Trước số ca COVID-19 tăng nhanh, Phó Thủ tướng Chính phủ – ông Vũ Đức Đam yêu cầu trong vòng 5 ngày phải tiêm phủ hết mũi 1 vắc-xin COVID-19 cho người trên 18 tuổi tại Nam Bộ và Tây Nguyên. Tại TP.HCM, với nhiều ca COVID-19 tăng tại khu dân cư, khu công nghiệp, Sở Y tế TP đã tái lập 40 trạm y tế lưu động, lập đội phản ứng nhanh.

254093358 251212993710142 385990850407306012 n
Sở Y tế TP.HCM và HCDC họp với giới chức huyện Nhà Bè khi số ca COVID-19 đang tăng nhanh tại đây, sáng 7/11. (Ảnh: HCDC)

Văn phòng Chính phủ Việt Nam ngày 7/11 ra văn bản thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp trực tuyến với các tỉnh miền Tây Nam Bộ và Tây Nguyên về tình hình dịch COVID-19, ngày 5/11.

Đại diện Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID 19 của 8 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, An Giang, Tiền Giang, Đắk Lắk, Gia Lai tham gia họp.

Sau khi nghe báo cáo của các địa phương, ý kiến của Bộ Y tế, Bộ Công an, Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ và thành viên tham gia họp, ông Đam yêu cầu Bộ Y tế nhanh chóng phân bổ vắc-xin, cho các tỉnh thành tại khu vực Nam Bộ và Tây nguyên. Bộ này phải bảo đảm tiêm phủ hết mũi 1 trong vòng 5 ngày cho người trên 18 tuổi tại hai khu vực trên; ngoài ra, tiêm mũi 2 kịp, đủ và tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi.

Ngoài ra, ông Đam yêu cầu Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể, bảo đảm nguồn thuốc để điều trị sớm ngay từ đầu các trường hợp F0 để giảm thấp nhất chuyển nặng, tử vong.

Cùng ngày 5/11, Sở Y tế TP.HCM cho biết do số ca mắc COVID-19 mới mỗi ngày tăng, ngành y tế TP đã kích hoạt 40 trạm y tế lưu động và hình thành đội phản ứng nhanh.

Các đội phản ứng nhanh được lập tại các khu vực quận, huyện có số ca mắc mới tăng cao, do Trung tâm kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) đảm trách. Còn các trạm y tế lưu động với lực lượng là các y, bác sĩ dự bị do các Trung tâm y tế và các bệnh viện đảm trách.

Các bệnh viện công lập và bệnh viện tư nhân phải lập danh sách bác sĩ, điều dưỡng dự bị tham gia trạm y tế lưu động trước ngày 8/11, được yêu cầu phải sẵn sàng hỗ trợ quận huyện chăm sóc và quản lý F0 tại nhà khi được điều động. Luân phiên bác sĩ, điều dưỡng đến công tác tại các bệnh viện dã chiến thành phố, đặc biệt là bệnh viện dã chiến 3 tầng.

Bên cạnh đó, ngành y tế TP củng cố và duy trì khu cách ly điều trị COVID-19 tại mỗi bệnh viện theo mô hình đơn vị hoặc khoa COVID-19 để sẵn sàng tiếp nhận người nghi nhiễm COVID-19 khi đến khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện; các bệnh viện tầng 3 sẵn sàng tiếp nhận các người bệnh do tuyến dưới chuyển đến. Tất cả bệnh viện tầng 2 và tầng 3 phải rà soát, bổ sung thuốc điều trị, dụng cụ, trang thiết bị y tế… sẵn sàng cho việc thu dung điều trị.

Theo HCDC cập nhật ngày 7/11, tại các huyện Nhà Bè, Bình Chánh và quận 12, các ca bệnh COVID-19 mới hầu hết xuất phát từ khu công nghiệp, khu dân cư.

Trong đó, huyện Nhà Bè từ ngày 1/10-4/11, ghi nhận 2.551 ca, trong đó có 1.750 ca xét nghiệm RT-PCR và 801 ca test nhanh kháng nguyên. Huyện Bình Chánh từ đầu tháng 10 đến ngày 7/11 có 6.201 ca qua xét nghiệm test nhanh kháng nguyên và RT-PCR.

Tại quận 12, từ ngày 23/10 đến ngày 7/11 ghi nhận hơn 8.000 ca F0 (bằng xét nghiệm test nhanh và RT-PCR). Riêng tại phường Hiệp Thành – phường quy nhất của quận có khu công nghiệp – đã ghi nhận hơn 1.200 ca. Hiện các ca nhiễm mới tập trung chủ yếu ở công nhân, người dân sống ở các khu nhà trọ.

Nguyễn Sơn

Xem thêm:

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu “cách ly nhanh nhất, hẹp nhất, nghiêm ngặt nhất” sau “zero COVID-19”