Đó là nhận định của Phó thủ tướng Lê Văn Thành tại buổi làm việc với các địa phương vào hôm 29/12 về tiến độ đầu tư tuyến vành đai 3 và 4 tại TP.HCM.

vanh dai 3 tphcm 1
Dự án Vành đai 3 dài 98 km, đi qua TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An, chia làm 4 đoạn: Tân Vạn – Bình Chuẩn, Tân Vạn – Nhơn Trạch, Bình Chuẩn – Quốc lộ 22 và Quốc lộ 22 – Bến Lức. (Ảnh: vietnamfinance.vn)

Dự án Vành đai 3 dài 98 km, đi qua TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An, chia làm 4 đoạn: Tân Vạn – Bình Chuẩn, Tân Vạn – Nhơn Trạch, Bình Chuẩn – Quốc lộ 22 và Quốc lộ 22 – Bến Lức.

Phó Chủ tịch Thường trực TP.HCM Lê Hòa Bình cho biết dự án được Thủ tướng phê duyệt cách đây hơn 10 năm nhưng hiện chỉ có đoạn Tân Vạn – Bình Chuẩn (thuộc tỉnh Bình Dương) dài hơn 15 km hoàn thành. Dự án 1A đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch, tổng vốn hơn 6.000 tỷ đồng (bằng vốn ODA), dự kiến khởi công quý 1/2022.

Ngoài dự án 1A, những phần còn lại chưa khép kín của Vành đai 3 hiện được nghiên cứu đầu tư giai đoạn một với tổng vốn hơn 83.000 tỷ đồng.

Theo Phó thủ tướng Lê Văn Thành, tuyến vành đai đi qua nhiều khu vực đất nông nghiệp nhưng tổng mức đầu tư như vậy quá lớn. Ông phân tích chi phí xây dựng Vành đai 3 khoảng 400 tỷ đồng mỗi km, nếu tính cả phần giải phóng mặt bằng sẽ lên khoảng 1.000 tỷ đồng.

Ông Thành nói nếu so với xây dựng mỗi km cao tốc Bắc – Nam khoảng 140 tỷ đồng, vốn đầu tư cho Vành đai 3 như vậy quá cao. Do đó, ông cho rằng “cần tính toán lại bởi không cẩn thận sẽ tính toán dự trù sai dẫn đến chủ trương đầu tư sai”.

Giải thích về vấn đề trên, lãnh đạo các tỉnh thành cho biết chi phí giải phóng mặt bằng dự án cao dẫn tới tổng mức đầu tư dự án lớn. Không như cao tốc Bắc – Nam, Vành đai 3 đi qua đô thị, băng qua nhiều nút giao phải đầu tư đồng bộ…

Theo chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi, hiện việc đầu tư đường Vành đai 3 theo phương thức đối tác công tư (PPP – hợp đồng BOT) không khả thi do thời gian hoàn vốn cho dự án kéo dài 29 năm nên khó hấp dẫn nhà đầu tư.

Do đó, TP.HCM và các địa phương kiến nghị Trung ương bố trí ngân sách từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội để đầu tư dự án. Trường hợp ngân sách Trung ương không đủ, có thể hỗ trợ riêng phần giải phóng mặt bằng, còn xây lắp do các tỉnh thực hiện.

Ông Mãi cho hay TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An bị thiệt hại nặng nề do đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 nên việc bố trí vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội cho dự án này là thiết thực nhất để giúp đỡ 4 địa phương.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng rất khó hỗ trợ vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội để đầu tư dự án, vì nguồn vốn dự án quá lớn.

“Muốn đẩy nhanh dự án phải có một cơ quan đầu mối và có đề án nghiên cứu tổng thể. Ngoài ra, trong từng đoạn phải tách ra chứ không phải đầu tư công hết”, bà Ngọc nói.

Với dự án Vành đai 4, tuyến đường đi qua 12 huyện của 5 tỉnh/thành phố, dài 199km, quy mô 8 làn xe. Đến nay, Bình Dương đã đầu tư được khoảng 21km bằng ngân sách địa phương, hiện đang tiếp tục nghiên cứu đầu tư mở rộng theo quy hoạch. Bình Dương và Đồng Nai cũng đã hợp tác đầu tư cầu Thủ Biên qua sông Đồng Nai kết nối 2 tỉnh. Long An đã đầu tư và đang khai thác đoạn Hựu Thạnh – Bến Lức dài 17,25km bằng hình thức hợp đồng BOT.

Với dự án này, ông Thành yêu cầu việc đầu tư sẽ giao các UBND các tỉnh thành là cơ quan có thẩm quyền. “Các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ khảo sát, thiết kế, lập dự án đầu tư, kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP có hỗ trợ từ ngân sách”, ông Thành nói.

Kim Long

Xem thêm:

https://trithucvn.co/tin-tuc-vn/tp-hcm-kien-nghi-chinh-phu-trien-khai-duong-vanh-dai-3.html