Trong năm 2022, theo công bố, trên 364.000 tỷ đồng tài sản trong các vụ án tham nhũng đã bị tạm giữ, kê biên, phong tỏa, tăng hơn 10 lần so với năm 2021. Ngoài yêu cầu đẩy nhanh tiến độ đối với 10 “đại án” Việt Á, AIC, Vạn Thịnh Phát…, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trực (thuộc Bộ Chính trị) chính thức đưa vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT) vào “diện chỉ đạo”.

bo chinh tri viet nam chinh thuc dua vu an tai cuc dang kiem vao dien chi dao
Ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam trong cuộc tiếp xúc với báo giới ngày 12/1/2023. (Ảnh: xaydungchinhsach.chinhphu.vn)

Ngày 12/1, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (sau đây gọi là Ban Chỉ đạo) họp phiên thứ 23, kiểm điểm kết quả hoạt động năm 2022, chương trình công tác năm 2023, do Trưởng ban – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì.

Theo tin công bố, trong năm 2022, tổng cộng có 493 vụ/1.123 bị can bị khởi tố mới về tội tham nhũng, tăng 163 vụ/328 bị can so với năm 2021.

Nhiều bị can là quan chức cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang; trong đó có 17 quan chức cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Tổng số tài sản trong các vụ án tham nhũng bị các cơ quan tiến hành tố tụng tạm giữ, kê biên, phong tỏa là trên 364.000 tỷ đồng, tăng hơn 10 lần so với năm 2021. Tổng số tiền bị cơ quan thi hành án dân sự thu hồi là 27.400 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2021.

Ban Chỉ đạo yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, kết thúc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm trong năm 2023 đối với 10 vụ án “trọng điểm” theo kế hoạch.

Ngoài ra, vụ án Đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, giả mạo trong công tác xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT) do Bộ Công an khởi động từ cuối 2022 chính thức được đưa vào diện Ban Chỉ đạo chỉ đạo, do vụ này “không phải là tham nhũng vặt mà có hệ thống, có tổ chức, quy mô rất lớn” – ông Nguyễn Thái Học – Phó trưởng ban Nội chính trung ương trích dẫn đánh giá của Ban Chỉ đạo tại họp báo.

Ngay đối với vụ án đã được đưa ra xét xử cũng chưa phải là kết thúc. Như vụ án tại Công ty AIC, ông Học cho biết đã đưa ra xét xử sơ thẩm song “không phải đã xong tất cả”.

“Các sai phạm của AIC liên quan địa phương nào, bộ, ngành nào, các cơ quan chức năng bao gồm các ủy ban kiểm tra và cơ quan điều tra đang tập trung làm rõ để xử lý”, ông Học cho biết.

10 vụ án “trọng điểm” theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo:

  • Vụ án xảy ra tại Công ty CP Công nghệ Việt Á, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hải Dương và các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan;
  • Vụ án xảy ra tại Học viện Quân y Bộ Quốc phòng (liên quan đến hợp tác nghiên cứu, sản xuất kit test COVID-19 với Công ty Việt Á);
  • Vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan (thường gọi là vụ “chuyến bay giải cứu”);
  • Vụ án xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty Chứng khoán BOS, Công ty CP Xây dựng Faros và các công ty có liên quan;
  • Vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh;
  • Vụ án xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty CP Tập đoàn đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan;
  • Vụ án xảy ra tại Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, Công ty AIC và các đơn vị có liên quan;
  • Vụ án xảy ra tại Dự án khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 (phường Phú Hài, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận);
  • Vụ án xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi (giai đoạn II);
  •  Vụ án xảy ra tại khóm 5, phường Châu Phú An, TP. Châu Đốc (tỉnh An Giang).

539 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái

Trong năm 2022, 539 đảng viên đã bị thi hành kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái, có 47 cán bộ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (tăng 15 trường hợp so với năm trước);

5 đảng viên bị cho thôi giữ chức Ủy viên Trung ương Đảng (khóa XIII).

2 Phó Thủ tướng Chính phủ, 3 Thứ trưởng và tương đương, 1 Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp than-khoáng sản Việt Nam (TKV) bị cho thôi giữ chức vụ.

3 chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND tỉnh bị cho từ chức, miễn nhiệm theo diện cán bộ bị xử lý kỷ luật, uy tín giảm sút.

Kiểm toán kiến nghị xử lý tài chính, thu hồi 82.560 tỷ đồng và 883 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 3.530 tập thể và 8.619 cá nhân.

557 vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng bị chuyển sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý, tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2021.

Đáng lưu ý, trong các cơ quan chống tham nhũng, trong năm 2022 có trên 200 cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật do có sai phạm liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, với 74 trường hợp bị chuyển sang xử lý hình sự.

Đối với mảng tuyên truyền của chính quyền, cuộc họp báo xác nhận trong năm 2022, tổng cộng đã các cơ quan báo chí đã đăng tải 11.607 tin bài, phóng sự về kết quả nổi bật của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tăng hơn 2 lần so với năm 2021, “khẳng định và lan tỏa quyết tâm của Đảng, Nhà nước”, “tạo sự đồng thuận, ủng hộ cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân”.

Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Nguyễn Tô An: ‘Cảm ơn công an đã phát hiện…’

Sáng 12/1, trong cuộc gặp báo chí, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Tô An cho hay bấy lâu nay, người dân khi đi đăng kiểm muốn phương tiện nhanh chóng đạt tiêu chuẩn để tiếp tục lưu hành, thậm chí có lỗi thì chi tiền bồi dưỡng, “làm hư” đăng kiểm viên. Một số đăng kiểm viên không có bản lĩnh, không chiến thắng được lòng tham.

“Chúng tôi cảm ơn công an đã phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi sai phạm của các trung tâm” – ông An đưa ra phát ngôn trước báo giới.

Động thái trên diễn ra sau khi người đứng đầu Cục Đăng kiểm Việt Nam  – ông Đặng Việt Hà bị khởi tố, bắt tạm giam vào ngày 11/1 với cáo buộc Nhận hối lộ. Ông Nguyễn Vũ Hải, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam đã được Bộ GTVT giao điều hành hoạt động của Cục Đăng kiểm Việt Nam theo quyết định ngày 6/1.

TP.HCM có 17 trung tâm đăng kiểm, 2 chi nhánh, trong đó, 10 đơn vị và một chi nhánh đã bị tạm dừng. Hà Nội có 30 trung tâm thì 11 đơn vị đóng cửa, Hòa Bình chỉ có một trung tâm cũng đã dừng hoạt động. Trong khi đó, chu kỳ kiểm định cuối năm thường lớn nhất năm, theo ông An.

Ông An cho rằng sai phạm của các trung tâm đã đóng cửa là do con người, chứ cơ sở vật chất không vi phạm nên đã kiến nghị tiếp tục sử dụng cơ sở vật chất của các đơn vị này và điều chuyển đăng kiểm viên đến làm việc. Thời gian qua, Cục đã điều động 8 người đến một trung tâm ở TP.HCM vì nhiều đăng kiểm viên nghỉ phép. Hiện Cục đã lên danh sách gần 200 nhân sự để bổ sung cho các trung tâm đăng kiểm.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ, ngày 3/1, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an công bố ước tính sơ bộ có khoảng hơn 70.000 phương tiện cơ giới đã được kiểm định phạm luật; khoảng 52.300 giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật về bảo vệ môi trường đã được các các trung tâm kiểm định cấp và thu lợi hàng chục tỷ đồng.

Minh Sơn