Ba tuyến quốc lộ tại Đồng bằng sông Cửu Long dự kiến sẽ được đầu tư nâng cấp vào quý 4 năm nay với tổng mức đầu tư hơn 9.300 tỷ đồng từ vốn vay ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng của chính phủ Việt Nam.

bo gtvt de xuat du an gan 9 300 ty dong nang cap 3 quoc lo o dbscl scaled
Quốc lộ 53 từ Vĩnh Long đi Trà Vinh. (Ảnh: ZuckPham)

Ngày 26/3, truyền thông trong nước đưa tin Bộ GTVT vừa kiến nghị Thủ tướng phê duyệt chủ trương nâng cấp 3 tuyến quốc lộ 53, 62, 91B đạt tiêu chuẩn đường cấp 3 với tổng vốn đầu tư 9.297 tỷ đồng.

Cụ thể, quốc lộ 62 tại tỉnh Long An, điểm đầu tại nút giao với đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương, điểm cuối dự kiến tại thị xã Kiến Tường, chiều dài khoảng 69km.

Quốc lộ 53 qua địa phận tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh, gồm cầu Ngã Tư và đoạn Long Hồ – Ba Si, điểm đầu tại huyện Long Hồ, điểm cuối dự kiến tại huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh, chiều dài khoảng 41 km.

Quốc lộ 91B nằm tại TP. Cần Thơ và các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, điểm đầu dự kiến tại ngã năm cầu Cần Thơ, điểm cuối tại thành phố Bạc Liêu, chiều dài khoảng 141km.

Cả 3 tuyến quốc lộ đều được nâng cấp, cải tạo đạt tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h, nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 11m bao gồm hai làn xe cơ giới, hai làn xe thô sơ và lề đường. Một số đoạn qua đô thị đã đảm bảo chiều rộng sẽ được cải tạo, nâng cấp mặt đường.

Dự án thực hiện 4 năm từ khi được bố trí vốn, dự kiến từ năm 2024 đến 2027.

Tổng mức đầu tư sơ bộ của 3 dự án là 9.297 tỷ đồng. Trong đó, quốc lộ 53 là 2.601 tỷ, quốc lộ 62 là 3.241 tỷ và quốc lộ 91B là 3.454 tỷ đồng.

Dự án do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, dự kiến vay vốn khoảng 6.385 tỷ đồng của Ngân hàng thế giới, gồm chi phí xây dựng, thiết bị trước thuế, chi phí tư vấn giám sát thi công… Vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam khoảng 2.911 tỷ đồng để quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng, giải phóng mặt bằng, chi phí dự phòng.

Quốc lộ 52, 62 và 91B nằm tại các khu vực khác nhau nên Bộ GTVT đề xuất tách thành 3 dự án thành phần. Từng tuyến có thể khai thác độc lập sau khi được nâng cấp, không phụ thuộc tiến độ hoàn thành quốc lộ còn lại.

Sau khi hoàn thành, dự án sẽ từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông đường bộ kết nối khu vực các tỉnh, thành phố.

Quốc lộ 53 đoạn đi qua tỉnh Vĩnh Long đang xuống cấp trầm trọng, nhiều thời điểm triều cường gây ngập nước nghiêm trọng, ảnh hưởng việc đi lại của người dân và dễ xảy ra tai nạn giao thông.

Quốc lộ 62 đi qua Long An được sử dụng hơn 20 năm, mặt đường nhỏ hẹp, xuống cấp, đạt tiêu chuẩn đường cấp 4 đồng bằng, riêng các đoạn qua đô thị được đầu tư theo quy mô đô thị.

Quốc lộ 91B (tuyến nam sông Hậu) được khai thác từ năm 2011, đến nay đã xuống cấp. Đặc biệt, đoạn đi qua tỉnh Sóc Trăng thường xuyên bị ngập nước, mặt đường có nhiều ổ gà, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Bộ GTVT cho biết đang triển khai Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 28B qua tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án quốc lộ 28B trên, Bộ GTVT đã và đang chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam (chủ đầu tư), Ban Quản lý dự án 5 tập trung triển khai dự án theo tiến độ.

Đến nay, dự án đã hoàn thành việc lựa chọn đơn vị tư vấn khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công và đang thực hiện các công tác thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế và dự toán. Dự kiến khởi công trong tháng 3/2024, tổ chức thi công hoàn thành dự án trong năm 2025 và hoàn thiện các thủ tục kết thúc dự án trong năm 2026.

Bảo Khánh (t/h)