Báo cáo về thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 do Đoàn Giám sát của Quốc hội thực hiện cho biết sau 5 năm, hơn 150.000 tỷ đồng, 63.200 ha đất được kiến nghị thu hồi; từ Hà Giang đến Bạc Liêu, từ Bộ Tài chính đến Bộ Quốc phòng bị phát hiện sai phạm hàng trăm tỷ đồng, hàng trăm ha đất. 

nguoi ngheo viet nam
Một phụ nữ thu mua phế liệu rong trên đường. (Ảnh minh họa: Romas_Photo/Shutterstock)

Đoàn Giám sát của Quốc hội cho biết nội dung thanh tra, kiểm tra tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm như: đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý tài chính ngân sách…, qua đó “đã phát hiện nhiều vi phạm trong quản lý, sử dụng nguồn vốn nhà nước, tài sản nhà nước và quản lý, sử dụng lao động; kịp thời thu hồi được nhiều tài sản, kinh phí Nhà nước và xử lý nghiêm các vi phạm”.

Trong 5 năm, giai đoạn 2016-2021, Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai 48.947 cuộc thanh tra, kiểm tra thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hoặc có nội dung liên quan thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại 73.253 đơn vị.

Từ đó, cơ quan thanh tra đã kiến nghị thu hồi 71.790 tỷ đồng, 31.287 ha đất; kiến nghị xử lý khác 78.377 tỷ đồng, 31.913 ha đất; tổng cộng kiến nghị xử lý đối với 150.167 tỷ đồng và 63.200 ha đất.

Có 12.416 tổ chức, 42.455 cá nhân bị kiến nghị xử lý hành chính trực tiếp; kiến nghị xử lý hành chính trách nhiệm đối với 1.853 người đứng đầu cơ quan, đơn vị, xử lý hình sự 53 người; kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 330 vụ, 431 đối tượng…

Đáng chú ý, Đoàn Giám sát chỉ rõ những địa phương có vi phạm lớn về đất như Thừa Thiên Huế (23.575,55 ha), Đăk Nông (6.076,23 ha), Hà Giang (1.012,9 ha), Gia Lai (900,87 ha), Sơn La (745,72 ha), Lâm Đồng (531,47 ha), Long An (531 ha), Hà Tĩnh (484,9 ha), Vĩnh Phúc (479,96 ha), Quảng Nam (438,74 ha), Bắc Giang (406,56 ha).

Vi phạm lớn về tiền xảy ra không chỉ ở các địa phương mà còn ở các bộ quan trọng. Tỉnh Đăk Nông đứng đầu danh sách vi phạm với 988,56 tỷ đồng, sau đó là Bộ Tài chính (875,78 tỷ đồng). Danh sách được nối dài với những cái tên như Bắc Ninh (580,81 tỷ đồng), Phú Thọ (695,42 tỷ đồng), Quảng Ninh (405,37 tỷ đồng), Bạc Liêu (569,13 tỷ đồng), Tiền Giang (353,88 tỷ đồng), Bộ Quốc phòng (318,22 tỷ đồng).

STTHành vi sai phạmKiến nghị thu hồi về Ngân sách Nhà nướcKiến nghị khác
1Trong quản lý tài chính, ngân sách6.500 tỷ đồng7.323 tỷ đồng
2Trong quản lý đầu tư, xây dựng4.050 tỷ đồng13.798 tỷ đồng và 14.110.261 USD
3Trong quản lý sử dụng đất đai1.872 tỷ đồng

4.358 ha

469 tỷ đồng

13.095 ha

4Trong quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản367 tỷ đồng216 tỷ đồng
5Trong quản lý, sử dụng vốn tài sản tại doanh nghiệp Nhà nước9.093 tỷ đồng30.038 tỷ đồng

607.840 EUR

14.229.407 USD

6Trong lĩnh vực thuế, bảo hiểm3.633 tỷ đồng5.831 tỷ đồng

Báo cáo cho biết toàn ngành Thanh tra đã hoàn thành 47.793/49.440 kết luận thanh tra, kiểm tra (tỷ lệ 97%).

Sau thanh tra trong 5 năm (có lũy kế của một số cuộc thanh tra, kiểm tra kỳ trước), ngành thanh tra thu hồi được 39.656 tỷ đồng (tỷ lệ 70%) và 3.931 ha đất (tỷ lệ 51%); xử lý vi phạm khác được 26.258 tỷ đồng và 5.234 ha đất.

Có 13.040 tổ chức và 46.755 cá nhân bị xử lý hành chính; 1.428 người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị bị xử lý hành chính trách nhiệm; khởi tố 148 vụ, xử lý hình sự 34 người.

Cùng trong giai đoạn 2016-2021, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện 1.243 cuộc kiểm toán, kiến nghị xử lý tài chính 432.418,9 tỷ đồng. Trong đó, tăng thu ngân sách nhà nước 72.390,7 tỷ đồng; giảm chi ngân sách nhà nước 107.067,6 tỷ đồng; xử lý khác 252.960,6 tỷ đồng.

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 960 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước; đã chuyển 21 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan Cảnh sát điều tra.

Hàng nghìn tỷ, nghìn ha đất ‘bốc hơi’ do đâu?

Theo báo cáo của Đoàn Giám sát của Quốc hội, trong lĩnh vực tài chính, ngân sách, các sai phạm chủ yếu như sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước không đúng mục đích, không đúng đối tượng theo dự toán được giao; mua sắm hàng hóa, trang thiết bị, vật tư không đúng trình tự, thủ tục theo quy định hiện hành của Nhà nước; giá mua sắm cao hơn so với giá thực tế trên thị trường nhiều lần; có những cơ quan, đơn vị mua sắm vượt quá nhu cầu dẫn đến không sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả, gây lãng phí ngân sách Nhà nước…

Với lĩnh vực quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp nhà nước, việc cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước còn chậm, kém hiệu quả, nhiều sai phạm xảy ra trong quá trình định giá tài sản, xác định giá trị doanh nghiệp Nhà nước để cổ phần hóa.

Ngoài ra là dạng sai phạm trích lập các quỹ và việc quản lý, sử dụng quỹ tại doanh nghiệp Nhà nước chưa đúng mục đích, định mức, tiêu chuẩn, chế độ. Hạch toán không đúng kết quả sản xuất, kinh doanh, không đầy đủ doanh thu, tăng không đúng chi phí hoặc chuyển giá ra nước ngoài…

Trong quản lý đầu tư, xây dựng, các sai phạm chủ yếu như lập hồ sơ mời thầu không đúng quy định (đưa ra các tiêu chí có tính chất chỉ định thầu, gài thầu). Khảo sát, lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật, thẩm tra thiết kế, lập dự toán chưa chính xác; áp dụng định mức, đơn giá không phù hợp dẫn đến làm tăng giá trị công trình, gây thất thoát, lãng phí ngân sách. Tiến độ thi công công trình chậm so với hợp đồng, gây lãng phí thời gian và nguồn vốn…

Đặc biệt trong lĩnh vực đất đai, nhiều địa phương để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất đai, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình trái phép. Xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng chưa đảm bảo đúng quyền lợi cho người dân, dẫn đến phát sinh khiếu nại, tạo sơ hở trong chính sách bồi thường, chiếm đoạt tiền của nhà nước như lập hồ sơ kê khai khống diện tích, loại đất, đơn giá, đối tượng nhận tiền bồi thường, hỗ trợ để thu lợi cho lợi ích cá nhân.

Ngoài trục lợi trực tiếp, giới chức các địa phương đã không thực hiện hoặc thực hiện không đúng việc đấu giá quyền sử dụng, dẫn đến thất thoát, lãng phí lớn cho ngân sách Nhà nước. Nhiều chủ đầu tư dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng không đưa đất vào sử dụng, để đất đai bỏ hoang (hoặc sử dụng sai mục đích) trong nhiều năm, gây lãng phí lớn về nguồn lực đất đai của Nhà nước….

Theo đánh giá của đoàn giám sát, phần lớn những sai sót, sai phạm trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đều được phát hiện bởi các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán từ bên ngoài, ít có phát hiện từ thanh tra, kiểm tra nội bộ của các đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng nguồn lực.

“Đây chính là hạn chế cơ bản, quan trọng thể hiện hiệu lực quản lý, quản trị, giám sát…; thậm chí có biểu hiện né tránh để bảo vệ lợi ích cục bộ, tư lợi hoặc tự bào chữa cho những hạn chế tự thân của từng cơ quan, đơn vị thuộc đối tượng giám sát”, Đoàn giám sát của Quốc hội nêu.

Nguyễn Quân