Gần một tháng sau khi khởi tố, bắt tạm giam, Công an TP.HCM qua truyền thông nhà nước cho biết ngoài quốc tịch Việt Nam, bà Nguyễn Phương Hằng có thêm quốc tịch Síp, và từng mang tên họ khác.

ba phuong hang 0
Bà Nguyễn Phương Hằng tại cơ quan điều tra, tối 24/3. (Ảnh: Thông tin Chính phủ/Facebook)

Ngày 15/4, truyền thông nhà nước dẫn nguồn tin từ Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cho hay vụ án liên quan đến bà Nguyễn Phương Hằng (SN 1971, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam) đang được mở rộng điều tra.

Vào tối ngày 24/3, bà Hằng bị Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM khởi tố và bắt tạm giam 3 tháng để điều tra về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, theo Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Hiện cơ quan chức năng đã lập lý lịch tư pháp bị can của bà Hằng, xác định bà Hằng từng có tên là Nguyễn Thị Thanh Tuyền; năm 2010, bà Tuyền đổi tên thành Nguyễn Phương Hằng. Ngoài quốc tịch Việt Nam, bà Hằng có thêm quốc tịch Cộng hòa Síp.

Năm 2002, theo kết luận điều tra về chuyên án “Năm Cam” (tức ông Trương Văn Cam), bà Tuyền quen biết ông Đ.Đ.G (một nhân vật thân tín của “Năm Cam”) từ năm 1996. Năm 1997, bà Tuyền thuê nhà số 21/15A Trường Sơn (phường 4, quận Tân Bình) của ông T.H.H., sống cùng ông G. Sau đó, bà Tuyền mua lại căn nhà thuê nói trên với giá 52 lượng vàng.

Trong thời gian sống chung, do thường bị ông G. đánh đập, bà Tuyền đã đem giấy tờ nhà gửi cho mẹ ruột. Đầu năm 1998, ông G. buộc bà Tuyền viết giấy ghi tên ông này và bà Tuyền đồng sở hữu rồi đuổi bà ra khỏi nhà.

Sau đó, bà Tuyền tố cáo ông G. Vụ án Năm Cam được đưa ra xét xử vào tháng 2/2003; tháng 5/2004, ông G. bị tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM xử phạt 7 năm tù về tội Cưỡng đoạt tài sản.

Khoản 1 Điều 5 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định Bộ luật hình sự được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam.

Theo khoản 2 điều luật này, người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam được áp dụng điều ước quốc tế hoặc tập quán quốc tế khi họ thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế. Trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.

Ngoài ra, Điều 5 Luật quốc tịch Việt Nam 2008 quy định người có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam.

Theo đó, công dân Việt Nam có quốc tịch thứ hai, không thuộc trường hợp được hưởng quyền miễn trừ theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Bộ luật Hình sự 2015 thì cơ quan tố tụng sẽ áp dụng Bộ luật Hình sự của Việt Nam để xử lý.

Nguyễn Quân