15/63 tỉnh thành của Việt Nam đề nghị trung ương cấp gạo cứu đói dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và giáp hạt 2024. Trong đó, có 3 tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long – vùng sản xuất, xuất khẩu lương thực, cây ăn trái nhiệt đới lớn nhất cả nước.

gao cuu doi
Bông lúa trên cánh đồng. (Ảnh: Xuanhuongho/Shutterstoks)

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết đến ngày 12/1, có 15 tỉnh đề nghị trung ương cấp gạo cứu đói dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và giáp hạt 2024.

Các tỉnh gồm Bạc Liêu, Bắc Kạn, Bình Định, Bình Phước, Cao Bằng, Cà Mau, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Hà Giang, Kon Tum, Nghệ An, Ninh Thuận, Quảng Bình, Sóc Trăng…

Tổng số gạo được đề nghị hỗ trợ là trên 14.100 tấn, nhằm cứu đói cho hơn 181.000 hộ với khoảng 935.000 nhân khẩu. Trong đó, có trên 11.500 tấn gạo cứu đói dịp Tết Nguyên đán sắp đến, tương ứng khoảng 770.000 nhân khẩu.

Hiện danh sách trên đã được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trình Thủ tướng xem xét phê duyệt.

So với danh sách xin gạo cứu đói dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và giáp hạt năm 2023, số tỉnh giảm từ 17 xuống 15, song nhóm các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long tăng từ 2 lên 3 tỉnh, bổ sung thêm Cà Mau. Hồi tháng 8/2021, tỉnh Cà Mau xin cấp 2.862,330 tấn gạo hỗ trợ cho người dân trong đợt dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán).

Ngày 4/1, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký quyết định xuất cấp không thu tiền 3.545,025 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Sóc Trăng để hỗ trợ trong dịp Tết Nguyên đán 2024.

Theo quy trình, Bộ Tài chính và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm về căn cứ, thông tin, số liệu báo cáo việc cấp gạo. UBND tỉnh Sóc Trăng chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo và thực hiện hỗ trợ gạo cứu đói kịp thời gian, đúng người và đúng định mức theo quy định.

Minh Sơn