Hai môi giới người Hà Nam bị bắt tại sân bay khi đang đưa 6 thanh niên ở Hà Nam, Sơn La vào Nam để sang Campuchia. Nhóm người này được môi giới hứa hẹn đi làm “việc nhẹ, lương cao” 900 USD/người/tháng.

lua dao nguoi sang campuchia 01
Bị can Lại Thị Loan tại cơ quan điều tra. (Ảnh chụp màn hình/Công an tỉnh Hà Nam)

Ngày 14/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Nam ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 2 người dụ dỗ, lôi kéo lao động sang Campuchia.

Hai người vừa bị bắt gồm bà Lại Thị Loan (SN 1984, trú tại thôn Đông, xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) và ông Nguyễn Mạnh Chiến (SN 1989, trú tại thôn Trung Hòa Xã Thụy Lôi huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) để điều tra về hành vi Tổ chức môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài.

Theo tin từ Công an tỉnh Hà Nam, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Nam phát hiện một số đối tượng có nghi vấn liên quan đến việc tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài.

Ngày 1/7, tại sân bay Nội Bài, TP Hà Nội, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Nam phối hợp với các đơn vị chức năng phát hiện, ngăn chặn Lại Thị Loan và Nguyễn Mạnh Chiến đang tổ chức đưa 6 người trốn sang Campuchia.

Hai bị can này khai nhận do có thời gian làm việc tại Campuchia, từ tháng 6/2021 đến tháng 4/2022, Loan về nước và lôi kéo, dụ dỗ được 6 nam, nữ thanh niên ở Hà Nam, Sơn La, hứa hẹn đưa sang Campuchia làm việc tại một cơ sở chăm sóc khách hàng chơi game với mức lương 900 USD/người/tháng (tương đương 21 triệu đồng/tháng/người). Mỗi người phải nộp 4 triệu đồng tiền môi giới cho Loan.

lua dao nguoi sang campuchia 0
Bị can Nguyễn Mạnh Chiến tại cơ quan điều tra. (Ảnh chụp màn hình/Công an tỉnh Hà Nam)

Trước đó, vào ngày 23/6, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Trần Ngọc Chung (SN 2003, trú phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) về tội “Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép”.

Chung từng sang Campuchia và làm việc tại các sòng bạc. Mặc dù biết công việc nặng nhọc, vất vả, Chung dùng Facebook nhắn tin, gọi điện cho bạn bè, người quen để lôi kéo họ sang Campuchia làm việc nhẹ nhàng, lương cao. Sau khi thuyết phục được 4 người ở TP Sầm Sơn đồng ý đi, ngày 1/3/2022, Chung đã tổ chức cho những người này vượt sông qua biên giới tỉnh Long An sang Campuchia làm việc tại các sòng bài.

Sau khi đưa được 4 người trên sang Campuchia, Chung đã bán cho công ty với giá 650USD/người (tương đương khoảng 15 triệu đồng/người), sau đó trở về nước. Còn các nạn nhân bị ép buộc ký cam kết phải thực hiện hành vi lừa đảo trên mạng Internet trong vòng 1 năm, nếu làm không đủ chỉ tiêu sẽ bị đánh, bỏ đói.

Tháng 6/2021, Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia đã phát cảnh báo về các đường dây lừa đảo, lôi kéo người Việt Nam lừa sang Campuchia rồi bị bán vào các cơ sở làm việc bất hợp pháp.

Thủ đoạn thông thường là đưa thông tin quảng cáo về công việc nhẹ nhàng, lương cao ở Campuchia (800-1000 USD/tháng). Sau khi nạn nhân đồng ý, các nhóm tội phạm sẽ liên hệ và tổ chức cho họ nhập cảnh Campuchia. Khi sang đến Campuchia, những người này được đưa đến các khách sạn hoặc cơ sở sòng bài (tập trung nhiều ở tỉnh Sihanoukville).

Tại đây, họ sẽ được huấn luyện cách thức để tìm kiếm, mời chào, lôi kéo các khách hàng tham gia đánh bạc trên mạng. Các nạn nhân bị giám sát chặt chẽ, bị cưỡng bức làm việc từ 15-16 tiếng/ngày, nếu không sẽ bị đối xử tồi tệ. Nhiều người đã bị tra tấn, đánh đập rất tàn bạo khi tìm cách trốn ra khỏi nơi làm việc, giam giữ. Những người từ chối làm việc và muốn quay trở về Việt Nam thì bị đánh đập, bắt ký khống giấy nợ và yêu cầu bồi thường từ 1.000-8.000 USD mới được thả, nếu không tiếp tục bị bán cho công ty khác.

Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia khuyến cáo mọi người cảnh giác với các mối quan hệ qua mạng xã hội, hứa hẹn công việc có thu nhập cao, cá nhân hoạt động tuyển dụng trên mạng không có địa chỉ hoặc tư cách pháp nhân ở Việt Nam, tổ chức nhập cảnh Campuchia qua đường tiểu ngạch…; từ chối mọi sự giúp đỡ về tiền bạc, lợi ích vật chất của người khác, nhất là những người lạ, người không thân quen.

Trường hợp cần hỗ trợ hoặc cung cấp thông tin liên quan đến tội phạm buôn bán người tại Campuchia, đề nghị liên hệ với số điện thoại: + 855-974056789 hoặc Tổng đài bảo hộ công dân +84-981 84 84 84.

Nguyễn Sơn