Bộ GD&ĐT tiếp tục đề xuất với Chính phủ trình Quốc hội đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

r dạy thêm
Dạy thêm, học thêm khiến học sinh phải học các kiến thức cơ bản trong môi trường và không gian thiếu thốn, chật hẹp, tùy tiện. (Ảnh: congdankhuyenhoc.vn)

Việc dạy thêm, học thêm đang diễn ra phổ biến ở các trường trên cả nước, biến tướng dưới nhiều hình thức khiến nhiều phụ huynh bức xúc. Nhiều tỉnh thành đã yêu cầu các trường, giáo viên không tổ chức dạy thêm, học thêm, dạy liên kết với trung tâm bên ngoài dưới mọi hình thức.

Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ nghiêm cấm việc ép học sinh học thêm dưới mọi hình thức. Tuyệt đối không tổ chức dạy thêm với học sinh học buổi chiều 2 buổi/ngày, học sinh tiểu học (ngoại trừ trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống).

Thừa nhận một số cơ sở giáo dục và giáo viên tại địa phương đang tổ chức dạy thêm, học thêm không đúng quy định, Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định có văn bản yêu cầu các trường không được dùng bất cứ hình thức nào để ép học sinh học thêm; không dạy thêm, học thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và học sinh tiểu học (trừ việc bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống, dạy tiếng Anh).

Đồng thời, Sở này yêu cầu không dạy quá 5 buổi/tuần đối với lớp 9, 12 và không quá 4 buổi/tuần đối với các khối lớp còn lại ở cấp trung học; không dạy quá 4 tiết/buổi; không dạy thêm, học thêm vào ngày chủ nhật, ngày lễ và sau 17h30 phút các ngày trong tuần.

Trong khi đó, Sở GD&ĐT tỉnh An Giang  cũng yêu cầu các trưởng phòng GD&ĐT chỉ đạo hiệu trưởng các trường tiểu học thực hiện đúng quy định về việc nuôi giữ, chăm sóc học sinh ngoài giờ học chính khóa; không dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào.

Về việc dạy thêm, học thêm đang gây phản ứng trong dư luận, báo cáo do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn ký cho rằng nguyên nhân là thu nhập thấp khiến một bộ phận giáo viên phải dạy thêm. Bên cạnh đó là tác động của những mặt trái cơ chế thị trường trong quá trình tổ chức dạy thêm, học thêm. Ngoài ra, cơ sở pháp lý chưa đầy đủ nên công tác kiểm tra, giám sát hoạt động dạy thêm, học thêm chưa chặt chẽ, xử lý bất cập của hoạt động này chưa kịp thời, hiệu quả. Các cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội chưa quyết liệt nên hiệu quả quản lý không cao. Báo cáo này còn cho rằng một phần vì kỳ vọng từ phía gia đình nên phụ huynh ép con em đi học.

Áp lực thi cử nặng nề, khó cấm

Nói với Báo Lao động, thầy Đinh Đức Hiền – Trưởng khối phổ thông, Trường Phổ thông liên cấp FPT cho rằng nếu học thêm xuất phát từ nhu cầu học sinh, gia đình sẽ không xấu; cái xấu, gây bất bình đối với phụ huynh hiện nay là dạy thêm trong nhà trường và phụ huynh phải “tự nguyện bắt buộc”. 

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do việc học tập, thi cử hiện nay vẫn nặng nề, có tính cạnh tranh cao. Điều này biểu hiện rõ nhất trong kỳ thi vượt cấp lên lớp 10 THPT, thi tuyển trường THCS chất lượng cao.

“Thực tế phụ huynh vẫn có nhu cầu cho con đến các trung tâm dạy thêm nhưng họ sẽ phản ứng với việc giáo viên dùng quyền lực mềm để kéo học sinh ra ngoài học thêm hay bớt xén chương trình chính khóa để dạy thêm, gây sức ép cho học sinh không học”, thầy Hiền nói.

Thầy Hiền cho rằng phụ huynh Việt Nam đang chi số tiền rất lớn đầu tư cho giáo dục. Tuy nhiên, người ta băn khoăn về tính hiệu quả, tính cần thiết của các chương trình liên kết đi vào nhà trường hiện nay.

Trong bối cảnh áp lực thi cử vẫn rất lớn, phụ huynh coi trọng bằng cấp, kỳ vọng con cái luôn phải TOP 1, đỗ trường điểm nên nhu cầu học thêm sẽ vẫn phổ biến, rất khó cấm quản. Một trong những hành lang pháp lý quan trọng nhất để quản học thêm, dạy thêm hiện nay chính là Thông tư 17 của Bộ GD&ĐT ra đời từ năm 2012 trong khi chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã áp dụng năm nay là năm thứ 4. Năm 2016, Thông tư 17 bị bãi bỏ nhiều điều, trong đó có cả nội dung liên quan việc cấp phép, tiêu chuẩn cơ sở dạy thêm, điều kiện giáo viên dạy thêm…

“Như vậy, rõ ràng thiếu hành lang pháp lý quan trọng để quản lý vấn đề nóng này. Hằng năm, Bộ GD&ĐT vẫn có các văn bản chỉ đạo tuy nhiên cũng chỉ phần nào “vá” lỗ hổng của Thông tư 17. Chưa kể, Bộ GD&ĐT đưa ra quy định nhưng trách nhiệm kiểm tra, giám sát chủ yếu thuộc về các địa phương, hiệu trưởng và còn phụ thuộc cả lương tâm nhà giáo”, thầy Hiền nói.

TS Nguyễn Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) cho rằng, muốn hạn chế được tình trạng này, đầu tiên phụ huynh phải thay đổi nhận thức, không gây quá nhiều áp lực học tập lên con cái. Thứ hai là chương trình giáo dục phổ thông mới phải thật sự giảm tải, giảm áp lực thi cử, thành tích vì nếu kiến thức vẫn nặng nề, phụ huynh sẽ buộc phải cho con đi học thêm.

“Hiện nay, giáo dục tiến tới miễn học phí đối với bậc học phổ cập nhằm giảm áp lực kinh tế cho người dân nhưng thực tế tiền học thêm cao gấp chục lần tiền học phí, như vậy là không được”, GS.TS Phạm Tất Dong – nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.

Đề xuất đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Báo cáo của Chính phủ cho rằng việc quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm ở các địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Vì vậy, Bộ GD&ĐT tiếp tục đề xuất với Chính phủ trình Quốc hội đưa hoạt động dạy thêm học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, làm cơ sở để Bộ GD&ĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17.

Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT cho hay sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra trách nhiệm quản lý nhà nước của các địa phương về hoạt động dạy thêm, học thêm.

Khánh Vy (t/h)