14/17 lô hàng bị EU từ chối và giám sát có mức rủi ro phán quyết là “Nghiêm trọng”. 

hoa chat ton du
Cá biển đông lạnh. (Ảnh minh họa/Shutterstock)

Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU (Bộ Công Thương) cho biết trong giai đoạn từ ngày 1/1 – 1/5/2019, Hệ thống Cảnh báo Nhanh của EU đối với mặt hàng thức ăn và thực phẩm nguy cơ gây rủi do cho sức khỏe cộng đồng (RASFF) thông báo có 9 lô hàng thủy sản và 8 lô hàng nông sản của Việt Nam bị từ chối hoặc giám sát khi nhập vào EU.

Nguyên nhân là những lô hàng này không đáp ứng yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm của EU do chứa các chất vượt mức cho phép hoặc bị cấm sử dụng trong thực phẩm.

8 lô hàng bị từ chối nhập khẩu

Theo RASFF, 8 lô hàng nông sản (hạnh nhân Úc) xuất xứ Việt Nam bị Tây Ban Nha từ chối nhập khẩu với mức rủi ro phán quyết là “Nghiêm trọng”. 

Kết quả giám định cho biết 8 lô hàng đều chứa Aflatoxin, tổng hàm lượng từ 21,7 µg/kg đến trên 24 µg/kg. Trong đó, 7 lô phát hiện có xuất hiện độc tố Aflatoxin B1 với hàm lượng từ 17,2 µg/kg đến bằng và lớn hơn 24 µg/kg.

9 lô hàng bị cảnh báo, giám sát

Trong 9 lô hàng thủy sản (cá và sản phẩm từ cá), có 6 lô hàng có mức rủi ro phán quyết là “Nghiêm trọng“, 3 lô “Không nghiêm trọng”. 

Pháp đánh dấu “Cảnh báo” đối với:

  • lô hàng ngày 24/4 – cá ngừ vây dài (Thunnus alalunga) đông lạnh từ Việt Nam, qua Tây Ban Nha, được chế biến tại Pháp; lượng histamine qua kiểm tra là 1.344 mg/kg – ppm.
  • lô hàng ngày 5/3 – phi lê cá thu ngàng (Wahoo) đông lạnh (Acanthocybium solandri) từ Việt Nam; chất gây ngộ độc ciguatera có trong 4/4 mẫu.

Lô hàng ngày 17/4 bị Pháp đánh dấu “Thông tin cần chú ý”. Kết quả giám định cho thấy có cadmium (0,08 mg/kg – ppm) và thủy ngân (1,78 mg/kg – ppm) trong cá cờ gòn đông lạnh (Makaira indica) từ Việt Nam.

Úc đánh dấu “Thông tin cần theo dõi” đối với lô hàng ngày 16/4 – chất chlorpyrifos (0,069 mg/kg – ppm) và chất fipronil (0,085 mg/kg – ppm) được tìm thấy trong cá Swai phi lê đông lạnh (Pangasius bocourti) từ Việt Nam, qua Đức.

Na Uy đánh dấu “Thông tin cần chú ý” đối với lô hàng ngày 18/3 – vi khuẩn Vibrio cholerae và Vibrio parahaemolyticus có trong tôm đông lạnh từ Việt Nam.

Bỉ đánh dấu “Cảnh báo” đối với lô hàng ngày 12/3 – thủy ngân (1,68 mg/kg – ppm) có trong cá cờ kiếm cắt miếng đông lạnh (Xiphias joyius) từ Việt Nam.

Lô hàng ngày 7/1 bị Bỉ “Từ chối nhập khẩu” do phát hiện chất bị cấm sử dụng Leucomalachite green (LMG) (40,44 µg/kg – ppb) có trong cá da trơn đông lạnh từ Việt Nam.

Hà Lan đánh dấu “Thông tin cần chú ý” đối với lô hàng ngày 25/2 – thủy ngân (1,33; 1,56 mg/kg – ppm) có trong mẫu thịt thăn cá cờ marlin đông lạnh từ Việt Nam.

Thụy Sĩ đánh dấu “Thông tin cần theo dõi” đối với lô hàng ngày 4/2 – chất bị cấm sử dụng azithromycin (21 µg/kg – ppb) có trong cá diêu hồng đông lạnh từ Việt Nam, qua Hà Lan.

Trong giai đoạn 2002-2013, nông sản, thủy sản Việt Nam bị EU từ chối nhập khẩu khoảng 40% sản lượng (do tồn dư kim loại nặng, ô nhiễm vi sinh…), đứng đầu danh sách các nước bị EU từ chối nhập khẩu (tiếp đến là Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan).

Năm 2018, khoảng 80 lô hàng thủy sản của Việt Nam bị EU và các thị trường nhập khẩu cảnh báo không đảm bảo chất lượng và bị trả về.

Thông tin tham khảo

* µg là ký hiệu đơn vị của microgram theo Hệ đo lường quốc tế . 1 microgram = 0,001 milligram (1 µg = 0.001 mg)

Chữ “μ” (M) nằm trong bảng chữ cái Hy Lạp. Đôi khi được thay thế bởi chữ cái Latin thường “u” (mặc dù không chính xác).

* Aflatoxin là một trong các loại độc tố nấm mốc, sản sinh tự nhiên trong quá trình bảo quản và chế biến thực phẩm.

Aflatoxin là loại độc tố nấm mốc nguy hiểm nhất, gồm 6 loại khác nhau (B1, B2, G1, G2, M1 và M3). Aflatoxin B1 là loại cực độc. Một lượng 0,03 ppm (tương đương 30 microgram/kg) aflatoxin B1 từ khô lạc gây ra u gan.

Aflatoxin tác động vào gan và thận gây viêm, nếu kéo dài có thể gây ung thư. (1)

* Histamine (C5H9N3) là một amin sinh học, có tính hút nước, chịu nhiệt cao. Độc tính của histamine phụ thuộc vào tổng lượng histamine ăn phải.

Nếu lượng ăn vào từ 8 mg-40 mg histamine, người nhạy cảm sẽ bị chảy nước mắt, nước bọt; nếu lượng ăn vào từ 1.500 mg-4.000 mg, người ăn có biểu hiện như nhức đầu, đau bụng, tiêu chảy, mạch nhanh, khó thở, nổi ban… (2)

* Ciguatera là độc tố thiên nhiên do tảo vi sinh Dinoflagellate sinh ra. Cá bị nhiễm ciguatera sẽ tích tụ trong đầu, gan, ruột và buồng trứng. 

Triệu chứng thường gặp ở người bị ngộ độc là rối loạn tiêu hóa, ngứa, ngứa, khó thở, rối loạn nhịp tim, mệt, đau nhức bắp cơ, cảm giác tê tê ở đầu các ngón tay, chân. Một điểm khá đặc biệt khác là bệnh nhân có thể bị rối loạn thân nhiệt. (3)

* Cadmium (Cd) là kim loại, tương đối hiếm, mềm, màu trắng ánh xanh và có độc tính, thường tồn tại trong các quặng kẽm, được sử dụng trong hoạt động công nghiệp (sản xuất pin, hoạt động khai khoáng… )

Cd và các dung dịch, các hợp chất của nó là những chất độc hại. Nếu kim loại này bị nhiễm vào nước, đất hoặc không khí, nó có thể gây các nguy cơ trầm trọng về sức khỏe cho cả người và động vật. Ở người, cadmium có thời gian bán thải dài và có thể gây ung thư. Chúng có thể tích tụ ở thận và gây ra suy thận. Cadmium cũng có thể gây ảnh hưởng bất lợi đến khả năng sinh sản.

Tiếp xúc dài ngày trong môi trường có chứa Cd hoặc ăn loại thực phẩm có chứa lượng Cd cao sẽ gây nhiễm độc mãn tính. (4)

* Thủy ngân là kim loại nặng, thường tồn tại ở các dạng hóa học khác nhau, trong đó thủy ngân hữu cơ (methyl thủy ngân) là dạng độc nhất.

Nguồn gốc chủ yếu của thủy ngân hữu cơ trong thức ăn của con người là cá và các sản phẩm thủy sản. Ở người, lượng tiêu thụ thủy ngân vô cơ hàng tuần có thể chấp nhận được là 4 µg/kg thể trọng (tương đương 0,004 mg/kg), đối với methyl thuỷ ngân là 1,3 µg/kg (tương đương 0,0013 mg/kg). 

Methyl thủy ngân được truyền từ phụ nữ mang thai sang thai nhi và có thể làm trẻ bị dị hình, hoặc ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của thai nhi và trẻ sơ sinh, có thể dẫn đến khiếm khuyết về khả năng học tập cũng như tổn hại đến các kỹ năng vận động. (5)

Chlorpyrifos là hoạt chất được sử dụng làm thuốc bảo vệ thực vật (Việt Nam đã đưa vào danh mục cấm sử dụng từ ngày 12/2/2019 – được sản xuất, nhập khẩu tối đa 1 năm, được buôn bán, sử dụng tối đa 2 năm kể từ ngày 12/2/2019).

Chlorpyrifos là chất độc hại đối với con người. Da tiếp xúc với Chlorpyrifos có thể đổ mồ hôi cục bộ và các cơn co thắt cơ bắp không tự chủ. Khi mắt tiếp xúc với Chlorpyrifos có thể gây đau, chảy nước mắt và mờ mắt.

Ngộ độc Chlorpyrifos sẽ ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương, nói líu lưỡi, mất phản xạ, suy nhược, mệt mỏi, co thắt cơ không tự chủ, co giật, và cuối cùng tê liệt tứ chi cơ thể và các cơ hô hấp. Trong trường hợp nghiêm trọng có thể đại tiện không tự nguyện hoặc rối loạn tâm thần, nhịp đập bất thường tim, bất tỉnh, co giật và hôn mê. Có thể chết do suy hô hấp hoặc tim ngừng đập. (6)

* Fipronil là hoạt chất được sử dụng làm thuốc bảo vệ thực vật (Việt Nam đã đưa vào danh mục cấm sử dụng từ ngày 12/2/2019 – được sản xuất, nhập khẩu tối đa 1 năm, được buôn bán, sử dụng tối đa 2 năm kể từ ngày 12/2/2019).

Đây là thuốc thuộc nhóm độc II, phân hủy chậm trong cây trồng, di chuyển chậm trong nước và gần như không di động trong đất. Gây tích lũy sinh học trong chuỗi thức ăn tự nhiên, đặc biệt trong cá và động vật thủy sinh, dẫn đến gây ngộ độc mãn tính cho các loài động vật bậc cao hơn. Rất độc với ong, cá và sinh vật có ích. (7)

* Vibrio cholerae (vi khuẩn tả) là những vi khuẩn hình que hơi cong như dấu phẩy, là tác nhân gây ra bệnh dịch tả. (8)

* Vibrio parahaemolyticus là vi khuẩn có hình dấu phẩy hơi cong và ngắn, ưa mặn, tồn tại trong nước biển và các động vật biển (cá, cua, tôm, sò, ốc…).

V.parahaemolyticus là một trong 3 chủng vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy. Người mắc bệnh chủ yếu là do ăn phải thức ăn hải sản chưa được nấu chín hoặc bị nhiễm khuẩn trong quá trình chế biến và bảo quản. (9)

* Leucomalachite green (LMG) là chất sinh ra trong quá trình chuyển hóa của hợp chất Malachite Green (MG) và thường còn tồn dư trong cá một thời gian dài, ngay cả khi không còn phát hiện MG nữa.

Malachite Green (MG) là một hóa chất thường ở dạng bột mịn, tinh thể có màu xanh lục (còn gọi là phèn xanh) dùng để diệt ốc, diệt  nấm và rong rêu trong nông nghiệp. Khi đi vào cơ thể sinh vật, MG bị phân huỷ thành chất chuyển hoá là LMG.

Trong phạm vi về an toàn thực phẩm, MG tác động trực tiếp lên các loại thuỷ sản như cá, hến, baba, tôm,… đặc biệt là các loại cá nuôi như cá tra, cá basa. Do lượng thuốc sử dụng quá nhiều và bị biến tính khi vào cơ thể sinh vật, để lại lượng tồn dư trong cơ thể sinh vật và gián tiếp là con người.

Đối với người, các nghiên cứu cho thấy MG và LMG làm  tổn thương đến chức năng gan, làm thay đổi chức năng tuyến giáp, thiếu máu, giảm bạch cầu, đột biến gen và có thể là chất gây ung thư trên mô hình thực nghiệm động vật (loài chuột). (10)

* Azithromycin là một loại kháng sinh thuộc nhóm macrolid. Thuốc hoạt động bằng cách ngăn chặn sự tăng trưởng của khuẩn. Thuốc Azithromycin thường được sử dụng để điều trị một số bệnh nhiễm khuẩn như nhiễm khuẩn da và mô mềm, viêm phế quản, viêm phổi, viêm tai giữa, một số bệnh lây truyền qua đường tình dục. (11)

Tháng 12/2013, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cảnh báo cộng đồng rằng azithromycin (Zithromax hoặc Zmax) có thể gây những biến đổi bất thường của hoạt động điện tim, dẫn đến nhịp tim bất thường, có thể dẫn đến tử vong.

FDA khuyến cáo các chuyên gia chăm sóc sức khỏe nên xem xét nguy cơ nhịp tim gây tử vong với azithromycin khi xem xét lựa chọn điều trị cho những bệnh nhân đã có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. (12)

Hoàng Anh – Nguyễn Quân

Nguồn trích dẫn:

(1) Độc tố nấm mốc (Mycotoxin), Trung tâm Dịch vụ Phân tích Thí nghiệm TP.HCM, bản đăng ngày 13/6/2017

(2) Ngộ độc do Histamin trong cá biển, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y Tế, bản đăng ngày 28/11/2011

(3) Một số ký sinh trùng và độc tố nhiễm trong hải sản ảnh hưởng đến sức khỏe con người, Viện Sốt rét – Ký Sinh trùng – Côn trùng Quy Nhơn, bản đăng ngày 01/12/2008

(4) Những chất không mong muốn nhưng có trong hải sản – Cadmium, Tổng cục Thủy sản, bản đăng ngày 9/10/2018

(5) Những chất không mong muốn nhưng có trong hải sản – Thủy ngân, Tổng cục Thủy sản, bản đăng ngày 3/10/2018

(6) Đặc điểm của hoạt chất Chlorpyrifos Ethyl trong phòng trừ sâu hại cây trồng, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Lâm Đồng, bản đăng ngày 10/10/2014

(7) Đặc điểm của hoạt chất Fipronil trong phòng trừ dịch hại cây trồng, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Lâm Đồng, bản đăng ngày 2/6/2015

(8) Vi khuẩn tả (vibrio cholerae), Khoa Vi sinh – Bệnh viện Bạch Mai, bản đăng ngày 13/11/2017

(9) Bệnh viêm đường ruột do Vi-bờ-ri-ô Pa-ra-hê-mô-ly-ti-cút (Vibrio Parahaemolyticus), Viện Pasteur Thành Phố Hồ Chí Minh, bản đăng ngày 31/10/2014

(10) Tìm hiểu chất xanh Malachite và vai trò của chúng trong xét nghiệm phân tìm ký sinh trùng, Viện Sốt rét – Ký Sinh trùng – Côn trùng Quy Nhơn, bản đăng ngày 1/6/2009

(11) Azithromycin là thuốc gì?, Trường Cao đẳng Y dược Sài Gòn

(12) FDA Drug Safety Communication: Azithromycin (Zithromax or Zmax) and the risk of potentially fatal heart rhythms, U.S Food&Drug, bản đăng ngày 3/12/2013

Xem thêm: