Chiều 5/10, Binh chủng Hóa học (Bộ Quốc phòng) hoàn thành việc tẩy độc, ngăn ngừa thủy ngân phát tán ra ngoài môi trường tại khu vực nhà xưởng của Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông.

vụ cháy rạng đông
Tổng diện tích tiêu tẩy rộng hơn 30.000 m2, sử dụng 120.000 lít dung dịch, 4 tấn hóa chất để ngăn ngừa thủy ngân. (Ảnh: hanoimoi.com.vn)

Tổng diện tích tiêu tẩy rộng hơn 30.000 m2, gồm diện tích mặt đất, tường, mái tôn… Việc tẩy độc sau vụ cháy tại công ty Rạng Đông do Binh chủng Hóa học (Bộ Quốc phòng) phối hợp với lực lượng của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội thực hiện.

120.000 lít dung dịch và 4 tấn hóa chất đã được lực lượng phòng hóa sử dụng để ngăn thủy ngân phát tán ra ngoài môi trường trong 23 ngày tiêu tẩy (từ ngày 12/9 đến ngày 5/10).

Theo Binh chủng Hóa học, dù tiếp quản từ ngày 12/9, nhưng do diện tích rộng, khối lượng vật liệu, phế thải lớn nên ngày 24/9, lực lượng này mới được bàn giao mặt bằng để tiêu tẩy giai đoạn 1. Thượng tá Đậu Xuân Hoài, Phó Viện trưởng Viện Hóa học và Môi trường quân sự (Binh chủng Hóa học) cho biết ngày 6/10 sẽ bàn giao mặt bằng cho Công ty Rạng Đông.

Trước đó, từ chiều 4/10 đến chiều 5/10, Binh chủng Hóa học đã huy động nhiều cán bộ, chiến sĩ cùng 10 xe đặc chủng (mỗi xe có bồn chứa dung tích 2.500 lít) để tiêu tẩy toàn bộ khu vực hiện trường vụ cháy, đặc biệt là khu vực 2 nhà kho chứa bóng đèn huỳnh quang bị cháy.

Trước đó, tại cuộc họp báo chiều ngày 1/10, ông Mai Trọng Thái, Chi Cục trưởng Chi Cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cho biết hơn 800 tấn chất thải tro xỉ và hơn 1.000 tấn là phế thải xây dựng từ vụ cháy Công ty Rạng Đông đã được vận chuyển thu gom.

Tất cả chất thải đều được đóng bao bì xử lý phun tẩy hóa chất trước khi vận chuyển, đưa chở về Khu xử lý chất thải Nam Sơn để xử lý để hạn chế gây ô nhiễm môi trường.

Nơi lưu trú chất thải là khu nhà trung gian rộng 600 m2, được trải lớp lót nền trên lớp than hoạt tính, bột lưu huỳnh trước khi xếp bao tải chất thải. Chiều cao xếp bao thải không vượt quá 3 m, phía trên phủ bạt tiếp tục trải lớp than hoạt tính, bột lưu huỳnh.

Ngoài ra, từ ngày 12-14/9, khoảng 10 tấn bùn được nạo vét, hút từ hệ thống thoát nước thải xung quanh khu vực nhà máy Rạng Đông với tổng chiều dài hơn 2.400 m, đưa đi xử lý để ngừa nhiễm độc thủy ngân.

Chiều tối 28/8, xảy ra vụ cháy lớn tại nhà kho Công ty cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông. Đến 3h30 ngày 29/8, đám cháy mới được dập tắt.

Ngày 4/9, Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) cho biết 15,1 kg đến 27,2 kg thủy ngân đã phát tán ra ngoài môi trường (không khí, đất, nước) từ vụ cháy. Cũng cơ quan này sau đó cho biết trong đó 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng thủy ngân lỏng có độc tính cao hơn viên Amalgam.

Ngày 12/9, lực lượng phòng hóa của quân đội bắt đầu tiếp nhận việc tẩy độc tại hiện trường vụ cháy Công ty Rạng Đông.

Ngày 17/9, UBND TP Hà Nội dẫn kết luận của Viện Khoa học hình sự – Bộ Công an, kết luận nguyên nhân vụ cháy do bóng đèn led tại tầng 2 của kho bán thành phẩm bị chập điện. Đại diện phòng cảnh sát hình sự Công an Hà Nội khẳng định vụ cháy “không có việc phá hoại do con người”.

Theo TS Nguyễn Hồng Vũ (Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA; Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím), sau ô nhiễm hơi kim loại thủy ngân sau vụ cháy là nguy cơ ô nhiễm thủy ngân dạng hữu cơ. Đây là dạng nhiễm độc thủy ngân rất nguy hiểm. Lượng thủy ngân có thể đi xa khỏi nguồn là nhà kho của Công ty Rạng Đông, tích tụ trong đất, nước (nước mặt và nước ngầm), gây nhiễm độc trong nguồn thực phẩm.

Nguyễn Quân

Xem thêm: