Trong phiên tòa phúc thẩm ngày 4/4, bị cáo Nguyễn Phương Hằng được HĐXX quyết định giảm án 3 tháng tù, dù bà này chỉ xin chứ không gửi đơn kháng cáo.

ba phuong hang
Bà Nguyễn Phương Hằng tại phiên xét xử phúc thẩm, ngày 4/4/2024. (Ảnh chụp màn hình/
Truyền Hình Quốc Hội Việt Nam/Youtube)

Ngày 4/4, TAND cấp cao tại TP.HCM đã mở phiên tòa phúc thẩm xem xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của Đặng Anh Quân (cựu giảng viên Trường đại học Luật TP.HCM) và Nguyễn Thị Mai Nhi, Huỳnh Công Tân, Lê Thị Thu Hà (nhân viên Công ty CP Đại Nam) về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Dù không kháng cáo và đang chấp hành án tù nhưng bị cáo Nguyễn Phương Hằng vẫn được triệu tập đến phiên tòa để phục vụ công tác xét xử.

Trong phần tuyên án tối cùng ngày, dù bà Phương Hằng không kháng cáo, tòa phúc thẩm đã giảm án đối với bà này từ án 3 năm tù (sơ thẩm) xuống còn còn 2 năm 9 tháng tù (giảm 3 tháng tù).

Bị bắt từ ngày 24/3/2022, tính đến ngày 4/4, bà Hằng đã thi hành án được 2 năm 11 ngày.

Phán quyết này gây bất ngờ, khi TAND cấp cao xác định tòa sơ thẩm đã xét xử các bị cáo đúng người, đúng tội. Trong đó, bà Hằng có vai trò chủ mưu, ông Quân có vai trò giúp sức tích cực, các bị cáo còn lại có vai trò hạn chế hơn.

Tại phần tranh luận, luật sư Hồ Nguyên Lễ (bào chữa cho 3 bị cáo là cựu nhân viên của bà Hằng và cho bà Hằng tại phiên sơ thẩm) đã đề nghị HĐXX xem xét giảm án cho bà Hằng, với lý do bà đã nộp tiền bồi thường thiệt hại, tiền án phí dân sự sơ thẩm, có thể xem là tình tiết giảm nhẹ mới.

Về phía bà Hằng, trong phần phát biểu, bà Hằng khóc nói: “Bị cáo là người vợ, người mẹ tốt và có ích xã hội. Chỉ mong tòa giảm cho bị cáo dù chỉ 1 ngày vì đã đóng góp nhiều cho xã hội. Mong tòa cho một chút danh dự, dù bị cáo phạm tội”.

Tuy nhiên, chủ tọa ngắt lời, giải thích theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, bà không kháng cáo nên HĐXX không có cơ sở xem xét.

Tại phần tuyên án, giải thích về mức án mới đối với bà Hằng, HĐXX cho rằng dù không kháng cáo nhưng ở cấp phúc thẩm, bà Hằng tỏ ra rất hối hận về hành vi của mình và đã nộp tiền bồi thường tổn thất tinh thần, án phí…, nên HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, căn cứ Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự.0

4 bị cáo còn lại trong vụ án đều được chấp nhận giảm mỗi người 6 tháng tù. Theo đó, bị cáo Đặng Anh Quân (tiến sĩ luật, giảng viên Trường đại học Luật TP.HCM) được giảm từ 2 năm 6 tháng tù xuống 2 năm tù (bị tạm giam ngày 24/2/2023); các bị cáo là nhân viên Công ty CP Đại Nam, gồm Huỳnh Công Tân (Trưởng phòng Truyền thông Công ty CP Đại Nam), Nguyễn Thị Mai Nhi (trợ lý của bị cáo Nguyễn Phương Hằng), Lê Thị Thu Hà (nhân viên Công ty CP Đại Nam) được giảm từ 1 năm 6 tháng xuống 1 năm tù.

Đối với kháng cáo của người có quyền, nghĩa vụ liên quan – cựu nhà báo Hàn Ni và bà Đinh Thị Lan, HĐXX cho rằng không có căn cứ chấp nhận, bởi tòa sơ thẩm tuyên các bị cáo phạm tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân là đúng pháp luật.

Khoản 1 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định:

“Khi có căn cứ xác định bản án sơ thẩm đã tuyên không đúng với tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội, nhân thân bị cáo hoặc có tình tiết mới thì Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm có quyền sửa bản án sơ thẩm như sau:

a. Miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt cho bị cáo; không áp dụng hình phạt bổ sung; không áp dụng biện pháp tư pháp;
b. Áp dụng điều, khoản của Bộ luật hình sự về tội nhẹ hơn;
c. Giảm hình phạt cho bị cáo;
d. Giảm mức bồi thường thiệt hại và sửa quyết định xử lý vật chứng;
đ. Chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn;
e. Giữ nguyên hoặc giảm mức hình phạt tù và cho hưởng án treo”.

Cả bị cáo và bị hại đều bị án tù theo Điều 331

Bản án sơ thẩm do TAND TP.HCM đưa ra hồi tháng 9/2023 xác định từ tháng 3/2021 đến tháng 3/2022, bà Hằng và 4 đồng phạm thông qua 12 tài khoản mạng xã hội đã thực hiện 57 buổi livestream tại nhà riêng trên đường Nguyễn Thông (quận 3, TP HCM) và Khu du lịch Đại Nam (Bình Dương).

Nội dung các buổi livestream là bịa đặt, sai sự thật, xúc phạm nghiêm trọng uy tín, danh dự các cá nhân.

HĐXX kết luận các bị cáo đã đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc về bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trái quy định đối với 10 người: ông Võ Nguyễn Hoài Linh (nghệ sĩ Hoài Linh), bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh), bà Đặng Thị Hàn Ni (nhà báo, luật sư), ông Nguyễn Đức Hiển (nhà báo), bà Trần Thị Thủy Tiên (ca sĩ Thủy Tiên) và chồng là ông Lê Công Vinh, ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng), bà Ðinh Thị Lan, bà Lê Thị Giàu, bà Trương Việt Hà.

TS Đặng Anh Quân tham gia 11 buổi livestream với vai trò cố vấn pháp lý.

TAND TP.HCM tuyên phạt các bị cáo Nguyễn Phương Hằng 3 năm tù; Đặng Anh Quân 2 năm 6 tháng tù; 3 đồng phạm Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà và Huỳnh Công Tân cùng 1 năm 6 tháng tù, cùng về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, Điều 331 Bộ Luật hình sự.

Các bị cáo phải liên đới bồi thường cho nhà báo Hàn Ni, bà Đinh Thị Lan 18 triệu đồng.

Vẫn TAND TP.HCM, ngày 1/3, tuyên phạt đối với hai luật sư là bà Đặng Thị Hàn Ni và ông Trần Văn Sỹ lần lượt 1 năm 6 tháng tù và 2 năm tù, cùng về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, Điều 331 Bộ Luật hình sự. Hai bị cáo bị tạm giam từ ngày 24/2/2023.

Theo HĐXX, hai bị cáo bị tuyên án vì xâm phạm bí mật thông tin cá nhân và đời sống riêng tư của bà Nguyễn Phương Hằng; xúc phạm danh dự, uy tín ông Huỳnh Uy Dũng và Công ty CP Đại Nam.

Cáo trạng cho biết bà Hàn Ni khai bản thân có những phát ngôn như thế là do bà Hằng ghi hình phát trực tiếp trên mạng xã hội có những lời lẽ xúc phạm mình nên phải phản biện lại.

Ông Sỹ khai do bà Hằng nhục mạ nghệ sĩ, báo chí, đòi “phong sát” giới nghệ sĩ, có những lời lẽ trái với “thuần phong mỹ tục”… nên ông góp tiếng nói làm hạn chế ảnh hưởng của bà Hằng mà theo ông này là “tiêu cực”.

Trên kênh Youtube cá nhân, luật sư Trần Văn Sỹ có nhiều ý kiến phân tích đối với vụ án Tịnh Thất Bồng Lai (“Thiền Am bên bờ vũ trụ”), chỉ ra những bất cập trong quá trình điều tra, xét xử.

Minh Sơn