Sau khi ăn bánh mì Phượng (TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam), nhiều người bị sốt cao, đau bụng, nôn, đi phân lỏng, phải nhập viện, nghi bị ngộ độc.

91 nguoi ngo doc sau khi an banh mi trong do co 34 nguoi nuoc ngoai
Các mẫu thực phẩm tại Bánh mỳ Phượng Hội An đã được mang đi kiểm nghiệm. (Ảnh: Sở Y tế cung cấp/dẫn qua baoquangnam.vn)

Chiều tối ngày 13/9, thông tin từ Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết số người bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì Phượng ở Hội An lên tới 91 người, trong đó có 34 người nước ngoài. Cơ quan chức năng đã yêu cầu cơ sở này tạm dừng hoạt động.

Đến khoảng 16h30 cùng ngày, đã có 32 trong số 91 người bị ngộ độc xuất viện, một bệnh nhân phải chuyển ra Bệnh viện Sản Nhi Đà Nẵng. Đa số bệnh nhân sức khỏe đã ổn định. Các bệnh viện đang tiếp tục theo dõi.

Tại khu vực hồi sức Bệnh viện Vĩnh Đức có 4 bệnh nhân người nước ngoài đang nằm điều trị, tình trạng chưa cần đến thở máy.

Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) đã có công văn gửi Sở Y tế tỉnh Quảng Nam yêu cầu tạm đình chỉ cơ sở bánh mì Phượng để điều tra nguyên nhân vụ ngộ độc thực phẩm tập thể này.

Cơ sở bánh mì Phượng có địa chỉ số 2B, đường Phan Chu Trinh, phường Minh An, TP. Hội An được xem là địa chỉ nổi tiếng trong vùng và khách du lịch.

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế tỉnh Quảng Nam), trong ngày 11/9, cơ sở bánh mì Phượng bán tổng cộng 1.920 ổ bánh mì, ngày 12/9 bán tổng cộng 1.700 ổ bánh mì.

Sau khi xảy ra sự việc nhiều người bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì, Trung tâm Y tế TP. Hội An đã giám sát, kiểm tra cơ sở bánh mì Phượng.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế TP. Hội An, 10 loại thực phẩm danh mục chế biến của cơ sở này được lấy từ nhiều nguồn khác nhau. Nhưng khi điều tra, cơ sở này chỉ lưu giữ hợp đồng cung cấp thực phẩm với các hộ Đào Thị Thân, Võ Thị Tuấn, Phạm Thị Liễu.

Các cơ sở cung cấp khác không có hợp đồng, đồng thời cơ sở cũng không lưu giữ giấy tờ về an toàn thực phẩm của các cơ sở cung cấp nguyên liệu thực phẩm.

Khu vực sơ chế của cơ sở này chưa đảm bảo vệ sinh, chưa phân biệt giữa khu vực bảo quản nguyên liệu, thực phẩm, khu vực sơ chế, chế biến và khu vực khác. Cơ sở cũng không lưu bánh mì, sốt trứng gà tươi trong số lượng món ăn trong 1 ngày.

Không có dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải đảm bảo vệ sinh (thùng rác tại khu vực sơ chế, chế biến không có nắp đậy). Các dụng cụ sơ chế, chế biến chưa đảm bảo vệ sinh (máy xay thịt).

Thức ăn nghi ngờ gây ngộ độc bao gồm bánh mì (pa tê, thịt xíu gồm thịt và nước, xíu mại, rau răm, rau húng, hành, xà lách, sốt trứng gà tươi (trứng gà + dầu ăn), dưa leo, đu đủ chua, chả heo).

Theo khai báo của 46 bệnh nhân ngộ độc đang điều trị tại Trung tâm Y tế Hội An, Bệnh viện Thái Bình Dương, Phòng khám Khang Cường, Bệnh viện Đa Khoa Vĩnh Đức, đều ăn bánh mì (đã qua chế biến) mua tại cơ sở bánh mì Phượng.

Đoàn điều tra, giám sát và xử lý ngộ độc thực phẩm đã lấy mẫu có liên quan để gửi kiểm nghiệm. Sau khi có kết quả, đoàn điều tra sẽ kiến nghị xử lý theo quy định.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã chỉ đạo các đơn vị  tiếp tục cấp cứu và điều trị tích cực, đảm bảo hồi phục sức khỏe cho các bệnh nhân vụ ngộ độc sau khi ăn bánh mì tại cơ sở bánh mì Phượng.

Cục này yêu cầu địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tại địa phương; phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (nếu có).

Thạch Lam