Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê cho rằng không nên suy diễn từ đâu mà đại biểu Phạm Phú Quốc có 2,5 triệu USD để mua quốc tịch Síp, nên tôn trọng lời ông Quốc là do gia đình bảo lãnh, không nên đưa vấn đề đi xa quá.

pham phu quoc 1 image
Ông Phạm Phú Quốc. (Ảnh: quochoi.vn)

Truyền thông nhà nước vừa đồng loạt đưa tin, TP.HCM tổ chức buổi họp báo liên quan đến ĐBQH Phạm Phú Quốc, có 2 quốc tịch Việt Nam và Síp.

Thông tin từ buổi họp báo cho biết ông Quốc đã có đơn xin thôi Đại biểu Quốc hội, thôi chức Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) từ hôm 25/8.

Đến nay, ông Quốc vẫn phủ nhận việc bỏ ra 2,5 triệu USD (khoảng 57 tỷ đồng) để mua quốc tịch Síp, mà vẫn cho là do gia đình bảo lãnh vào năm 2018.

Về lý do nhập quốc tịch Síp, ông Quốc nói rằng tại thời điểm 2018, có những vấn đề chi phối và công việc không như mong muốn. Còn cụ thể như thế nào thì không thấy báo chí đề cập.

Về hình thức xử lý, báo chí dẫn lời ông Hà Phước Thắng, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn cho biết trong tuần, đoàn ĐBQH thành phố sẽ họp, xem xét bãi miễn tư cách ĐBQH đối với ông Quốc.

Còn Ban Tổ chức Thành ủy sẽ làm việc với ông Quốc để xử lý trong tháng 9. Cũng trong tuần, Sở Nội vụ sẽ có ý kiến với UBND thành phố để đình chỉ chức vụ Tổng giám đốc IPC đối với ông Quốc.

‘Chúng ta nên tôn trọng lời đại biểu Quốc là do gia đình bảo lãnh’

pham nguyen nhu khue image
Ông Phan Nguyễn Như Khuê. (Ảnh qua vnexpress.net)

Mặc dù chưa đưa ra hình thức xử lý cụ thể với ông Quốc, nhưng trước khi kết thúc buổi họp báo, ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy đã nói ngay:

“Chúng ta nên tôn trọng lời thú thật là do gia đình bảo lãnh chứ không nên suy diễn, có bước đi quá đà tìm hiểu số tiền này từ đâu ra”.

“Tôi nghĩ đến thời điểm này chúng ta nên tôn trọng đại biểu Phạm Phú Quốc vì ông có báo cáo chính thức trước công luận, tổ chức Đảng tại sao có quốc tịch thứ hai”.

“Không phải vì chuyện có 2 quốc tịch mà phủ định sạch trơn nỗ lực, cố gắng của ông Quốc trong vai trò đại biểu Quốc hội và vị trí công tác, mà vẫn phải có đánh giá cao những gì mà đại biểu đã thể hiện. Chúng ta cũng phải tôn trọng việc đại biểu Phạm Phú Quốc đã tự nhìn nhận việc mình có 2 quốc tịch là không đúng quy định”.

“Không nên thấy một việc nhỏ đã cho rằng đại biểu Phạm Phú Quốc là một con người không còn gì nữa. Đảng rất phân minh, luôn nhìn nhận việc đã làm được và làm chưa được. Do đó đoàn ĐBQH cũng trên tinh thần đó, chúng tôi đánh giá đại biểu Quốc đã rất chịu khó tư duy lĩnh vực đại biểu có lợi thế, luôn tuân thủ quy định của đoàn, nghiên cứu, đóng góp dự thảo luật trong lĩnh vực của mình công tác”.

Vấn đề này, Luật sư Luân Lê bình luận trên trang cá nhân:

“CHẶN DÂN ĐỦ ĐƯỜNG

Nhân dân chẳng lẽ không còn cái quyền cơ bản với một đại biểu quốc hội (dân biểu) đang đại diện cho chính mình, dù đó chỉ là mặt hình thức?

Ít ra, chính các cơ quan công quyền phải ngay lập tức cho điều tra số tiền mua quốc tịch của đại biểu quốc hội để làm rõ có hay không việc rửa tiền, tham nhũng hoặc vấn đề khác.

Tuyên giáo thành uỷ của một thành phố có thẩm quyền gì để nói về vấn đề tài sản của đại biểu trước nhân dân?

Ông ta đã đi quá xa với số tiền khổng lồ không rõ nguồn gốc, trong khi vị này lại khuyên nhủ nhân dân đừng nên đi quá xa một vấn đề nghiêm trọng.

Bảo sao tham nhũng chẳng những không giảm mà còn thách thức cả chính phủ như đã từng thừa nhận chính nó không thể chống được tham nhũng”.

Trước đó, hãng tin Al Jazeera tung loạt bài viết cho biết, chương trình hộ chiếu của Cộng hòa Síp cho phép những ai đầu tư ít nhất khoảng 2,5 triệu USD sẽ được sở hữu hộ chiếu nước này; đồng nghĩa với việc, cá nhân đó trở thành công dân EU, được đi lại, làm việc tự do ở 27 nước thành viên EU và có thể nhập cảnh vào 174 quốc gia mà không cần visa.

Đại biểu Phạm Phú Quốc bị Al Jazeera nêu tên trong danh sách những người nước ngoài đã sở hữu hộ chiếu Cộng hòa Síp.

Trần Tâm