Azerbaijan tuyên bố rằng các biện pháp quân sự mà họ gọi là hoạt động “chống khủng bố” tại Nagorno-Karabakh đang tiếp diễn ngày thứ hai liên tiếp. Azerbaijan cho biết họ sẽ không dừng sử dụng vũ lực cho đến khi người Armenia tại Karabakh phải đầu hàng.

Theo RT, Azerbaijan đã phát động “các biện pháp chống khủng bố” tại Nagorno-Karabakh vào hôm thứ Ba (19/9), cáo buộc Armenia đang triển khai quân đội quy mô lớn trong khu vực gây tranh cãi này. Armenia phủ nhận triển khai quân tại khu vực Nagorno-Karabakh vốn được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan.

Trong khi đó, Armenia cáo buộc nước láng giềng Azerbaijan bắt đầu “một chiến dịch xâm lược quy mô lớn khác chống lại người dân ở Nagorno-Karabakh” và cho rằng Azerbaijan đang tìm cách “thanh trừng sắc tộc” tại khu vực này, nơi người Armenia chiếm đa số.

Bộ Quốc phòng Azerbaijan, trong tuyên bố mới nhất, nói rằng quân đội nước này “tiếp tục thành công các hoạt động chống khủng bố” tại Nagorno-Karabakh. Bộ này khẳng định lực lượng vũ trang Azerbaijan đã vô hiệu hóa được các vị trí chiến đấu, phương tiện quân sự, pháo binh, hệ thống phóng tên lửa phòng không, các trạm phát thanh điện tử và các khí tài quân sự khác của Armenia.

Bộ Quốc phòng Azerbaijan trước đó nói rằng “các hoạt động chống khủng bố sẽ dừng lại” nếu “các đội hình của lực lượng vũ trang Armenia đồn trú tại Karabakh” đầu hàng.

Bộ Quốc phòng Armenia đã lên tiếng phủ nhận quân đội của họ hiện diện tại khu vực Nagorno-Karabakh.

Theo BBC, giới chức Nagorno-Karabakh cho biết 27 người đã thiệt mạng, trong đó có hai dân thường, và nhiều người khác đã bị thương kể từ khi xung đột vũ trang leo thang trở lại khu vực này.

Azerbaijan cũng cho biết họ sẵn sàng đàm phán, nhưng khẳng định “các đội hình quân đội Amernia phải giương cờ trắng” và phải giải tán “chế độ bất hợp pháp” tại Karabakh.

Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh thân cận của Azerbaijan, nói rằng Baku đã tiến hành hoạt động quân sự “để đáp trả các cuộc tấn công và khiêu khích vũ trang từ lâu của các thành phần được Armenia vũ trang bất hợp pháp” tại Karabakh.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời nhấn mạnh rằng “tiến trình đàm phán toàn diện” là con đường duy nhất để đạt được hòa bình lâu dài trong khu vực Nagorno-Karabakh.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã điện đàm với cả Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan, và cũng đã kêu gọi cả hai chấm dứt xung đột.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Blinken nói: “Không có giải pháp quân sự và các bên phải nối lại đàm phán để giải quyết những khác biệt nổi bật giữa Baku và người Armenia tại Nagorno-Karabakh”.

Nga cũng đã tái khẳng định kêu gọi các bên ngừng bắn. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói với báo giới: “Phía Nga mạnh mẽ thúc giục các bên xung đột hãy kết thúc cuộc chiến đẫm máu này, lập tức dừng chiến đấu và quay lại giải quyết xung đột thông qua con đường chính trị và ngoại giao”.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres vào sáng thứ Tư (20/9) đã kêu gọi các bên xung đột chấm dứt chiến đấu và “tuân thủ nghiêm túc hơn thỏa thuận ngừng bắn năm 2020, cũng như các nguyên tắc của luật nhân đạo quốc tế”.

Azerbaijan và Armenia xảy ra chiến tranh lần đầu vào đầu những năm 1990 sau khi Liên Xô sụp đổ. Sau đó, vào năm 2020, Azerbaijan chiếm lại các khu vực bên trong và quanh Nagorno-Karabakh trước khi thỏa thuận ngừng bắn được ký kết dưới sự giám sát của lực lượng gìn hòa bình người Nga.

Hải Đăng (t/h)