Dữ liệu giám sát từ hơn 1.000 camera thí điểm tại TP.HCM sẽ được kết nối tại Trung tâm điều hành chỉ huy, trong đó có những camera có thể nhận diện khuôn mặt, loại phương tiện, phát hiện đám đông, các sự cố giao thông, an ninh trật tự…

camera nhan dang
Camera thu thập dữ liệu lắp tại quận Gò Vấp, TP.HCM. (Ảnh: Gia Bảo)

Ngày 12/5, TP.HCM tổ chức hội nghị công bố kết quả triển khai giai đoạn 1 các trung tâm thuộc Đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến 2025”.

Trong hội nghị, 4 trung tâm phục vụ đô thị thông minh được công bố đã vận hành. Thứ nhất là Trung tâm điều hành chỉ huy đô thị thông minh. Hiện Trung tâm điều hành chỉ huy đô thị thông minh đã tích hợp dữ liệu từ hơn 1.000 camera giám sát thí điểm của Sở GTVT, UBND các quận 1, 12, Phú Nhuận và Gò Vấp, trong đó phân tích nâng cao dữ liệu cùng lúc 50 camera gồm nhận diện khuôn mặt, nhận dạng loại phương tiện, phát hiện đám đông, các sự cố về giao thông, an ninh và trật tự.

Tại hội nghị, ông Lê Quốc Cường – Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, đã trình diễn hệ thống camera đo đếm lưu lượng xe trên đường, phân tích hình ảnh, nhận diện khuôn mặt sẽ tự động xuất hiện ở trung tâm điều hành. Khu vực tụ tập đám đông thì hệ thống sẽ thông báo…

Trung tâm thứ hai là Kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở cho thành phố. Ông Dương Anh Đức, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông  TP.HCM cho biết sau hơn một năm triển khai, kho dữ liệu này đã hoạt động tại Công viên phầm mềm Quang Trung trên cơ sở tích hợp các dữ liệu hiện có của các sở, ngành; hiện đang kết nối dữ liệu từ Cục thuế, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch Đầu tư…

Một số dữ liệu được tích hợp về kho như cơ sở dữ liệu một cửa điện tử, khiếu nại, tố cáo, đường dây nóng, đăng ký doanh nghiệp, đầu tư nước ngoài, người nộp thuế, lao động nước ngoài, đất đai… Bước đầu đã thực hiện trích xuất, khai thác kho dữ liệu dùng chung phục vụ công tác điều hành của TP.

TP đang thử nghiệm cổng thông tin dữ liệu mở (tại địa chỉ data.hochiminhcity.gov.vn), trước mắt thử nghiệm cung cấp thông tin về cơ sở khám chữa bệnh và chứng chỉ hành nghề y.

VềTrung tâm Mô phỏng và dự báo kinh tế-xã hội của TP, ông Đức cho biết đã từng bước thiết lập mối liên hệ với các chuyên gia về khoa học mô phỏng và dự báo kinh tế- xã hội tại một số trường đại học, viện nghiên cứu. Trung tâm sẽ chính thức vận hành vào tháng 6/2019.

Cuối cùng là trung tâm An toàn thông tin TP, được thành lập với mục tiêu bảo vệ an toàn, an ninh mạng cho dữ liệu và kết nối của các cơ quan nhà nước tại TP.HCM. Trung tâm này được phê duyệt thành lập Công ty Cổ phần vận hành Trung tâm An toàn thông tin TP, với 51% vốn góp từ ngân sách nhà nước do Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn thành lập.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết Đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh là 1 trong 8 chương trình đột phá của Thành phố giai đoạn 2015-2020; sau gần 2 năm triển khai đề án, các thành phần trụ cột của đề án đã hình thành và chuẩn bị đi vào vận hành.

Ông Nhân yêu cầu đến ngày 23/11, “đô thị thông minh phải hiện thực với người dân TP”. Theo đó, cập nhật và công khai các dữ liệu như kết luận thanh tra, dữ liệu các dự án đầu tư, dự án kêu gọi thu hút đầu tư, dữ liệu về đất đai, dữ liệu về các cơ sở y tế, giáo dục, các cơ sở dịch vụ du lịch.

Về trung tâm điều hành, ông Nhân đề nghị phải xác định khoảng 200 địa điểm nhạy cảm gắn camera để giám sát nhanh, như mặt tiền UBND TP, sân bay Tân Sơn Nhất, nhà thờ Đức Bà… Ngoài ra, ông Nhân đề nghị ở các điểm nhạy cảm này phải có đủ camera quay từ nhiều góc độ khác nhau, cũng như kế hoạch tích hợp camera chuyên ngành “để sớm hướng tới một TP an toàn”.

Cuối cùng, ông Nhân yêu cầu sớm vận hành Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế- xã hội để đến tháng 10/2019 là phải dự báo được kịch bản dự báo của toàn khóa này và khóa tới. Các sở chuyên ngành cũng phải dự báo về tình trạng kẹt xe hay ngập nước, về phát triển dân số…

Nguyễn Sơn

Xem thêm: