Mới đây, giới chức TP.HCM vừa công bố 4 doanh nghiệp nợ hơn 73,8 tỷ đồng tiền bắn pháo hoa tại thành phố năm 2018-2019, dù kinh phí cho sự kiện này thường được công bố là do đóng góp, hay còn gọi là xã hội hóa.

kinh phi ban phao hoa
Bắn pháo hoa tại trung tâm TP.HCM trong đêm giao thừa Tết Nguyên đán 2018, nhìn từ cầu Thủ Thiêm. (Ảnh: Kencana Studio/Shutterstock)

Nội dung trên được đề cập trong kết luận thanh tra của Thanh tra TP.HCM đối với việc sử dụng tài chính tại Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM giai đoạn năm 2018 và năm 2019.

Trong hơn 73,8 tỷ đồng “nợ tài trợ”, Công ty TNHH đầu tư phát triển bất động sản Bình Minh nợ hơn 27 tỷ đồng, Công ty TNHH đầu tư xuất nhập khẩu Viễn Đông nợ hơn 46 tỷ đồng, Công ty Megacom Việt Nam nợ 500 triệu đồng, Công ty CP I Sáu Mươi Tám nợ 350 triệu đồng…

Sở Văn hoá và Thể thao TP cho biết nhiều lần đôn đốc, thu nợ từ doanh nghiệp nhưng nợ đọng kéo dài từ năm 2018 đến nay.

Ngoài ra, Thanh tra TP cho rằng Sở Văn hóa và Thể thao báo cáo UBND TP về các nội dung thu, chi và công nợ của các Công ty tham gia thực hiện sự kiện, lễ hội (xã hội hóa) nhưng chưa đề xuất hướng xử lý nợ.

Để xảy ra các thiếu sót này, theo Thanh tra TP, trách nhiệm thuộc về Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao, các phòng chuyên môn nghiệp vụ, cá nhân và các công ty liên quan.

Hiện nguồn tiền bắn pháo hoa được các tỉnh công bố từ nguồn tiền xã hội hóa, trong đó phần đóng góp lớn từ phía doanh nghiệp. Tại TP.HCM, hàng năm, TP thường tổ chức bắn pháo hoa vào các ngày 30/4, 2/9, dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Kinh phí bắn pháo hoa do Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM chịu trách nhiệm huy động. Việc doanh nghiệp nợ tiền tài trợ bắn pháo hoa như trên lần đầu tiên được công bố.

Kinh phí tổ chức các chương trình bắn pháo hoa thường nhiều tỷ đồng. Một số sự kiện tham khảo, như trong đợt 2/9/2016, UBND TP.HCM dự toán kinh phí để tổ chức bắn pháo hoa là hơn 1,9 tỷ đồng, gồm hơn 1,4 tỷ đồng bắn tầm cao tại Đường hầm sông Sài Gòn và 510 triệu đồng bắn tầm thấp ở Công viên Văn hóa Đầm Sen.

Tại Hà Nội, trong Tết nguyên đán 2016, kinh phí dự toán bắn pháo hoa tại 30 điểm (6 trận địa tầm cao và 25 điểm tầm thấp) là 10 tỷ đồng, bắn trong 15 phút.

Hải Phòng trong dịp Tết Nguyên đán 2019 bắn pháo hoa tại 5 điểm. Tổng kinh phí được công bố là trên 7 tỷ đồng, dùng để mua pháo hoa và các chi phí đi kèm; trong đó trên 4,4 tỷ đồng do doanh nghiệp tài trợ (Tập đoàn Vingroup 1 tỷ đồng, Công ty cổ phần đầu tư dịch vụ tài chính Hoàng Huy 1 tỷ đồng, VSIP Hải Phòng 200 triệu đồng, Tập đoàn BRG 100 triệu đồng, Công ty cổ phần nhiệt điện Hải Phòng 100 triệu đồng…).

Sơn Nguyên

Xem thêm: