Đưa ra lý do muốn trả ơn chữa bệnh đối với nguyên đơn trong vụ kiện tụng đất đai, một thư ký tòa án ở huyện Trần Văn Thời đã làm giả bản án, từ đó, giúp bà này lấy lại mảnh đất tranh chấp và bán được 400 triệu đồng.

toa an huyen tran van thoi
Trụ sở TAND huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau). (Ảnh chụp màn hình/de nguyen chi/Google Maps/2019).

Ngày 20/12, TAND huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Quốc Khanh (SN 1986) về tội Giả mạo trong công tác theo khoản 2 Điều 359 Bộ Luật Hình sự 2015.

Đồng thời, tòa án xét xử sơ thẩm bị cáo Trần Thị Xuân Hồng (SN 1961, ngụ TP. Cần Thơ) về tội Sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015.

Ông Khanh là nguyên thư ký TAND huyện Trần Văn Thời, còn bà Hồng là cán bộ đã nghỉ hưu.

Theo cáo trạng, ngày 30/12/2019, TAND huyện Trần Văn Thời thụ lý vụ kiện tranh chấp hợp đồng mua bán đất đai do bà Hồng khởi kiện ông Đặng Trương Hoàng Vũ (ngụ xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời). Thẩm phán T.T.T. được phân công trực tiếp giải quyết vụ án này, còn ông Khanh được giao nhiệm vụ tiếp nhận và quản lý hồ sơ.

Đến ngày 13/1/2020, bà Hồng gửi đơn xin rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện đối với ông Vũ. Ngày 17/1/2020, TAND huyện Trần Văn Thời ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án.

Sau khi vụ án bị đình chỉ, do có mối quan hệ quen biết với ông Khanh nên bà Hồng đã nhờ ông Khanh tìm cách giúp đỡ để lấy lại thửa đất đã bán cho ông Vũ.

Dựa vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án do mình đang quản lý và tham khảo các bản án mẫu trên trang thông tin điện tử của ngành TAND tỉnh Cà Mau, ông Khanh tự soạn thảo một bản án đã xét xử giả mạo có phần quyết định theo hướng phù hợp với yêu cầu khởi kiện của bà Hồng.

Ông Khanh không vào sổ theo dõi mà tự lấy số bản án, sau đó, in ra 2 bản kẹp lẫn vào các bản án và những tài liệu khác, trình thẩm phán T.T.T. ký để phát hành.

Sau khi có được chữ ký của thẩm phán, ông Khanh photo thêm 1 bản án nữa, tự đóng dấu của TAND huyện Trần Văn Thời rồi chuyển cho bà Hồng.

Nhận được bản án giả, bà Hồng nộp một bản tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Trần Văn Thời để được thi hành án. Chi cục Thi hành án dân sự huyện Trần Văn Thời kiểm tra, phát hiện trong bản án chưa ghi ngày, tháng, năm có hiệu lực nên trả cho bà Hồng để bổ sung.

Bà Hồng chuyển lại cho ông Khanh 3 bản án này để đóng dấu bản án có hiệu lực. Ông Khanh sử dụng con dấu “Án có hiệu lực” của cơ quan đóng vào 3 bản án và tự ghi ngày, tháng, năm có hiệu lực vào.

Từ bản án giả này, bà Hồng đã yêu cầu cơ quan thi hành án thi hành việc hủy hợp đồng mua bán đất trước đó với ông Vũ và bà Hồng đem bán lô đất đó cho người khác lấy số tiền 400 triệu đồng.

Đến tháng 11/2021, sự việc bại lộ, bị tố giác đến CQĐT Viện KSND tối cao. Tiến hành điều tra, tháng 11/2021, Viện KSND tối cao khởi tố, bắt giam ông Khanh và bà Hồng.

Tại tòa, bị cáo Hồng cho rằng mình không biết đó là bản án giả, vì bị cáo không yêu cầu làm án giả. Tuy nhiên, HĐXX lập luận bị cáo có đọc bản án và thấy, biết rõ bản án không diễn ra trên thực tế nhưng vẫn sử dụng để đạt mục đích của mình. Bị cáo Khanh thừa nhận tội làm bản án giả với lý do là trả ơn cho bị cáo Hồng, vì trước đó, bị cáo Hồng đã điều trị bệnh cho mình.

Từ đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Hồng và Khanh mỗi người 2 năm tù giam.

Cũng theo cáo trạng, bà Hồng có 2 lần chuyển tiền vào tài khoản của ông Khanh, mỗi lần 15 triệu đồng. Tuy nhiên, Viện KSND tối cao không cho rằng đây là khoản tiền ông Khanh được trả công làm bản án giả. Bởi vì ông Khanh khai nhận và bà Hồng xác nhận đó là tiền gửi mua hải sản. Bà Hồng xác định có gửi nhờ mua đồ và một phần có ý muốn trả công cho ông Khanh vì giúp mình giải quyết khó khăn.

Trước khi vụ án bị phanh phui, ông Khanh có trả lại cho bà Hồng số tiền này. CQĐT Viện KSND tối cao không cáo buộc ông Khanh nhận lợi ích từ việc làm bản án giả.

Khánh Vy