Con số 3.050 hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp tại Hà Nội bị trả chậm, trả muộn tương đương với khoảng 3% số hồ sơ đã giải quyết xong.

2020 06 24
Sở Tư pháp Hà Nội. (Ảnh: Hanoi Department of Justice/Google Maps)

Thông tin trên được đưa ra tại báo cáo của UBND TP. Hà Nội gửi Bộ Tư pháp về tình hình cấp phiếu lý lịch tư pháp trên địa bàn và đề xuất thực hiện thí điểm phân cấp cho Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện thực hiện cấp phiếu lý lịch tư pháp.

Phòng Lý lịch tư pháp thuộc Sở Tư pháp Hà Nội hiện có 9 công chức, trong đó 7 người trực tiếp làm việc tại Phòng Lý lịch tư pháp, 2 người làm việc tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính (bộ phận một cửa).

Bộ phận một cửa tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp phiếu lý lịch tư pháp qua 3 hình thức (trực tiếp, trực tuyến và qua bưu chính công ích).

Năm 2023, số lượng hồ sơ đã cấp phiếu lý lịch tư pháp qua 3 hình thức trên gần 98.700 hồ sơ. Số lượng hồ sơ bị trả chậm, muộn là 3.050 hồ sơ.

UBND TP. Hà Nội cho rằng con số trên là bình thường, tương đương tỷ lệ hồ sơ trễ hạn hàng năm. “Hàng năm, tỷ lệ hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp của công dân được giải quyết đúng và trước thời hạn đạt 97%; số hồ sơ trễ hạn chiếm tỷ lệ 3%”, báo cáo của Hà Nội nêu.

Đưa ra nguyên nhân của việc chậm trễ giải quyết hơn 3 nghìn hồ sơ tư pháp, chính quyền Hà Nội cho rằng các trường hợp qua tra cứu, xác minh tại Cơ sở dữ liệu của Sở Tư pháp và Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia (Bộ Tư pháp) cho thấy người yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp từng có hành vi vi phạm pháp luật nhưng không có thông tin về kết quả xử lý cuối cùng. Do đó, Sở Tư pháp phải phối hợp với công an, viện kiểm sát, tòa án (nơi trước đây đã thụ lý, giải quyết vụ việc theo thủ tục tố tụng) để tra cứu, xác minh.

Ngoài ra là các trường hợp người yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp có án tích đã đủ thời hạn đương nhiên xóa án tích theo quy định, Sở Tư pháp Hà Nội phải tiến hành thủ tục xác minh điều kiện đương nhiên xóa án tích tại các cơ quan tố tụng và UBND xã, phường, thị trấn nên không thể trả kết quả đúng hạn.

UBND TP. Hà Nội cho hay hiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và cấp phiếu lý lịch tư pháp theo yêu cầu của công dân hiện nay đã thực hiện trên phần mềm.

Quản lý lý lịch tư pháp dùng chung của Bộ Tư pháp. Các cơ quan tòa án, viện kiểm sát, thi hành án,… thực hiện số hóa, cập nhật thông tin lý lịch tư pháp, thông tin án tích, kết quả chấp hành án, thực hiện thi hành án để cập nhật chung vào cơ sở dữ liệu về lý lịch tư pháp và liên thông, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hệ thống có mục đích chia sẻ thông tin khi người dân thực hiện các thủ tục hành chính yêu cầu có thông tin lý lịch tư pháp.

Chính quyền Hà Nội kiến nghị xác định thủ tục cấp phiếu lý lịch xóa án tích là một thủ tục hành chính riêng, khác với thủ tục đề nghị cấp phiếu lý lịch tư pháp trong trường hợp không có án tích. Việc này để tạo thuận lợi trong việc thực hiện các thủ tục.

Theo đề xuất này, UBND TP. Hà Nội kiến nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền bỏ khâu trung gian là Sở Tư pháp trong quy trình cấp phiếu lý lịch tư pháp – dữ liệu về lý lịch tư pháp do các cơ quan tòa án, thi hành án, các cơ quan chức năng trong quy trình tố tụng nắm giữ, Sở Tư pháp chỉ là khâu trung gian.

Nguyễn Sơn