Các tỉnh, thành sẽ hướng dẫn để người dân bắt đầu phân rác thành 3 loại, muộn nhất đến ngày 31/12/2024.

r bo tnmt nguoi dan se phan loai rac thai thanh 3 loai
Dù rất ủng hộ, nhiều người dân vẫn lo ngại về tính khả thi của việc phân loại rác thải và xử lý rác thải. (Ảnh: baothuathienhue.vn)

Thông tin trên được nêu ra trong Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt do Bộ TN&MT ban hành nhằm thực hiện Luật Bảo vệ môi trường.

Các tỉnh, thành phố được yêu cầu nghiên cứu, hướng dẫn phân loại phù hợp với hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, công nghệ xử lý chất thải, điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội, nguồn lực tài chính của địa phương.

Chất thải rắn sinh hoạt sẽ được chia làm 3 loại

Loại thứ nhất là chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế như giấy thải (hộp, túi, lọ cốc bằng giấy, sách, truyện, thùng bìa carton, giấy bọc…), nhựa thải (bao bì nhựa đựng thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, sản phẩm dùng trong gia dụng, nông nghiệp, y tế…).

Cùng với đó là kim loại thải (đồ bằng kim loại giống như nhựa thải và đồ dùng nhà bếp như xoong, nồi, niêu, ấm nước, bếp gas, vật dụng nhỏ như bát, đĩa, thìa, dĩa…), các loại thủy tinh thải, vải đồ da, đồ gỗ, cao su, săm lốp, thiết bị điện tử.

Phương thức phân loại được gợi ý đối với loại chất thải này là loại bỏ nước, dung dịch chứa bên trong, thu gọn, ép dẹt, giảm kích thước, thể tích. Riêng đối với thiết bị điện tử thì giữ nguyên hiện trạng, không tháo rời.

Loại thứ hai là chất thải thực phẩm gồm: Thức ăn thừa; thực phẩm hết hạn sử dụng; các loại rau, củ, quả, trái cây và phần thải bỏ sau khi sơ chế, chế biến món ăn. Chất thải này cần đựng trong túi, bao bì kín, không rò rỉ, ngăn mùi phát tán.

Loại thứ ba là nhóm chất thải rắn sinh hoạt khác gồm: Chất thải nguy hại (bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật, axit thải, dung môi thải, kiềm thải, dầu mỡ công nghiệp, chất tẩy rửa có thành phần nguy hại, bình gas mini, găng tay, giẻ lau dính dầu, hóa chất); kim tiêm, khẩu trang, bông băng bị nhiễm khuẩn từ người bệnh, bóng đèn huỳnh quang thải; thủy tinh hoạt tính thải; nhiệt kế chứa thủy ngân thải.

Trong nhóm này còn có loại chất thải cồng kềnh như ghế, giường, tủ, khung cửa, gốc cây; một số chất thải như phân động vật, tã bỉm, đầu mẩu thuốc lá, hộp xốp, giày dép. Loại rác thải này phải được đựng, chứa trong túi, bao bì, tránh phát tán ra ngoài môi trường. Các vật sắc nhọn (như kim tiêm) phải được xếp gọn để tránh gây thương tích trong quá trình phân loại, thu gom và xử lý.

Phân loại rác tại nguồn nhằm tận dụng phế liệu tái chế, phân compost tự chế biến, giảm thiểu tổng lượng rác thải trong cộng đồng, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý. Việc này được các địa phương thí điểm ở quy mô cấp huyện, phường xã từ cách đây hơn 20 năm, nhưng không đạt kết quả cao. Nhiều Sở TN&MT thời gian qua gặp khó trong việc xử lý rác thải do chưa thể ra quy định trong thời gian chờ hướng dẫn từ cơ quan trung ương.

Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, nguyên nhân của việc không phân loại được rác thải là quy định chưa có tính cưỡng chế cao, chưa đồng bộ, chủ yếu mang tính khuyến khích. Đặc biệt, hiện nay nhiều địa phương chưa có thiết bị, phương tiện thu gom riêng đối với từng loại chất thải được phân loại.

Việc ban hành hướng dẫn được kỳ vọng là cơ sở để các địa phương thực hiện. Theo Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực từ năm 2022, người dân, hộ dân không phân loại rác tại nguồn sẽ bị phạt 1 triệu đồng.

Hơn 20 năm loay hoay phân loại rác

Phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội là một trong số đơn vị cấp xã phường thí điểm phân loại rác tại nguồn đầu tiên của cả nước. Dự án được manh nha vào năm 2005, bắt đầu thực hiện dưới sự hỗ trợ tài chính, giám sát của Chương trình Đối tác Phát triển của JICA (Nhật Bản) một năm sau đó.

Các hộ dân được hướng dẫn phân loại thành rác vô cơ và rác hữu cơ ngay tại nhà, đựng vào hai thùng rác màu vàng và màu xanh tương ứng với mỗi loại. Khoảng 16h-18h hàng ngày, người dân mang rác hữu cơ đổ vào thùng nhựa lớn màu xanh và bốn ngày một lần đổ rác vô cơ vào thùng lớn màu vàng ở đầu ngõ. Bảy ban chỉ đạo của 7 ngõ lớn được thành lập để giám sát việc thực hiện của người dân.

Bà Vũ Thị Quế (hồi đó là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường) cho hay khoảng 6 tháng đầu, việc phân loại, thu gom được thực hiện quy củ. Đến khi một số công nhân môi trường đổ chung các loại rác vào một xe thì người dân bắt đầu không phân loại. Những tháng sau đó càng ít hộ dân thực hiện và sau hai năm kết thúc thí điểm thì hầu như không còn ai phân loại rác tại nguồn.

Việc phân loại rác bị dừng cho tới năm 2018 phường Phan Chu Trinh khuyến khích người dân tự triển khai. “Ban đầu việc này có hiệu quả khá tốt, nhưng sau đó bộc lộ một số hạn chế do đặc điểm nhà phố chật hẹp, người dân để chai nhựa, lon bia vài ngày mới đi đổ một lần gây mất diện tích, mùi khó chịu”, ông Lê Trọng Sỹ – Phó chủ tịch phường Phan Chu Trinh lý giải.

Bên dưới các bài viết về việc phân loại rác, rất nhiều người dân này tỏ sự ủng hộ. Tuy nhiên, mọi người lo ngại về tính khả thi của chính sách này.

Một người có tên Thai Nguyen viết: “Cách đây 6 năm, đã có kế hoạch triển khai phân loại rác y như thế này. Khi đó, nhà tôi phân loại rất nghiêm túc, các thùng rác dán nhãn khác nhau, các túi rác màu khác nhau. Song, người gom rác lại quăng cả vào 1 xe rác chung và trộn lẫn. Sau vài 3 năm thì tôi không buồn phân loại nữa. Mà đây là ở Sài Gòn. Ở các tỉnh thì chắc bất khả thi luôn!”

Người khác có tên dollar3585 bình luận: “Tôi luôn mong muốn đất nước chúng ta được sạch đẹp, ngăn nắp như Nhật Bản, do đó tôi ủng hộ việc phân loại rác thải. Cần có kế hoạch đồng bộ và lâu dài để tạo thói quen cho người dân. Tôi xin góp vài ý tưởng như sau:

1. Đưa việc phân loại rác thải (PLRT) vào giáo dục trong trường học, xem việc PLRT như một trò chơi để khuyến khích các em học sinh tạo thành thói quen tốt.

2. Dùng các thùng rác có màu đặc trưng để đựng từng loại rác, kèm theo hướng dẫn cụ thể trên thùng rác để hướng dẫn người dân tới đổ rác. Thời gian đầu có thể thực hiện tặng quà cho những người đổ rác đúng quy định (huy hiệu, áo thun….)

3. Tùy theo tình hình từng địa phương mà xây dựng lịch thu gom rác. Như ở Nhật Bản có lịch thu gom rác cho từng loại rác. Nguyên tắc PLRT ở Nhật Bản là từng người dân có ý thức chủ động PLRT, từ đó tiết kiệm chi phí cho việc PLRT trước khi mang đi tái chế hoặc xử lý.”

Khánh Vy (t/h)