Hôm thứ Tư (6/12), Chính phủ Ý tuyên bố đã chính thức thông báo cho Bắc Kinh về quyết định rút khỏi sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Điều này cho thấy biện pháp ‘vừa đấm vừa xoa’ của ĐCSTQ trước đó đối với Ý đã không có tác dụng, đồng thời cũng cho thấy kế hoạch bành trướng của ĐCSTQ đã hứng chịu một đòn mới.

Giorgia Meloni
Thủ tướng Ý Giorgia Meloni. (Ảnh: M.Cantile/Shutterstoc)

Bloomberg đưa tin, hôm thứ Tư (ngày 6/12), Ngoại trưởng Ý Antonio Tajani tuyên bố tại một sự kiện ở Rome do hãng thông tấn Adnkronos tổ chức rằng “Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường” đã không “mang lại kết quả như mong đợi” cho Ý và không còn là “vấn đề ưu tiên” của Ý nữa.

Ông Tajani cũng nói thêm rằng các quốc gia không tham gia “​​Vành đai và Con đường” sẽ khá hơn và “đạt được kết quả (kinh tế) tốt hơn”.

Tờ Corriere della Sera đưa tin rằng một lá thư chính thức thông báo cho Trung Quốc về việc rút khỏi “Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường” đã được gửi tới Bắc Kinh gần đây.

Theo Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), một nguồn tin khác của Ý cho biết: “Chúng tôi rất sẵn lòng duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc, mặc dù chúng tôi không còn là thành viên của ‘Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường’”.

Nguồn tin cũng cho biết: “Mặc dù các thành viên khác của các nước G7 nước chưa bao giờ tham gia sáng kiến này, nhưng mối quan hệ của họ với Trung Quốc còn thân thiết hơn quan hệ của Ý với Trung Quốc.”

Trong nhiều tháng, Chính phủ của Thủ tướng Ý Giorgia Meloni đã chuẩn bị chấm dứt việc tham gia vào kế hoạch này của ĐCSTQ dưới thời ông Tập Cận Bình. ​​“Vành đai và Con đường” là dự án hàng đầu của ĐCSTQ nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng và mở rộng ảnh hưởng ở châu Á, châu Phi và Đông Âu. Hơn 150 quốc gia trên thế giới đã ký các thỏa thuận tham gia “Vành đai và Con đường” với ĐCSTQ.

Năm 2019, Rome quyết định ký kế hoạch “Vành đai và Con đường” với ĐCSTQ và trở thành quốc gia G7 duy nhất tham gia thỏa thuận, điều này khiến các đồng minh phương Tây, đặc biệt là Mỹ thất vọng.

Chính phủ Ý do Đảng Phong trào Năm sao lãnh đạo vào thời điểm đó tin rằng việc ký kết “Vành đai và Con đường” sẽ tăng cường thương mại của Ý và đảm bảo đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn.

Nhưng cả 2 điều này không thành hiện thực. Hãng tin AP đưa tin, trong giai đoạn này, thâm hụt thương mại của Ý với Trung Quốc đã tăng từ 20 tỷ euro lên 48 tỷ euro (21,5 tỷ USD lên 51,8 tỷ USD) và khoản đầu tư của ĐCSTQ vào các cảng của Ý, điều trước đây đã được nhấn mạnh trên các tiêu đề truyền thông,  chưa hề được thực hiện. 

VOA cho biết, dữ liệu công khai cho thấy xuất khẩu sang Trung Quốc từ các nước châu Âu như Pháp và Đức, những nước chưa tham gia Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường, đã tăng đáng kể. Năm ngoái, xuất khẩu của Pháp sang Trung Quốc đạt 23 tỷ euro và của Đức là 107 tỷ euro.

Thỏa thuận mà Ý đã ký có thời hạn 5 năm và sẽ hết hạn vào ngày 22/3 năm sau, do đó nước này phải quyết định xem có gia hạn hợp đồng trước cuối năm nay hay không, nếu không chính thức thông báo trước cuối năm cho phía Trung Quốc thì thỏa thuận sẽ tự động được gia hạn thêm thời hạn 5 năm lần thứ hai.

Tuyên bố của Chính phủ Ý hôm 6/12 đã chấm dứt nhiều tháng đồn đoán. Quyết định của Ý gần như chắc chắn sẽ chọc giận Bắc Kinh. Đại sứ ĐCSTQ tại Ý là ông Giả Quế Đức (Jia Guide) đe dọa rằng sẽ có “hậu quả tiêu cực” nếu Ý đưa ra “quyết định liều lĩnh”.

Khi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang, Ý, giống như phần lớn châu Âu, nhận thấy mối quan hệ của mình với ĐCSTQ đang gặp rắc rối.

Tin tức của Ý được đưa ra khi các nhà lãnh đạo EU chuẩn bị thăm Trung Quốc, các nước châu Âu đang cố gắng duy trì sự cân bằng giữa thương mại và đầu tư với Trung Quốc, đồng thời chống lại sự ép buộc kinh tế của ĐCSTQ và phản đối đàn áp nhân quyền.

Để duy trì mối quan hệ chiến lược giữa Ý và Trung Quốc, Ngoại trưởng Ý Tajani và Tổng thống Sergio Mattarella đã lần lượt đến thăm Trung Quốc vào tháng 9 và tháng 10 năm nay. Bà Meloni cũng bày tỏ hy vọng được đến thăm Bắc Kinh nhưng thời gian cho chuyến thăm vẫn chưa được quyết định.

Trí Đạt (t/h)