thương mại.
Ông nhận định, bởi vì (xung đột thương mại) bao gồm nhiều yếu tố gây ra, không phải một khía cạnh (thay đổi) là giải quyết được. Trừ khi họ thay đổi mang tính hệ thống để đạt được tiêu chuẩn có thể chấp nhận đối với một nền kinh tế thị trường bình thường.
Nhà Trắng ước tính thủ đoạn của Trung Quốc đã khiến các công ty Mỹ phải thiệt hại đến 50 tỷ USD mỗi năm, làm suy yếu khả năng cạnh tranh và đổi mới của các công ty Mỹ, gây thiệt hại lâu dài cho nền kinh tế Mỹ và an ninh quốc gia Mỹ.
Huệ Anh
Xem thêm:
Từ khóa Trung Quốc đánh cắp công nghệ đánh cắp công nghệ chuyển giao công nghệ