Trước tình thế cứu thương của Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM đã không đáp ứng đủ nhu cầu, Sở Y tế TP.HCM một mặt công bố bổ sung thêm 200 taxi y tế được chuyển đổi, mặt khác đưa ra giải pháp gia đình tốt nhất nên chủ động đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất bằng xe nhà. 

xe chuyen f0 f1 tphcm
Nhiều xe thiện nguyện tham gia vào việc chở người F0, F1, song xe y tế của TP vẫn quá tải. Ảnh: Hai thành viên trong nhóm xe thiện nguyện nhận vận chuyển F0, F1 tại TP.HCM, tháng 7/2021. (Ảnh: HCDC)

Chuyển thêm 200 taxi thành xe y tế để “cứu nguy” cho tình trạng quá tải

Ngày 27/7, giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM – ông Nguyễn Duy Long cho biết mỗi ngày có khoảng 5.000 cuộc gọi, tăng gấp hơn 4 lần so với con số 1.200 cuộc/ngày của thời gian trước, Cổng thông tin Thành ủy TP.HCM chiều 27/7 dẫn tin.

Hiện toàn bộ tổng đài đã được di dời lên Công viên Phần mềm Quang Trung để tăng công suất từ 14 lên 40 đường truyền và có thể tăng thêm. Ngoài 20 nhân sự của Trung tâm, nơi này đang cần thêm 100 người của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch để trực điện thoại, xử lý thông tin (hiện mới có 30 sinh viên sẵn sàng).

Đáng lưu ý, ông Long cho hay hiện Trung tâm Cấp cứu 115 TP chỉ quản lý 23 chiếc và chiều 27/7 sẽ về thêm 6 chiếc. Số lượng này không thể đáp ứng nhu cầu chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 của các quận, huyện, TP, trong khi xe của các bệnh viện đã nhận nhiệm vụ đi làm xét nghiệm, phục vụ tiêm chủng.

Sở Y tế TP.HCM sẽ nâng cấp xe taxi truyền thống thành xe taxi y tế. Dự kiến 200 xe taxi sẽ chuyển đổi thành taxi y tế , gồm tài xế, nhân viên y tế theo xe. Mỗi xe có 2 bình oxy 7 lít, bộ test nhanh, khử trùng và các phương tiện thiết yếu khác.

Theo tin từ Trung tâm 115, trong ngày 27/7 sẽ có 75 taxi y tế. Vì hiện xe cứu thương chỉ đóng tại Trung tâm Cấp cứu 115 TP không đáp ứng 22 quận huyện và TP nên chính quyền TP.HCM thành lập thêm 4 trạm vệ tinh tại quận Bình Chánh, quận Bình Tân, quận 12 và TP Thủ Đức.

Trưa cùng ngày, Chủ tịch UBND TP.HCM – ông Nguyễn Thành Phong đã đề nghị Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM bổ sung chức năng tư vấn cho các F0 sau khi xuất viện tiếp tục được theo dõi sức khỏe tại nhà qua số điện thoại tổ phản ứng nhanh của các quận huyện và TP Thủ Đức, đồng thời cần mở thêm nhiều kênh liên lạc để người gặp khó khăn, gặp vấn đề về sức khỏe gọi đến để hỏi.

“Phải thực hiện đồng bộ, từ tổng đài tiếp nhận đến phương tiện vận chuyển và bệnh viện tiếp nhận để thực hiện tốt, bởi vấn đề này liên quan đến tính mạng của người dân. Hiện thành phố đang nâng cấp cả nhân lực, máy móc thiết bị các bệnh viện để nâng khả năng điều trị (bệnh viện tầng 4 – điều trị COVID-19). Tuyệt đối không được chậm trễ vận chuyển bệnh nhân F0″ – ông Phong lưu ý.

Cần cấp cứu nhưng vẫn không thể gọi 115, người dân phải làm sao?

Đêm 27/7, báo Tuổi Trẻ Online dẫn bài phỏng vấn Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM – ông Tăng Chí Thượng với tiêu đề: “Hệ thống cấp cứu đang rất nỗ lực, mong được sự chia sẻ từ người bệnh”.

Thừa nhận “dịch tại TP.HCM đang bùng phát mạnh, có rất nhiều ca F0 mới và nhiều ca trong số đó trở nặng”, ông Thượng cho hay “số cuộc gọi cấp cứu vì thế tăng vọt, phương tiện cấp cứu trong một số thời điểm cũng bị “nghẽn”, chưa thể đáp ứng hết yêu cầu từ người dân”.

Nguyên nhân của tình trạng chậm trễ vận chuyển cấp cứu được ông Thượng xác định vì số người mắc COVID-19 tăng cao đột biến, trong khi vẫn cần đảm bảo điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh lý khác.

“Với việc vừa phải cấp cứu bệnh nhân COVID-19, vừa cấp cứu bệnh nhân thông thường sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến công tác cấp cứu chung, có thể chậm trễ vận chuyển cấp cứu ở một số tình huống nhất định. Dù mong muốn người dân chia sẻ, nhưng với vai trò của mình, chúng tôi đang có các điều chỉnh để thích nghi với tình hình mới, đồng thời huy động tối đa nguồn lực của xã hội tham gia cấp cứu cho người dân.” – ông Thượng nói.

Trước câu hỏi trong tình huống người dân cần cấp cứu nhưng không thể gọi 115…, lãnh đạo của Sở Y tế TP cho hay cần viện đến phương tiện của gia đình hoặc tổ phản ứng nhanh ở địa phương.

Thực tế có hiện tượng gọi 115 nhưng kẹt xe chưa đến chuyển cấp cứu kịp. Trong tình huống này, tốt nhất gia đình nên chủ động đưa người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất (trạm y tế, trung tâm y tế, bệnh viện quận, huyện) bằng các phương tiện vận chuyển của gia đình. Ngoài ra ở các địa phương đều có tổ phản ứng nhanh, sẽ hỗ trợ đưa người bệnh đến cơ sở y tế phù hợp.” – ông Thượng nói.

Bài phỏng vấn được đưa ra liền sau phản ánh của ông Đoàn Ngọc Hải – nguyên phó Chủ tịch UBND quận 1 qua mạng xã hội Facebook trong chiều cùng ngày về hai tình huống ông này đã trực tiếp tham gia, trong đó một bệnh nhân cao tuổi bị nhiều bệnh viện từ chối, và một bệnh nhân nguy kịch không được hỗ trợ, dù thân nhân đã gọi điện cầu cứu nhiều nơi “nhưng đều trả lời không có que xét nghiệm nhanh, không có xe cứu thương, không có bệnh viện nhận” (người bệnh tử vong sau đó).

Áp lực của hệ thống y tế TP từng được gián tiếp thể hiện khi Chủ tịch TP – ông Nguyễn Thành Phong nêu ra tình trạng bệnh viện từ chối tiếp nhận F0 nặng hôm 16/7. “Tối 14/7, khoảng gần 8h, tôi nhận được đề nghị của Chủ tịch UBND quận 7 nhờ giúp vì một ca F0 đang rất nguy cấp mà gọi không có bệnh viện nào tiếp nhận. Sau đó, tôi phải gọi cho anh Bỉnh (Giám đốc Sở Y tế TPHCM – chú thích) là giải quyết xong”, ông Phong dẫn chứng.

Tiếp đến ngày 19/7, Văn phòng UBND TP.HCM ra thông báo khẩn, trong đó ông Phong tiếp tục nhắc lại các bệnh viện cần tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân nặng, tuyệt đối không được từ chối nếu vẫn còn khả năng tiếp nhận điều trị.

Nguyễn Quân

Xem thêm:

Số ca nhiễm COVID-19 tại TP. HCM vượt cả tỉnh Hồ Bắc, nơi có TP Vũ Hán