Mới đây Tạp chí Global Finance đã công bố bảng xếp hạng các nước/vùng lãnh thổ giàu nhất thế giới năm 2023 (World’s Richest Country 2023).

Ireland
Cảnh đêm của cầu Ha Penny được chiếu sáng nổi tiếng ở Dublin, Ireland vào lúc hoàng hôn. (Ảnh: Madrugada Verde/ Shutterstock)

Thông tin từ Tạp chí Global Finance cho thấy nhiều nước giàu nhất thế giới cũng là những nước nhỏ hoặc rất nhỏ, dịch bệnh COVID-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu hầu như không ảnh hưởng đến khối tài sản khổng lồ của các nước này. San Marino, Luxembourg, Thụy Sĩ và Singapore đều là những nước nhỏ nhưng rất giàu có, được hưởng lợi từ ngành tài chính phát triển và hệ thống thuế tiên tiến, thu hút đầu tư nước ngoài, nhân tài chuyên nghiệp và tiền gửi ngân hàng lớn.

Các nước khác như Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) có số lượng lớn các sản phẩm năng lượng hydrocarbon hoặc các tài nguyên thiên nhiên sinh lợi khác, trong khi đó các sòng bạc và lượng khách du lịch khiến thiên đường cờ bạc châu Á Ma Cao trở thành một trong những nơi giàu nhất thế giới.

Khi đại dịch toàn cầu COVID-19 dần được đẩy lùi thì lại đến thời điểm khủng hoảng lương thực và năng lượng trầm trọng thêm do tỷ lệ lạm phát thế giới tăng cao và chiến tranh Nga xâm lược Ukraine. Các hộ gia đình có thu nhập thấp một lần nữa bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi họ buộc phải chi nhiều hơn cho những nhu cầu cơ bản, ví như nhà ở, thực phẩm, năng lượng và giao thông – giá của những nhu yếu phẩm này dễ biến động hơn và có xu hướng tăng mức tối đa.

Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), sức mua bình quân đầu người của 10 nước nghèo nhất thế giới là 1380 USD, trong khi sức mua bình quân đầu người của 10 nước giàu nhất là hơn 105.000 USD. Kể từ tháng 10/2022, sức mua bình quân đầu người ở các nước nghèo chỉ tăng 30 USD, trong khi ở các nước thu nhập cao có sức mua bình quân đầu người đã tăng hơn 5000 USD.

Nhiều nước trong bảng xếp hạng các nước giàu nhất thế giới này là ‘thiên đường thuế’, như vậy nghĩa là nguồn gốc của cải ở các nước giàu đó là từ các nước khác, thúc đẩy tổng sản phẩm quốc dân (GDP) của các ‘thiên đường thuế’. Mặc dù vào năm 2021 hơn 130 nước/vùng lãnh thổ đã ký thỏa thuận toàn cầu để đảm bảo các công ty lớn phải trả mức thuế tối thiểu 15% (thỏa thuận này vẫn chưa được thực thi do có những phản đối từ giới lập pháp và chính trị gia ở một số nước), tuy nhiên nhiều người chỉ trích cho rằng tỷ lệ này chỉ cao hơn một chút so với các ‘thiên đường thuế’ như Ireland, Qatar và Ma Cao.

Bảng xếp hạng ‘Top 10’ các nước/vùng lãnh thổ giàu nhất thế giới năm 2023 như sau:

10. San Marino

San Marino là một trong những nước cộng hòa lâu đời nhất ở châu Âu, cũng là một trong những nước nhỏ nhất thế giới chỉ với khoảng 34.000 công dân.

Thuế suất thuế thu nhập của San Marino rất thấp, chỉ bằng khoảng 1/3 mức thuế trung bình của EU. Tuy nhiên, San Marino đang nỗ lực đưa các quy định tài chính của họ phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế của EU.

Sau đại dịch COVID-19 cùng tình hình thắt chặt tiền tệ và khủng hoảng năng lượng thì nền kinh tế của nước châu Âu nhỏ bé này đã cho thấy khả năng phục hồi đáng chú ý, trong đó lĩnh vực du lịch và sản xuất của nước này hoạt động đặc biệt mạnh mẽ.

9. Mỹ

Trong phần lớn thời gian 20 năm qua, Mỹ thường nằm ngoài top 10, nhưng có lần đầu tiên lọt vào top 10 năm 2020. Hiện Mỹ vẫn duy trì được trong top 10, lý do giá năng lượng giảm và chi tiêu nhà nước do đại dịch COVID-19 gây ra. Giá năng lượng giảm đã đẩy các nền kinh tế dựa vào dầu mỏ như Qatar, Na Uy và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) tụt hạng, trong khi Brunei đã văng khỏi top 10.

Đồng thời, sự gia tăng chi tiêu kích thích của Chính phủ Mỹ, sự gia tăng phúc lợi phiếu thực phẩm, và việc mở rộng phạm vi bảo hiểm Medicaid đều đã thúc đẩy đáng kể nhu cầu trong nước Mỹ. Kết quả là nước Mỹ vào đầu năm 2020 đã trải qua kỳ suy thoái ngắn nhất từng thấy khi chỉ kéo dài 2 tháng. Điều may mắn là thị trường việc làm ở Mỹ đã phục hồi kể từ khi đợt bùng phát COVID-19 bắt đầu, cho dù lạm phát cao nhất trong 40 năm đã làm xói mòn mức lương của đa số công chúng.

8. Na Uy

Kể từ cuối những năm 1960 khi Na Uy phát hiện ra các mỏ dầu lớn thì động cơ kinh tế của nước này đã được thúc đẩy mạnh nhờ sản phẩm năng lượng dầu khí. Là nước sản xuất dầu lớn nhất Tây Âu, Na Uy đã được hưởng lợi từ giá năng lượng tăng cao trong nhiều thập kỷ.

Đại dịch toàn cầu COVID-19 bùng phát đã khiến tỷ giá đồng krone Na Uy giảm mạnh, khiến nền kinh tế nước này bị ảnh hưởng rất lớn. Tuy nhiên, nền kinh tế Na Uy phục hồi trở lại vào năm 2021 với tốc độ tăng trưởng gần 3,9%, tăng trưởng năm 2022 còn khoảng 3,3%. Khi gặp phải bất kỳ vấn đề kinh tế bất trắc, người Na Uy luôn có thể dựa vào quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới của họ (1300 tỷ USD).

Ngoài ra, không giống như nhiều nước giàu khác, GDP bình quân đầu người cao của Na Uy phản ánh khá chính xác mức sống của người dân thường. Na Uy nằm trong những nước có khoảng cách bất bình đẳng về thu nhập nhỏ nhất trên thế giới.

7. Thụy Sĩ

Đất nước khoảng 8,7 triệu dân này có được phần lớn tài sản nhờ các dịch vụ ngân hàng và bảo hiểm, du lịch và xuất khẩu dược phẩm, đá quý, kim loại quý, dụng cụ chính xác (như đồng hồ) và máy móc (thiết bị y tế và máy tính). Theo “Báo cáo Tài sản Toàn cầu 2022” do Credit Suisse công bố, Thụy Sĩ một lần nữa đứng trong top đầu về mức độ giàu có bình quân đầu người, lên tới 700.000 USD. Ngoài ra, cứ 6 người trưởng thành thì có 1 người sở hữu tài sản trị giá hơn 1 triệu USD.

Không may là tất cả những điều đó vẫn không bảo vệ được nền kinh tế Thụy Sĩ khỏi tác động của đại dịch COVID-19. Chẳng hạn, sụp đổ của Credit Suisse vào tháng 3 năm nay không chỉ gây chấn động toàn Thụy Sĩ, còn làm tổn hại đến danh tiếng của Thụy Sĩ với tư cách là một trung tâm tài chính toàn cầu.

6. Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE)

Kể từ khi phát hiện ra dầu mỏ, sự pha trộn giữa kiến ​​trúc Hồi giáo truyền thống với các trung tâm mua sắm hào nhoáng, tiền lương được miễn thuế và ánh nắng quanh năm giúp UAE thu hút nhân tài từ khắp nơi trên thế giới – chỉ khoảng 20% ​​dân số sống ở nước Trung Đông này là công dân bản địa.

Nền kinh tế của UAE cũng ngày càng đa dạng. Ngoài truyền thống năng lượng nắm vai trò chủ đạo thì kinh tế nước này còn được thúc đẩy từ du lịch, xây dựng, thương mại và tài chính. Dù vậy UAE vẫn không thoát khỏi ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 và giá dầu sụt giảm, khiến sau nhiều thập niên UAE lần đầu tiên bị loại khỏi bảng xếp hạng các nước giàu nhất thế giới của IMF. Giờ đây, khi giá năng lượng toàn cầu phục hồi, UAE một lần nữa nằm trong số 10 nước giàu nhất thế giới.

5. Đặc khu hành chính Macao

Ma Cao từng là thuộc địa của Bồ Đào Nha thời Đế quốc, sau đó vào năm 2001 đã tự do hóa ngành công nghiệp cờ bạc và theo đó sự giàu có của vùng này tăng vọt. Ma Cao có dân số khoảng 700.000 người nhưng có hơn 40 sòng bạc trên diện tích khoảng 30 km2 này. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngành du lịch toàn cầu rơi vào bế tắc, Ma Cao từng rơi khỏi bảng xếp hạng 10 quốc gia/vùng lãnh thổ giàu nhất. Nhưng hiện nay Ma Cao đang dần trở lại bình thường.

4. Qatar

Với trữ lượng dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và nhiên liệu hóa thạch dồi dào nhưng dân số chỉ có 3 triệu người, Qatar trong 20 năm liên tiếp nằm trong số những nước giàu nhất thế giới. Hiện tại chỉ có khoảng 12% cư dân nước Trung Đông này là công dân Qatar. Sau khi COVID-19 bùng phát, Qatar đã nhiều lần áp dụng các biện pháp chống dịch như cách ly, giới nghiêm và đóng cửa thành phố, dù vậy Qatar vẫn là một trong những nước có tỷ lệ ca nhiễm COVID-19 được xác nhận cao nhất ở Trung Đông.

Nhưng với doanh thu từ dầu mỏ tăng và lượng khách du lịch đến xem World Cup, nền kinh tế Qatar vào năm 2022 đã tăng trưởng 4,2%.

3. Singapore

Singapore giàu có là ‘thiên đường thuế’, nơi thu nhập từ vốn doanh nghiệp và cổ tức được miễn thuế. Với ít tài nguyên thiên nhiên, Singapore đã phát triển thành một trung tâm thương mại, sản xuất và tài chính thịnh vượng. Giống như các nước khác, Singapore cũng không thoát khỏi tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu do dịch COVID-19 gây ra, theo đó trong năm 2023 mức tăng trưởng kinh tế dự kiến ​​chỉ ở mức 1,5%.

2. Luxembourg

Luxembourg ở trung tâm châu Âu có dân số chỉ khoảng 650.000 người, phần lớn tài sản của đất nước này chỉ mục đích nhằm cung cấp cho người dân các điều kiện sống tốt hơn về nhà ở, chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Mức sống của người dân Luxembourg cao nhất trong khu vực Eurozone.

Sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19 đã khiến nhiều công ty phải đóng cửa và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Do niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng giảm sút cũng như giá năng lượng và thực phẩm tăng cao, nền kinh tế Luxembourg có thể chỉ tăng trưởng 1,1% trong năm nay.

1. Ireland

Cộng hòa Ireland chỉ có 5 triệu dân, là một trong những ‘thiên đường thuế’ doanh nghiệp lớn nhất thế giới. Nhiều công ty lớn của Mỹ như Apple, Google, Microsoft, Meta và Pfizer đã chuyển địa điểm tài chính sang Ireland để được hưởng mức thuế doanh nghiệp thấp 12,5% của Ireland – một trong những mức thuế doanh nghiệp hấp dẫn nhất ở các nước phát triển.

Tuy nhiên, Ireland có kế hoạch vào năm 2024 điều chỉnh mức thuế doanh nghiệp tối thiểu của nước này theo tiêu chuẩn toàn cầu là 15%.