Hơn 40 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2022 chuyển sang năm 2023 được tỉnh Quảng Nam sử dụng để kéo dài việc giảm phí tham quan một số điểm tại Hội An bị ảnh hưởng do đại dịch, nối dài thời gian thực hiện quy định này từ năm 2021 tới 2023.

thu phi tham quan hoi an
Hội An nhìn từ trên cao. (Ảnh: Tang Trung Kien/Shutterstock)

Ngày 30/10, UBND tỉnh Quảng Nam ra quyết định phân bổ cho UBND TP. Hội An nguồn tiền để hỗ trợ giảm thu phí tham quan. Số kinh phí phân bổ là 40,033 tỷ đồng, lấy từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2022 chuyển sang năm 2023.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, khoản chi trên được thực hiện theo Nghị quyết số 18 ngày 19/4/2021 của HĐND tỉnh quy định về tiếp tục giảm phí tham quan một số điểm tại TP.Hội An và mức hỗ trợ phục hồi, phát triển du lịch do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19. Nghị quyết 18 kết thúc khi hết tháng 12/2021 nhưng được kéo dài sang năm 2022 theo Nghị quyết số 86 ngày 8/12/2021 của HĐND tỉnh.

Cụ thể, Nghị quyết số 18 của HĐND tỉnh quy định mức giảm đối với phí tham quan Đô thị cổ Hội An là 10.000 đồng/người/công trình; Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm 35.000 đồng/người/lượt; Di tích lịch sử văn hóa rừng dừa Bảy Mẫu xã Cẩm Thanh 15.000 đồng/người/lượt.

Đồng thời HĐND tỉnh đồng ý với 3 khoản hỗ trợ khác, gồm:

Hỗ trợ tổ chức chuỗi sự kiện (truyền thông, xúc tiến, quảng bá…) kích cầu du lịch Quảng Nam là không quá 0,5 tỷ đồng/sự kiện, tổng mức hỗ trợ là 10 tỷ đồng (ưu tiên thực hiện tại TP. Hội An);

Hỗ trợ 13 di tích tư nhân (trong 19 di tích thuộc ô vé tham quan phố cổ Hội An) với mức 5 triệu đồng/di tích/tháng để bù một phần chi phí, đảm bảo duy trì mở cửa các di tích đón khách tham quan, tổng mức hỗ trợ 0,39 tỷ đồng;

Hỗ trợ các đoàn có từ 100 khách trở lên tham gia sự kiện, hội nghị, hội thảo kết hợp tham quan du lịch có lưu trú (khách MICE) tại Quảng Nam (tặng hoa, quà lưu niệm, hướng dẫn viên du lịch) tùy theo số lượng khách, tổng mức hỗ trợ 0,5 tỷ đồng.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, UBND TP. Hội An chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí hơn 40 tỷ đồng nói trên đúng mục đích.

mua ve tham quan hoi an
Khu vực 1 vùng khoanh đỏ là nơi khách mua vé để vào tham quan. (Hình ảnh: Di sản văn hóa Hội An)

Đầu tháng 4/2023, UBND TP. Hội An thông báo từ ngày 15/5 tới tất cả người Việt, trừ người Hội An có lý do chính đáng, khi vào phố cổ Hội An sẽ buộc phải mua vé, thay vì chỉ khách quốc tế, khách đi theo tour mua vé. Mức giá vé là 120.000 đồng/vé với khách quốc tế, 80.000 đồng/vé với khách nội địa.

Trước ý kiến trái chiều về việc người Việt phải mua vé vào phố cổ Hội An, Phó chủ tịch UBND TP. Hội An Nguyễn Văn Lanh cho hay việc thu phí tham quan là việc thích hợp, phù hợp với nguyên tắc bảo vệ di sản và được UNESCO ủng hộ. Hội An vẫn áp dụng phí tham quan đối với khu vực 1, là khu vực bảo vệ nghiêm ngặt với hơn 1.107 di tích cổ. Tuy nhiên, trong bình quân khoảng 15.000 lượt người ra vào/ngày, chỉ 40% lượng người qua các chốt kiểm soát vào quầy mua vé, chủ yếu khách quốc tế.

Theo công bố, nguồn thu từ vé tham quan đang là nguồn thu ngân sách chủ yếu của Hội An. Khoảng 50-70% tiền thu được dùng để tu bổ, tôn tạo di tích, hỗ trợ trùng tu đối với di tích tập thể, tư nhân.

“Chi phí trùng tu di tích là rất lớn. “Rẻ” nhất cho việc trùng tu một di tích hiện nay 5 tỷ đồng thì tiền trích lại từ bán vé mỗi năm chỉ đủ trùng tu 7 – 10 căn.

Trong khi hiện Hội An có khoảng 155 (chiếm 14%) di tích xuống cấp đang phải chống đỡ, trong số này có hơn 20 di tích có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào, nhất là trong mùa mưa bão” – ông Lanh nói, theo Tuổi Trẻ ngày 4/4/2023.

Nguyễn Sơn