Chi tới hơn 1.700 tỷ đồng làm kè, gần 29,2 km bờ biển Cà Mau đã sạt lở nặng, nhiều đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm. 

ca mau gan 292 km bo bien sat lo dai rung phong ho mong dan
Trong 107 km bờ biển Đông ở Cà Mau thì hiện có khoảng 82,3 km bị sạt lở, tương đương gần 80%. (Ảnh: baocamau.vn)

Chiều 24/8, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ký ban hành Quyết định hoả tốc công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với sạt lở bờ biển của tỉnh.

Bờ biển tỉnh Cà Mau đang bị sạt lở nặng với tổng chiều dài khoảng 29.150m. Nhiều đoạn của đai rừng phòng hộ ngày càng mỏng dần, một số vị trí sạt lở đã khoét sâu, lở hàm ếch vào phía trong, trong đó có 6 đoạn bờ biển sạt lở nguy hiểm.

Cụ thể, đoạn cửa biển Hốc Năng, huyện Ngọc Hiển, sạt lở đặc biệt nguy hiểm, với chiều dài 2.500m.

Đoạn từ Kênh Năm đến kênh Chùm Gọng, huyện Ngọc Hiển, sạt lở đặc biệt nguy hiểm, với chiều dài 4.100m.

Đoạn cửa biển tại ấp Lưu Hoa Thanh, xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi (đoạn L3), sạt lở đặc biệt nguy hiểm, với chiều dài 1.000m.

Đoạn từ Kênh 5 Ô Rô đến Vàm Xoáy, huyện Ngọc Hiển, sạt lở đặc biệt nguy hiểm, với chiều dài 7.150m (trong đó, đoạn từ Kênh Năm Ô Rô đến Khai Long, chiều dài 1.900m; đoạn từ Rạch Thọ đến Rạch 17, chiều dài 1.200m; đoạn từ Rạch 17 đến Vàm Xoáy, chiều dài 3.500m; cửa Vàm Xoáy, chiều dài 550m).

Đoạn từ Kiến Vàng đến Ông Tà, huyện Ngọc Hiển sạt lở đặc biệt nguy hiểm với chiều dài 6.400m (trong đó, đoạn từ Kiến Vàng đến Vàm Lũng, chiều dài 3.300m; đoạn từ Vàm Lũng hướng về Rạch Gốc, chiều dài 1.700m; đoạn cửa biển Rạch Gốc đến Ông Tà, chiều dài 1.400m).

Đoạn từ Hố Gùi đến Bồ Đề, huyện Năm Căn, sạt lở đặc biệt nguy hiểm với chiều dài 8.000m.

Chính quyền tỉnh Cà Mau cho rằng do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng gây sạt lở. Đặc biệt, trong mùa mưa bão, nước biển dâng cộng với sóng to, gió lớn khiến tình trạng sạt lở nghiêm trọng hơn.

Hiện tại diễn biến sạt lở ngày càng gia tăng. UBND tỉnh Cà Mau xác định với tốc độ sạt lở như hiện nay, nếu không được xử lý kịp thời thì sẽ có nguy cơ đe dọa đến các khu dân cư tập trung xã Đất Mũi, xã Tân Thuận; các trường học, trụ sở cơ quan Nhà nước, hệ thống công trình lưới điện, diện tích đất sản xuất của người dân, đặc biệt là công trình hạ tầng quan trọng của tuyến đường HCM (huyện Ngọc Hiển).

“Theo quy định tại Khoản 1, Điều 4 của Quyết định số 01/2011/QĐ- TTg ngày 04/01/2011, tình hình sạt lở tại các đoạn bờ biển nói trên đang ở mức độ sạt lở đặc biệt nguy hiểm” – UBND tỉnh Cà Mau công bố.

Về giải pháp, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết đã giao Sở NN-PTNN phối hợp với UBND các huyện có điểm sạt lở huy động nguồn lực (vật tư, trang thiết bị, phương tiện…) và triển khai các biện pháp cần thiết khác để ứng phó với tình huống khẩn cấp; thông báo, cắm biển cảnh báo, khoanh vùng ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở, bố trí cán bộ theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở.

Tuy nhiên, về giải pháp lâu dài, các cơ quan trên được yêu cầu “tổ chức khảo sát, lựa chọn giải pháp và lập thủ tục đầu tư các dự án phòng, chống sạt lở nêu trên theo tình huống khẩn cấp, trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định”, dù tổ chức triển khai thực hiện công trình theo tình huống khẩn cấp.

UBNĐ các huyện xảy ra sạt lở nghiêm cấm mọi tác động vào các khu vực sạt lở, không để sạt lở diễn ra nhanh và nguy hiểm hơn.

Tại cuộc phỏng vấn vừa diễn ra trong tháng 8 với VOV, ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết 187/254 km bờ biển của Cà Mau đã sạt lở. Trong 10 năm, từ năm 2011 đến năm 2021, đã có hơn 5.200 ha đất và rừng phòng hộ (tương đương diện tích bình quân một xã của tỉnh) bị sạt lở cuốn trôi.

Không chỉ ngoài bờ biển, sạt lở đã vào đến ven sông. Tổng chiều dài các đoạn bờ sông, kênh rạch bị sạt lở và có nguy cơ bị sạt lở khoảng 425 km trong tổng số hơn 8.100km toàn tỉnh. Tổng thiệt hại ước tính hơn 1.100 tỷ đồng, bao gồm gần 28km lộ giao thông; 303 căn nhà. Tổng diện tích hơn 3.700 ha bao gồm nhà cửa, tài sản của người dân và nhiều hạ tầng quan trọng khác có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Ông Việt nói: “Sạt lở bờ biển và ven sông là hệ quả của nhiều tác động khác nhau, từ yếu tố địa chất – địa mạo, thủy văn, khí hậu, biến đổi khí hậu, mà cụ thể nhất là mực nước biển dâng và gia tăng biên độ nhiệt theo ngày đêm, cùng với các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông đang tác động lên môi trường tự nhiên ở ĐBSCL, cho đến các yếu tố tác động từ con người”.

Tính riêng chi phí kè (kè bằng vật liệu địa phương, kè bản nhựa, kè rọ đá, kè ngầm tạo bãi, kè đá đổ, kè áp bờ…) với tổng chiều dài khoảng 55 km, đã lên tới hơn 1.700 tỷ đồng.

Nguyễn Quân