Bài thơ “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” của tác giả Tòng Văn Hân (người dân tộc Thái ở Điện Biên) giành giải B cuộc thi thơ báo Văn Nghệ 2019-2020 đang là đề tài gây tranh cãi trong dư luận.

me toi chui ke trom
Tác giả Tòng Văn Hân và bài thơ giành giải B. (Ảnh: 1thegioi.vn)

Báo chí nhà nước cho biết hôm 9/4, Ban tổ chức (BTC) báo Văn Nghệ – cơ quan ngôn luận của Hội nhà văn Việt Nam đã tổ chức trao giải cuộc thi Thơ 2019-2020.

Theo kết quả công bố, cuộc thi năm không giải A, giải chỉ được trao cho 12 tác giả, trong đó có 2 giải B, 4 giải C, 6 giải khuyến khích.

Cuộc thi tổ chức kéo dài từ năm 2019 đến năm 2020 và trao giải trong năm 2021. BTC cho biết “Cuộc thi được tổ chức với mục đích góp phần nâng cao chất lượng thơ, đáp ứng yêu cầu phát triển văn học trong tình hình mới; đồng thời cuộc thi cũng là cơ hội để tìm kiếm, phát hiện những tài năng văn học trẻ”.

Trong báo cáo tổng kết, nhà văn Khuất Quang Thụy – Tổng biên tập báo Văn nghệ, trưởng BTC cuộc thi đã khẳng định: “Về nội dung, tác phẩm đã phản ánh được nhiều góc độ đa chiều trong cuộc sống. Về nghệ thuật, với phương châm khuyến khích mọi sự tìm tòi và cách tân trong hình thức biểu đạt, cuộc thi Thơ của báo Văn nghệ đã xuất hiện nhiều giọng thơ có cá tính; nhiều tác giả mới mẻ mà sáng tác của họ phần nào thể hiện sự tìm tòi tích cực, có trí tuệ, có khao khát. Đó là những dấu hiệu đáng mừng của một cuộc thi”.

Thế nhưng, sau khi giải được công bố, dư luận tại Việt Nam đã có phản ứng gay gắt khi BTC trao giải B cho bài “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” của tác giả Tòng Văn Hân (người dân tộc Thái ở Điện Biên).

Mẹ tôi chửi kẻ trộm
(Tòng Văn Hân)

Những lần gà nhà tôi bị mất
Mẹ tôi chửi:
– Cái đứa trộm gà ơi
Ta cầu mong cho ngươi
Nuôi được gà đầy đàn
Lứa này tiếp lứa khác
Có nhiều gà nhất bản
Có nhiều gà nhất mường!

Những lần lợn con nhà tôi bị mất
Mẹ tôi chửi:
– Đứa nào trộm lợn nhà tôi
Thì hãy có nhiều lợn
Đàn tiếp đàn núc ních
Lứa tiếp lứa không ngừng
Bán được nhiều tiền nhé!

Từ thuở bé đến giờ
Hễ nhà mình mất gà mất lợn
Tôi đều nghe thấy mẹ tôi chửi như thế
Cầu mong cho kẻ trộm kia khá giả
Không bao giờ đến nhà tôi ăn trộm nữa.

Tôi là đứa con gái dưới mức bình thường
Nhan sắc không bằng đám bạn
Khéo léo không bằng người ta
Thế mà có hẳn bốn nhà
Muốn được tôi làm con dâu của họ.

Trên trang cá nhân, nhà thơ Trần Mạnh Hảo cho rằng Ban giám khảo giải thơ đã trao giải cho “bài thơ dở nhất nước”. Bài “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” thuộc “trường phái “tân con cóc” phi thơ, vớ vẩn, dễ dãi, dông dài và lưu manh“. Ông không chấp nhận thể loại thơ “hậu hiện đại” xóa nhòa ranh giới thơ và văn xuôi một cách dễ dãi và nhảm nhí như vậy.

Còn nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cho rằng ý tưởng “phúc đức tại mẫu” trong bài Mẹ tôi chửi kẻ trộm rất được. Người mẹ có tấm lòng rộng lớn thì người con sẽ gặp nhiều báo đáp may mắn. Tuy nhiên, tác giả Tòng Văn Hân viết quá vụng về nên phơi bày sự ngây ngô.

Ông Nhơn nói thêm, tác giả không có lỗi khi nỗ lực dự thi và đột ngột được giải cao. Đây là trách nhiệm của người cầm cân nảy mực trong Ban chung khảo. Việc động viên Tòng Văn Hân là cần thiết nhưng không thể khích lệ theo kiểu ban phát giải thưởng một cách chủ quan, dễ dãi. “Trong cơn suy thoái chung của báo chí, tờ Văn Nghệ không còn giữ được chất lượng như xưa nữa”, ông Nhơn nói.

Ngoài ra, nhiều ý kiến khác còn cho rằng “đó không phải là thơ” bởi cách thể hiện gần như “văn nói” không có vần điệu. Bài viết cũng cho thấy cách kể chuyện của tác giả rất “trong sáng và ngây ngô”.

Không chỉ dừng lại ở việc chê nội dung bài thơ, cư dân mạng còn cho rằng BTC, ban giám khảo tại sao trao giải cho một bài thơ như thế. “Mẹ tôi chửi kẻ trộm được chọn đăng trên báo, đã là một sự châm chước. Còn trao giải cho bài thì hơi xem thường độc giả và xem thường thơ ca”, một độc giả nói.

https://trithucvn.co/van-hoa/mot-so-kinh-nghiem-ve-20-nam-nen-giao-duc-mien-nam-trich.html

Bài thơ thú vị ở sự nhân văn, độ lượng?

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Hữu Thỉnh – Chủ tịch hội đồng chung khảo của giải thơ nói rằng “thơ của Tòng Văn Hân rất được”. Theo ông Thỉnh, bài thơ bị nhiều người mang ra “cười cợt” nhưng thực ra rất thú vị ở sự nhân văn, độ lượng.

“Lý thường, khi chửi kẻ trộm người ta sẽ nguyền rủa kẻ trộm gặp những tai ương, đây “mẹ tôi chửi kẻ trộm” lại mong cho kẻ trộm đủ ăn, giàu có, tử tế lên để không phải đi ăn trộm nữa. Tư tưởng đó nhân văn vô cùng, tâm hồn rất cao thượng, độ lượng.

Lấy ân báo oán thì oán giảm đi, lấy oán báo oán thì oán chồng chất. Đấy là đạo lý rất hay của dân tộc mình”, ông Hữu Thỉnh lý giải về cái tứ thơ khiến ông rất thích và xúc động.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng rõ ràng là cuộc thi chưa được như mình mong đợi nhưng nó có quá tồi tệ như dư luận phản đối không? Tôi thấy không phải. Chúng ta quá cực đoan nên có những lời thóa mạ nặng nề. Thực chất cũng không đến mức như thế.

“Bài “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” có tứ rất hay. Rất nhân văn. Cách viết mộc, thật thà. Đúng là cách nghĩ cách nói của đồng bào dân tộc.

Tuy nhiên, về nghệ thuật bài thơ không có gì. Nhưng để mộc thế này lại hiệu quả. Để viết có vần có ngôn ngữ bóng bẩy chả khó gì. Nhưng như thế sẽ mất đi sự chất phác. Cách viết như tác giả là hợp lý: chân mộc.

Bài thơ không vần điệu, ngôn ngữ không đặc biệt nhưng chân thật. Cái hay của bài thơ cũng là ở chỗ đó. Tôi cho rằng, đó là bài thơ hay! Nhưng không toàn bích, nếu toàn bích nó đã giải nhất rồi!”, ông Khoa nói trên báo Dân Trí.

Còn nhà văn Khuất Quang Thụy – Tổng biên tập báo Văn Nghệ, trưởng BTC nói ông ủng hộ và tôn trọng tất cả quyết định của hội đồng chung khảo gồm những nhà thơ, nhà văn như: Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Đức Mậu.

Ông Thụy cũng thừa nhận cuộc thi chưa phải là thành công, Nhưng ông khẳng định ban tổ chức “rất trong sáng”, còn văn chương thì người yêu người ghét, người này hài lòng người kia không là chuyện bình thường.

Hoàng Minh

Giáo dục con người không phải là nuôi cho lớn, làm cho thi đỗ