Chất vấn Bộ trưởng TT&TT về lãng phí đầu tư xây dựng Chính phủ điện tử
- Nhóm PV
- •
Là nhóm vấn đề thứ ba được đưa ra tại Nghị trường, từ 10h sáng nay (17/11), Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn giải đáp các chất vấn của đại biểu liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính, hiệu quả xây dựng chính phủ điện tử, các giải pháp quản lý thông tin trên báo chí, mạng xã hội, quản lý mạng xã hội nước ngoài tại Việt Nam.
Đánh giá hiệu quả của chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính, nhiều đại biểu cho rằng việc thực hiện chương trình không được đầu tư thích hợp, gây lãng phí.
CPĐT hoạt động không hiệu quả gây lãng phí về kinh phí, công nghệ, cơ sở vật chất hạ tầng, nguồn nhân lực
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng xây dựng chính phủ điện tử là một chủ trương lớn với nguyên tắc lấy người dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ và phải bảo đảm sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
“Tuy nhiên, theo đánh giá trong báo cáo, mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 36A xây dựng chính phủ điện tử, kết quả ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho cải cách thủ tục hành chính còn thấp và mục tiêu xây dựng chính phủ điện tử vẫn còn xa; người dân cũng như doanh nghiệp chưa hài lòng và còn phàn nàn rất nhiều về việc chưa được hưởng hệ thống dịch vụ công tiện lợi như Chính phủ đã cam kết và dường như có biểu hiện lãng phí trong đầu tư công”, đại biểu Hoa nói và đặt câu hỏi cho người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông về giải pháp nâng cao trách nhiệm của Bộ trong quản lý lĩnh vực này.
Đại biểu Hoa cho rằng việc chính phủ điện tử hoạt động không hiệu quả gây lãng phí cả về kinh phí, công nghệ, lãng phí về cơ sở vật chất hạ tầng và lãng phí về nguồn nhân lực.
Tiếp tục chất vấn Bộ trưởng về nguyên nhân chính phủ điện tử hoạt động không hiệu quả, chưa tương xứng với tiềm năng cũng như mức độ đầu tư của Nhà nước, đại biểu Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên) quan tâm đến hai nguyên nhân mà báo cáo của Bộ gửi đến các đại biểu.
“Nguyên nhân thứ nhất là đầu tư chưa đúng trọng tâm, nhiều địa phương cung cấp tới gần 1.000 các thủ tục hành chính nhưng lại không phát sinh một hồ sơ nào trên môi trường điện tử, các dịch vụ công được cung cấp chủ yếu cho các lĩnh vực ít nhu cầu sử dụng, chưa tập trung vào các lĩnh vực giải quyết nhu cầu bức xúc của người dân.
Nguyên nhân thứ hai thuộc về người đứng đầu khi chưa tham gia sử dụng, chỉ đạo cũng như điều hành trên mạng”, đại biểu dẫn báo cáo.
CPĐT chưa thực hiện chức năng quản lý, điều hành của cơ quan quản lý nhà nước
Trả lời chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng trong hai năm qua, các bộ ngành đã tăng cường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực như: thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, mang lại nhiều kết quả khả quan trong việc cung cấp thông tin và giải quyết thủ tục hành chính để phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Bộ trưởng cho hay chính phủ điện tử đã cung cấp hơn 900 dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 4. Cách đây hơn một năm, hầu hết các dịch vụ công mới ở mức 1, 2, hiện tại hầu hết bộ ngành đều cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Theo thống kê, với hơn 14.000 dịch vụ công trực tuyến ở các tỉnh ứng dụng và thông qua dịch vụ công trực tuyến, người dân và doanh nghiệp đã giảm được nhiều thời gian trong thực hiện thủ tục hành chính.
Bộ trưởng cũng cho hay ngoài lĩnh vực hải quan, thuế, còn có hơn 21 triệu hồ sơ trực tuyến BHXH Việt Nam và hơn 28 triệu hồ sơ trực tuyến của các ngành như: ngành ngoại giao có hơn 1,6 triệu hồ sơ trực tuyến, Bộ KH&ĐT có gần 500.000 hồ sơ trực tuyến, Bộ Tư pháp có gần 300.000 hồ sơ.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ trưởng, việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến còn nhiều hạn chế như: dịch vụ công tại một số bộ ngành chưa phát sinh hồ sơ; hàng ngàn dịch vụ công trực tuyến chỉ để phục vụ cho văn thư lưu trữ mà chưa đưa vào ứng dụng; việc sử dụng hệ thống quản lý văn bản điều hành tại nhiều nơi cũng chưa mang lại hiệu quả cao, chủ yếu sử dụng trong việc gửi nhận văn bản và hỗ trợ cho công tác văn thư lưu trữ mà chưa thực hiện chức năng quản lý, điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước; một số hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu nền tảng để phát triển chính phủ điện tử chậm được xây dựng.
Bộ trưởng cũng chỉ ra hạn chế trong việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu một số cơ quan nhà nước chưa quan tâm đến việc xây dựng vận hành chính phủ điện tử ở địa phương mình; kinh phí đầu tư cho xây dựng vận hành chính phủ điện tử và nhu cầu bố trí vốn của địa phương; các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu thậm chí được xây dựng chồng chéo, thời gian kéo dài, đặc biệt là việc thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ thông tin từ trung ương đến địa phương,…
Tuy nhiên, trả lời chất vấn của các đại biểu về giải pháp của Bộ nhằm nâng cao hiệu quả chương trình chính phủ điện tử, các giải pháp được Bộ trưởng đưa ra chưa thực sự cụ thể.
Bộ trưởng cho hay một số chính sách trọng tâm sẽ được Bộ thực hiện như: hướng dẫn bộ, ngành,địa phương thực hiện Nghị quyết 19, trong đó tiếp tục thực hiện giải pháp về cải thiện kinh doanh và nâng cao năng lực; thực hiện các nội dung với cơ quan chủ quản – cơ quan triển khai dữ liệu quốc gia,… Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã phối hợp với Bộ Nội vụ trong hoạt động xây dựng chính phủ điện tử; phối hợp với các địa phương xây dựng các văn bản pháp luật cho chương trình.
Phiên chất vấn Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trong sáng nay còn được các đại biểu đề cập đến nhiều vấn đề như: kiểm soát thông tin trên mạng xã hội, quảng cáo thuốc giả, thực phẩm chức năng tràn lan trên các phương tiện thông tin đại chúng, xã hội hóa truyền hình,…
Trước khi kết thúc phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) xin quyền tranh luận, nhắc lại quan điểm của Bộ trưởng khi cho rằng “không gọi là báo chí chính thống vì không có quan điểm là báo chính không chính thống”.
Đại biểu Thúy phản biện: “Tuy nhiên tại trang 15 báo cáo số 4120 ngày 12/11/2017 của Bộ TT&TT do Bộ trưởng ký gửi đại biểu Quốc hội có viết “Nội dung thông tin trên mạng hiện nay được cung cấp bởi hai nguồn. Thứ nhất là từ các cơ quan báo chí chính thống (gồm báo chí in, báo chí điện tử và phát thanh truyền hình).
Đề nghị Bộ trưởng giải thích rõ hơn về vấn đề này”, đại biểu Thúy yêu cầu.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn sẽ được tiếp tục trong chiều nay. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, các Bộ trưởng Công an, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo cùng các Bộ trưởng, Trưởng ngành khác sẽ tham gia trả lời chất vấn theo nội dung liên quan.
Nhóm PV
Xem thêm:
Từ khóa mạng xã hội Quốc hội khóa 14 các phiên chất vấn tại kỳ họp 3 chất vấn bộ trưởng Trương Minh Tuấn chất vấn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông